Ngày 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch.
Theo báo cáo của thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cơ quan thẩm tra tiếp tục đề nghị lấy tên căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho công dân từ khi mới sinh ra và sẽ thay thế giấy khai sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết: "Thẻ căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi sẽ có nội dung tương tự giấy khai sinh, có tên cha mẹ; còn thẻ căn cước công dân cấp cho người từ 14 tuổi trở lên mới có thêm các thông tin khác như ảnh, dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng...".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng thẻ căn cước hay giấy khai sinh chỉ là tên gọi, vì vậy khi đã quyết định cấp thẻ căn cước từ khi mới sinh thì không cần cấp giấy khai sinh nữa.
Theo ông Thi, vấn đề quan trọng nhất của luật này không phải là tên gọi của giấy tờ, mà là việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu này với các hệ thống quản lý chuyên ngành về kinh tế - xã hội, trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại.
“Phải đảm bảo tính kết nối của số định danh cá nhân, thẻ căn cước dựa trên hệ thống dữ liệu điện tử. Ví dụ khi cầm thẻ căn cước công dân vào bệnh viện thì người ta tra một cái là ra ngay thông tin về bảo hiểm y tế, là biết người có số định danh này đã đóng bảo hiểm từ thời gian nào...” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu ví dụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch phải làm cuộc cải cách trong công tác quản lý nhà nước về dân cư. Vì vậy, các cơ quan có liên quan phải ngồi lại với nhau, tiếp tục xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để trao đổi, bàn bạc thật kỹ, mục tiêu cuối cùng là giảm tối đa các loại giấy tờ và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, giữa hộ tịch và căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau.
Hộ tịch là những sự kiện quan trọng của công dân (khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha, mẹ, con, xác định giới tính, dân tộc...) được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ liên quan đến quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Còn căn cước công dân là để phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn xã hội.
Thực tế hiện nay vấn đề hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý, còn căn cước công dân do Bộ Công an quản lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ban soạn thảo hai dự luật này cần rà soát kỹ, điều chỉnh các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, tránh sự giẫm chân lên nhau giữa các cơ quan quản lý.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi), Luật tổ chức viện KSND (sửa đổi). Dự kiến các đạo luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm 2014.
Theo Tuổi Trẻ