Tại hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm vừa diễn ra ngày 22/7, TP.Hà Nội đã đề nghị tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.
Ngoài ra, đơn vị này còn kiến nghị bổ sung sửa đổi khái niệm "bán dâm" tại Khoản 1 Điều 3. Sửa cụm từ “giao cấu” thành cụm từ “thỏa mãn tình dục”, để xử lý được hành vi kích dục của người khác giới và hành vi mua bán dâm của người đồng giới.
Cũng liên quan công tác phòng, chống mại dâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, tình hình mại dâm ở nơi công cộng có xu hướng công khai và gia tăng do việc xử phạt hành chính vẫn nhẹ.
Việc công khai danh tính người mua dâm được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Hiện tại, theo quy định, người bán dâm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng và các đối tượng này ngầm hiểu là "phạt để tồn tại".
"Việc xử phạt như quy định hiện nay hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái phạm”, ông Thái nói.
"Cùng là đàn ông không ai làm việc đó"
Nói về đề xuất công khai danh tính người mua dâm, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội rất hoan nghênh nhưng không tỏ ra tin tưởng Hà Nội sẽ thực hiện được.
Theo TS Hồng, đề xuất này đã được đưa ra từ rất nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có địa phương nào làm được.
TS Khuất Thu Hồng cho biết, bà đã từng có bản kiểm điểm của hơn 200 người mua dâm. Tuy nhiên, khi hỏi một trong hơn 200 người đó về việc có hay không việc báo về địa phương, đơn vị công tác thì chỉ nhận được câu trả lời: "cùng là đàn ông không ai làm việc đó.
"Việc đó sẽ lại tái diễn lại thôi", TS Hồng nghi ngại.
Nhìn nhận về những người mua dâm, bà Hồng cho rằng, tội họ còn nặng hơn bán dâm. Người mua và bán dâm đều vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, bị xử lý hành chính, gửi thông báo về cơ quan hoặc địa phương nơi làm việc, cư trú. Việc báo chí công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng.
Ngoài vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, đa phần người mua dâm đều đã có gia đình, như vậy, họ còn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc công khai danh tính một chiều còn thể hiện bất bình đẳng giới, bởi quan niệm xã hội vẫn cho rằng, đàn ông có quyền trăng hoa, phụ nữ thì không.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, nếu Hà Nội quyết tâm công khai danh tính người mua dâm, chắc chắn số người tìm đến dịch vụ này sẽ giảm đi rất nhiều và có nhiều lợi ích kèm theo.
"Người ta sẽ cân nhắc giữa việc được và mất. Nếu bị phát hiện và công bố, sẽ mất nhiều thứ nên phải cân nhắc giữa việc vui vẻ vài phút nhưng mất rất nhiều giá trị khác", bà Hồng khẳng định.
Theo TS Hồng, Hà Nội chỉ cần làm nghiêm túc 1, 2 trường hợp, chắc chắn sẽ không phải công bố thêm những "ca" tiếp theo.
Theo Zing