Thời gian gần đây, dạo qua những tuyến đường của TP.HCM, người đi đường đôi lúc phát hoảng khi bắt gặp những người đàn ông chạy xe máy, trên tay quấn đầy rắn.
Mỗi buổi chiều, nhóm người này lại tập trung tại các khu vực công viên hoặc bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để chào hàng. Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp cận được với các nhân vật có thú chơi độc dị này.
Trào lưu nguy hiểm
Qua sự giới thiệu của một dân chơi, tôi tìm đến nhà của Thanh “ rắn” (đường Nguyễn Thị Định, Q.2). Thanh “rắn” là một “đầu nậu” chuyên cung cấp các loại rắn độc, bò sát dữ. “Tay chơi” này còn cho biết có thể đáp ứng được cả nhu cầu mua các loại quý hiếm trong danh sách “hàng cấm” nếu khách đặt hàng trước.
Nhiều dân chơi thường quấn rắn đầy người đi dạo công viên để thể hiện bản lĩnh. |
Nhà của Thanh “rắn” nằm sâu trong một con hẻm, với một dãy chuồng trại. Bên trong, các loại rắn độc, trăn, rết, rùa… bò lổm ngổm, rất ghê rợn.
Thanh cho biết mình là người chuyên bán rắn. Nhờ mối quan hệ quen biết, anh ta móc nối được với nhiều người săn rắn trên rừng. “Hiện nay, rắn độc của các dân chơi khắp Sài Gòn đều do một tay tôi cung cấp cả”, Thanh tự hào cho biết. Rắn mà “đầu nậu” bán có nhiều loại như cạp nia vàng, cạp nong, hổ đất, hổ mèo... trung bình mỗi con cân nặng 100g giá 1 triệu đồng.
Cầm trên tay con rắn cạp nia, Thanh dứ dứ về phía tôi rồi dọa: “Chơi mấy loại rắn này nếu bị cắn thì chôn luôn, khỏi cấp cứu tốn xăng”. Thanh cũng không ngần ngại cho biết để chơi được những con rắn như trên, người chơi phải có kinh tế vì chúng thuộc loại hàng hiếm, giá tiền càng cao. Việc chơi rắn cũng là một nghệ thuật, bởi rắn vốn là loài động vật hoang dã và không thể thuần được như chó, mèo.
“Đừng để rắn đói quá lâu hay làm rắn giật mình, rất nhiều trường hợp, người chơi bị rắn cắn tới tấp vì quấn chúng vào tay và chở chúng chạy ra đường ồn ào xe cộ. Chuồng trại nuôi rắn rất đơn giản, mỗi loài sẽ có một môi trường thích nghi. Thức ăn cho rắn chủ yếu là gà con, chuột sống.
Ai đã quen với việc này thì thấy thích thú, còn những người chưa quen cảm thấy rất rùng rợn với cảnh bỏ con gà chạy vào chuồng, rắn phóng tới chụp mồi nuốt chửng”, Thanh giới thiệu.
Khi được hỏi tại sao không sợ nguy hiểm khi chơi các loại rắn độc như vậy, Thanh cười bảo đã đam mê thì không thể từ bỏ được. Tuy thế, anh cũng chỉ dám mang những loại rắn không độc quấn vào tay ra đường để phòng hờ chuyện rủi ro có thể xảy đến.
Bàn tay bị hoại tử vì rắn hổ mèo cắn. |
Theo nhiều dân chơi bò sát ở Sài Gòn, thú nuôi chó, mèo, cá cảnh... đã quá phổ biến và họ gọi đó là những con vật truyền thống. Do đó, để tạo nên sự khác biệt, thể hiện bản lĩnh, nhiều người đã chọn nuôi rắn kiểng và trăn ngoại, loài vật dữ tính, thậm chí mang trong mình nọc độc nguy hiểm.
Khoảng 2 đến 3 năm trước, loại hình nuôi trăn, rắn độc cũng chỉ mới xuất hiện tại Sài Gòn và mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Nhưng đến giờ, do được nhiều bạn trẻ chú ý, nó đã rộ lên thành một trào lưu. Những dân chơi chuyên nghiệp cho biết: “Bắt đầu từ một năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn, rắn đặc biệt sôi động.
Không biết bắt đầu từ đâu, quan niệm nuôi thành công rắn trong nhà có thể giúp giải hạn và đem lại thành công, may mắn. Nhiều người không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn cũng vì niềm tin đó”.
Hiểm nguy rình rập
Rời nhà Thanh, chúng tôi đến quận Tân Bình tìm nhà của một người tên Tùng. Trên một loạt diễn đàn về bò sát lớn tại TP.HCM, Tùng được nhắc đến như một hình mẫu về nuôi trăn chuyên nghiệp.
Nhà Tùng có một dãy hồ kính dài, mỗi hồ nuôi một con trăn khoảng 1m được trang trí và chiếu đèn đẹp mắt. Theo quan sát của PV, có khoảng hơn 20 con trăn đang ở phòng khách nhà Tùng. Nói về giá thành của những loại trăn khủng này, Tùng cho biết giá thấp nhất của một con trăn loại nhỏ là 250.000 đồng.
Cá biệt, những con quý hiếm có thể lên đến 2 tỷ đồng. Trăn đẹp không nẳm ở kích thước mà qua mức độ lạ của nó. Đối với những loài trăn đột biến, trăn lai thì chuyện khách bỏ bạc tỷ săn lùng cũng không phải chuyện quá lạ.
