Một phụ nữ ghi lại lời nhắn gửi tới hành khách thiệt mạng trong thảm họa MH17. Ảnh: Reuters. |
Thảm họa MH17 hôm 17/7 diễn ra chỉ chưa đầy 5 tháng kể từ khi chuyến bay MH370, cũng của hãng hàng không Malaysia biến mất trên Ấn Độ Dương mà không để lại dấu vết. Các công ty bảo hiểm tham gia bảo hiểm MH370 phải chia nhau chi phí bồi thường dù nguyên nhân sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Lần này, quyết định bồi thường từ các công ty bảo hiểm còn phụ thuộc vào việc MH17 rơi có phải là do hành động thù địch hay không.
"Nếu thông tin MH17 bị bắn hạ được xác nhận thì tổn thất này sẽ khoét thêm một lỗ hổng mới vào thị trường hàng không có liên quan đến chiến tranh, vốn bị thiệt hại nhiều trong thời gian qua", ngân hàng Barclays cho biết trong một nghiên cứu.
Những bên có trách nhiệm trong vụ MH17 đối với các gia đình hành khách thiệt mạng gồm Malaysia Airlines, chính phủ, cùng cơ quan hàng không của Malaysia và Hà Lan, bởi họ đã cho phép phi cơ bay qua vùng có chiến sự, các chuyên gia cho biết.
Chính phủ Nga hoặc Ukraine cũng có trách nhiệm nếu các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng cho thấy hai nước này đứng sau vụ việc. Thực tế đã có trường hợp chính phủ một quốc gia phải bồi thường khi máy bay dân sự bị tên lửa quân sự bắn hạ. Năm 1988, Washington phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân sau khi chuyến bay Air Flight 655 của Iran bị tên lửa đất đối không của Mỹ bắn hạ.
"Quá trình trên sẽ rất dài, phức tạp và có yếu tố chính trị đối với các gia đình nạn nhân", Joseph Wheeler, luật sư hàng không ở công ty luật Shine Lawyers, Australia, nói. "Trong trường hợp vụ việc có quy mô như vậy, khoản tiền bồi thường sẽ là hàng trăm triệu USD".
Trách nhiệm của hãng hàng không
Người Malaysia tới đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của máy bay MH17 tại Kulalumpur hôm qua. Ảnh: Reuters |
Malaysia Airlines sẽ chịu trách nhiệm bồi thường ban đầu cho thân nhân hành khách gặp nạn. Khoản tiền này được quy định trong thỏa thuận hàng không quốc tế, hay còn gọi là Công ước Montreal, lên đến khoảng hơn 170.000 USD mỗi hành khách. Các hãng hàng không có nghĩa vụ phải thanh toán khoản tiền này bất kể có lỗi trong vụ việc hay không.
"Malaysia Airlines có một giao kèo về trách nhiệm bởi vé máy bay bản chất là một hợp đồng, trong đó cam kết đưa hành khách từ A tới B an toàn", Mark Dombroff, cộng sự tại công ty luật McKenna Long&Aldridge của Mỹ, nhận định. Và dù có đổ lỗi cho bên phóng tên lửa, hãng hàng không cũng không thoát khỏi rắc rối pháp lý.
"Khó khăn mà Malaysia Airlines phải đối mặt là hành khách có thể vin vào lý do... nhiều hãng hàng không biết rằng không phận Ukraine là một khu vực xung đột và đã có hai phi cơ bị bắn hạ trong một tuần trước đó", Kevin Bartlett, cộng sự công ty luật hàng không Cooper Grace Ward Lawyers, Australia, cho hay.
Bartlett còn trích dẫn cảnh báo từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (UCAA) vào tháng 6, trong đó yêu cầu các hãng hàng không tránh không phận Ukraine. "Dù MH17 bay phía trên không phận hạn chế thì vẫn có tranh cãi rằng MAS nên tuân theo chỉ dẫn, giống như các hãng khác, tránh Ukraine", người này nói.
Tái bảo hiểm hàng không được phân chia giữa các công ty tham gia bảo hiểm với chính sách về tổn thất liên quan đến hành khách, máy bay và chính sách riêng về bảo hiểm máy bay đối với hành động cố tình gây hại.
AGCS, chi nhánh thuộc Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Allianz của Đức, là đơn vị đứng đầu tái bảo hiểm cho phi cơ của Malaysia Airlines, với giá trị ước tính khoảng 97,3 triệu USD, và tái bảo hiểm trách nhiệm cho hãng này.
"Vẫn còn quá sớm để bình luận về những báo cáo của thảm kịch này trong khi các chi tiết vấn đang chờ được xác nhận", thông báo của Allianz cho hay. Allianz "sẵn sáng hỗ trợ khách hàng một cách đầy đủ và nhanh nhất có thể".
Công ty bảo hiểm Anh Atrium là công ty đứng đầu tái bảo hiểm phi cơ của Malaysia Airlines đối với hành động cố tình gây hại, như khủng bố. Tuy nhiên, Atrium từ chối đưa ra bình luận.
Tái bảo hiểm đội bay còn được phân chia giữa các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, bao gồm Swiss Re của Thụy Sĩ, Munich Re và Hannover Re của Đức.
Hannover Re cho biết công ty có tham gia tái bảo hiểm phi cơ của MAS nhưng từ chối bình luận chi tiết. "Việc cung cấp con số cụ thể bây giờ là chưa thích hợp do số lượng thương vong lớn", phát ngôn viên của Hannover Re nói.
Munich Re và Swiss Re, hai công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, cũng từ chối bình luận. Công ty bảo hiểm Willis Group Holdings xác nhận Malaysia Airlines là khách hàng.
Ngoài ra, gia đình các nạn nhân có thể khởi kiện ở bất kỳ cấp pháp lý nào có liên quan đến phi cơ MH17. Họ có thể nhận được hàng triệu USD dựa trên cơ sở những khoản thu nhập bị mất và hỗ trợ gia đình, John Ribbands, luật sư hàng không ở Australia nhận định. Một số vụ kiện, như ở Mỹ, được cho là có phán quyết bồi thường cao hơn so với những nơi khác.
"Họ có nhiều lựa chọn khởi kiện, và với tư cách nguyên đơn, họ 'đi chọn lựa' để có thể thu về khoản tiền lớn nhất", Ribbands nói.
Theo VnExpress