Công khai danh tính người mua dâm, được không?

Thứ hai, 28/07/2014, 08:42
Mới đây, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã đề xuất quy định công khai danh tính người mua dâm và đề nghị xử phạt bằng lao động công ích nhằm mong muốn làm giảm tệ nạn mại dâm.

Có nên công khai danh tính người mua dâm? Ảnh minh họa

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng của đơn vị này – nơi đề xuất quy định trên cho biết, quy định này là nhằm muốn làm quyết liệt hơn việc phòng, chống mại dâm, đặc biệt là trong việc xử lý người mua dâm, vì nếu không có “cầu”, “cung” đương nhiên cũng sẽ không còn nữa.

Ông Hùng đưa ra ví dụ phố “vẫy” ở đường Phan Đăng Lưu (quận Long Biên): “Lâu nay, lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần xung quanh khu vực này. Khách mua dâm thấy thế nên sợ. Gái bán dâm ế ẩm. Dần dần, gái bán dâm tại khu vực này giải tán. Sau một thời gian, phố này đã không còn gái mại dâm hoạt động nữa”.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Nguyễn An Chất (nguyên giảng viên khoa tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), việc công khai danh tính người mua dâm sẽ làm nhục họ: “Điều đó dẫn đến hậu quả khó tưởng tượng. Đàn ông có thể mất gia đình, người thân, thậm chí coi thường cái chết nhưng không bao giờ chấp nhận mất danh dự".

Việc công khai danh tính sẽ tạo ra sự kỳ thị của gia đình và xã hội đối với người mua dâm. Họ bị mất danh dự với chính người thân là bố mẹ, vợ con, bạn bè, đồng nghiệp... Điều đó cũng tác động xấu đến cuộc sống những người thân của họ.

Một nhu cầu có thật

Thỏa mãn tình dục là nhu cầu thiết yếu của con người. Nó cần thiết như người ta cần ăn, cần ngủ. Đó là một nhu cầu có thật của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Người mua dâm thường là những người đơn thân, thanh niên chưa lập gia đình; người đã ly dị hoặc chưa có vợ, vợ chết;  người làm ăn xa nhà, xa vợ con ... Họ không được thỏa mãn nhu cầu tình dục, như vậy họ cần phải có một nơi để giải quyết nhu cầu thiết yếu đó của mình. Họ phải đi đâu?

Đã xảy ra rất nhiều các vụ cưỡng dâm, hiếp dâm, nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến việc này.

Trước đây cũng đã có tranh cãi về việc nên hay không nên hợp pháp mại dâm khi một vị Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã từng cho rằng “với thành phố du lịch mình, tôi cho rằng không thể không có mại dâm” và Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM cũng đã từng đề xuất mở “phố đèn đỏ” vì nhận ra rằng không thể ngăn cản một nhu cầu có thực và hết sức thiết yếu của con người. Tuy nhiên, đến nay những đề xuất này vẫn không thể thực hiện được vì xét theo tình tình xã hội, chuẩn mực văn hóa của nước ta, việc hợp pháp mại dâm là điều không thể.

Giải pháp nào cho người mua dâm?

Đến nay, đối với vấn đề mua/bán dâm mọi người đã nhìn nhận việc này có phần bớt khắt khe hơn, thông cảm hơn với những người cần phải đi tìm cách "giải tỏa" ở bên ngoài.

Nhà nước hiện cũng đã nới lỏng trong việc nhìn nhận khắt khe đối với “tệ nạn” mại dâm thông qua việc ban hành quy định: thay vì bắt người bán dâm vào cơ sở giáo dục để “phục hồi nhân phẩm” như trước đây, nay chỉ phạt tiền 300 nghìn đồng nếu vi phạm lần đầu và 5 triệu đồng nếu tái phạm. Ngoài ra cũng có những chương trình hỗ trợ việc làm, cho vay tiền học nghề tạo điều kiện giúp các chị em sau bán dâm sớm hòa nhập cộng đồng…

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ – TB & XH) trong Hội nghị triển khai chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 tại Quảng Ninh cũng đã từng nêu quan điểm là “không nên coi đây là tệ nạn xã hội nữa”.

Vậy thì tại sao lại siết chặt việc quản lý người đi mua dâm? Giải pháp nào cho những người có nhu cầu thực sự?

Bạn đọc Đức Minh gửi mail bức xúc: “Nhu cầu tình dục là điều tất yếu của con người. Công khai như thế là giết đi hạnh phúc của cả một đại gia đình. Hãy thận trọng khi ra một văn bản!”.

Bạn đọc Nguyễn Hữu Nhân thì khẳng định “Có nên đề xuất phạt lao động công ích người mua dâm không vì có thể không khả thi, phản cảm (có thể có người già lớn tuổi). Nên chăng với đối tượng này cứ tăng mức phạt là đủ. Không nên so với các nước phát triển, đơn giản vì họ khác ta nhiều. Tôi tin chắc là dù có tăng mức phạt, người mua/bán dâm vẫn tái phạm. Ta nói nhiều rồi, làm cũng đủ cách rồi, kết quả thế nào mọi người đã biết rồi. Đã đến lúc có khi phải chấp nhận "sống chung với lũ".

Một luật sư trả lời trên báo cũng cho rằng: “Mặc dù việc công khai danh tính người mua dâm không vi phạm đến quyền nhân thân của họ, nhưng nó có thể để lại những hậu quả xã hội khác lớn hơn, như ảnh hưởng đến hạnh phúc, tương lai sự nghiệp của không ít người mà bản chất của họ không phải là người như vậy. Một người vợ có thể tha thứ và bỏ qua giây phút “nông nổi” của chồng, nhưng phút “nông nổi” của người chồng bị công khai ra xã hội, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với anh ta.”

Việc quản lý an ninh trật tự xã hội là rất quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, việc mua/bán dâm nếu xét về tình trong nhiều trường hợp thì có thể chấp nhận được, đôi khi còn phải coi đó như là một việc đương nhiên vì đó là nhu cầu có thật, thậm chí có người còn nói đó là nhân quyền (vì nếu không tại sao một số nước vẫn chấp nhận coi đó như một ngành nghề hợp pháp?).

Vì vậy, nên chăng không công khai danh tính hay phạt lao động công ích người mua dâm, vì cái đạt được chưa chắc bằng những cái sẽ mất đi (danh dự của một người cha, người chồng – vì một lý do nào đó mà cần phải “giải tỏa” ở bên ngoài; hạnh phúc gia đình; tâm lý con cái…).

Có chăng, chỉ phạt hành chính hoặc nâng mức phạt hành chính những vi phạm này lên để răn đe.

Theo Pháp luật TP.HCM

Các tin cũ hơn