Trăn đột biến có giá cả chục triệu đồng |
Tại Sài Gòn, dân chơi thường ưa chuộng nhất là trăn đất, trăn mắc võng và trăn cọc. Một con trăn như vậy, giá vào khoảng 3,5 triệu nhưng nếu đó là loại đột biến, gọi là trăn bạch tạng, giá sẽ được nâng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần. Tùng cho biết loài trăn to nhất có tên là Anacodas có nguồn gốc Nam Mỹ. Theo Tùng biết thì tại Sài Gòn có khoảng 5 con trăn này.
Đây là loài trăn rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ, chúng có thể siết cổ và nuốt được một đứa trẻ sơ sinh, chuyện chó mèo chạy ngang bị trăn quấn và ăn thịt cũng không phải hiếm gặp. Giá mỗi con trăn như vậy thường không dưới 15 triệu đồng. Đưa bàn tay với những vết sẹo chằng chịt cho tôi xem, Tùng khoe đó là chiến tích còn lưu lại sau những lần bị con trăn cây cắn. Tay chơi này nuôi rất nhiều trăn cây (green tree - PV). Tùng bảo: “Loại này rất hung tợn. Khi bị bỏ đói quá lâu hoặc bị ngoại cảnh tác động, nó có thể cắn người bất kỳ lúc nào”.
Cũng theo Tùng, nuôi trăn không cần hệ thống đèn như cá vì màu da của các loài trăn hầu như không thay đổi, chỉ có giai đoạn trăn thay da, màu có hơi nhạt hơn. Trăn nuôi cầu kỳ và tốn kém nhất là ở khẩu phần ăn.
Tại Việt Nam, đa phần dân chơi nuôi trăn bằng chuột bạch. Bên cạnh đó, người nuôi luôn phải lo lắng, tìm cách giữ cho trăn không bị thương. Tùng chia sẻ: “Khó nhất là việc chăm sóc khi trăn bị thương, vết loét đó rất khó lành.
Nhiều người phải bỏ ra 3-4 triệu đồng để mua các loại thuốc đặc trị từ các hãng phụ kiện bò sát lớn nhất thế giới như Exo-Terra và Zoo-med”. Tùng cũng khẳng định, trăn là một con vật nguy hiểm, nhất là với những loài trăn ngoại lai nhập từ nước ngoài về.
“Trong môi trường tự nhiên, trăn, rắn là loài săn mồi. Nếu quá trình nuôi tại nhà bị bỏ đói, chúng sẵn sàng lao vào tấn công cả người nuôi, con trăn càng lớn thì mức độ nguy hiểm càng gia tăng”, Tùng cho biết. Hiện Tùng đang là chủ của một cửa hàng petshop chuyên bán trăn và kỳ đà.
Nhiều dân chơi vẫn đánh giá nuôi rắn nguy hiểm hơn trăn vì trăn không có độc. Tuy nhiên, những vết cắn đau điếng gây ra bởi hàm răn sắt nhọn và không chịu nhả ra của trăn làm nhiều người phải một phen hốt hoảng và hối hận việc nuôi trăn cảnh của mình, chưa kể những vết trăn cắn có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Công việc cho trăn ăn cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm vì loài này là động vật ăn thịt sống nên rất mất vệ sinh trong việc cho ăn. Hơn nữa, thức ăn của chúng là chuột, gà, chim – những động vật trung gian gây bệnh cho người như dịch hạch, cúm gia cầm... rất nguy hiểm với con người. Vì vậy, trăn thường dễ mang trên mình những mầm bệnh lây lan cho con người.
Ở Việt Nam, chuyện rắn cắn chết người đã xảy ra rất nhiều, đối với trăn, từng có trường hợp trăn được nuôi làm vật cưng đã “tiêu hóa” một chú chó của khổ chủ.
Tại Việt Nam vào năm 2007, một con trăn nuôi đã cuốn chết chủ nhân của nó là ông Nguyễn Việt H., tại nhà riêng trên đường Chi Lăng (phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong lúc ông đang dọn chuồng để cho “thú cưng” ăn.
Vợ ông H. cho biết: “Khi người nhà phát hiện la toáng lên, tôi chạy ngay ra sau nhà thì thấy đầu con trăn đang cuốn vào cổ chồng tôi, ghì mặt vào lưới sắt. Tôi lao tới gỡ đầu con trăn ra. Lúc này, chồng tôi đã bất động”.
Con trăn sát chủ nói trên là trăn đực, nặng khoảng trên 40kg, ông H. nuôi 14 năm nay. Việc con trăn bất ngờ lao lên siết cổ ông H., theo nhận định có thể do bị đói lâu ngày. Khi mở cửa quét dọn, ông H., có cầm theo con chuột, trăn đánh hơi và lao lên như một phản xạ tự nhiên.
Nếu ông H., vứt con chuột vào cho trăn ăn trước (như mọi lần) khi dọn chuồng, thì sự cố đáng tiếc có thể không xảy ra. Về mặt khoa học, những chú trăn trưởng thành cực đại thừa sức “nuốt sống” một đứa trẻ. Ở Mỹ từng có vụ việc tương tự khi một con trăn cảnh Myanmar đã cuốn chết một em bé 2 tuổi gây rúng động dư luận nước này.
Trong khi các ngành chức năng đang ra sức bảo vệ loài bò sát quý hiếm này và trăn, rắn đã được liệt vào danh sách cấm săn bắt (dù được phép nuôi kinh doanh), thì việc nhiều người săn tìm, mua bán các loài này đã tạo nên sự nguy hiểm cho chính mình và cho cả cộng đồng.
Theo Zing