Nhiều tổng biên tập không phải là nhà báo

Thứ ba, 29/07/2014, 10:06
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2013 cả nước bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong số này có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí.

Đây cũng là một trong những bất cập trong công tác quản lý báo chí được nêu tại hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí do UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng QH tổ chức ở TP.HCM ngày 28/7.

Quá nhiều văn bản không phù hợp chi phối

Theo Bộ TT&TT, hiện nay hệ thống pháp luật báo chí gồm luật Báo chí năm 1989 đã được bổ sung, sửa đổi năm 1999 cùng 6 nghị định, 7 quyết định, 5 thông tư hướng dẫn.

Song nhìn chung do sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn từ khi luật Báo chí ra đời và sửa đổi đến nay đã bộc lộ nhiều mặt không phù hợp, bất cập với đời sống báo chí. Sự phát triển công nghệ viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ khiến cho luật báo chí hiện hành cũng như những văn bản liên quan không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động báo chí.

Hội nghị tham vấn xây dựng luật Báo chí

Hội nghị tham vấn xây dựng luật Báo chí

Nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết nêu, có tới 50 văn bản quy phạm pháp luật về báo chí. Với một khối lượng văn bản khổng lồ như vậy song thực tiễn hoạt động báo chí gặp nhiều khó khăn. Nhiều quy định không được thực hiện.

Quyền tiếp cận thông tin của nhà báo gặp nhiều trở ngại. Quy chế người phát ngôn mang tính hình thức và không thực tế. Các quy định mơ hồ như “bí mật công tác”, “không thuộc thẩm quyền” cộng với sợ trách nhiệm nên quy chế này không những không phát huy tác dụng mà còn ngăn cản báo chí tiếp cận thông tin.

Theo nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, nhiều tổng biên tập báo được bổ nhiệm từ nguồn không liên quan đến báo chí. Trong khi luật quy định người làm báo phải kinh qua 3 năm công tác trong môi trường mới được cấp thẻ. Nhiều địa phương còn cho rằng “thường vụ đã thông qua” xem như là xong.

Việt Nam đã có đủ các loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh - truyền hình… với đội ngũ người làm báo tăng nhanh từ 25.000 người năm 2005 lên 40.000 năm 2014, trong đó có 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Nhanh chóng sửa luật Báo chí

Đại biểu QH Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Luật Báo chí rất quan trọng, nhất là trong thời đại thông tin và nâng cao quyền con người, quyền tự do. Nhìn lại bức tranh toàn cảnh báo chí của ta, có nhiều vấn đề cần định hướng lại và sửa đổi.

Luật Báo chí và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của ta đang là bước lùi so với thế giới, nhiều vấn nạn như “xin phép’, “quy hoạch” đang là sự bất lực về quản lý.

Lối tư duy “phải quản cho chặt” thực tế là thảm họa cho báo chí. Vì vậy cần phải có tư duy mới thuận theo sự phát triển của xã hội theo hướng là quản cho có hiệu quả. Hiệu quả quan trọng nhất của báo chí là tác động vào xã hội, công dân như thế nào".

Đại biểu QH Dương Trung Quốc.

Đại biểu QH Dương Trung Quốc.

Tương đồng với ý kiến này, nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định: “Truyền thông xã hội đang phát triển rất kinh khủng dù chúng ta có thừa nhận hay không. Sát bên ta là Lào và TQ trước đây quản lý rất chặt, nay đã mở ra rất thoáng”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đánh giá luật Báo chí hiện nay đã trở thành chiếc áo quá chật hẹp, không phù hợp với hoạt động báo chí hiện hành. Vì vậy, việc sửa luật là rất cần thiết và cần nhanh chóng.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn