Mặt trăng ánh lên màu đỏ như máu khi nguyệt thực xảy ra - Ảnh: Science/ Tuổi Trẻ
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, vào tối 8/10 tới đây, Việt Nam cùng với nhiều vùng khác trên thế giới sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng, mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt rồi dần dần đỏ sẫm giống màu máu, nên còn gọi là hiện tượng mặt trăng máu.
Ông Sơn giải thích, khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, mặt trăng ở trong bóng tối hoàn toàn do bị trái đất chặn ánh sáng chiếu tới từ mặt trời. Trước khi tới được mặt trăng, các tia sáng từ mặt trời chiếu qua bầu khí quyển của trái đất. Tại đây, hiện tượng khúc xạ xảy ra, khiến các tia sáng có bước sóng ngắn bị cản lại hết, chỉ còn các tia có bước sóng dài (đỏ, cam) là tới được mặt trăng. Do đó, mặt trăng sẽ có màu đỏ nhạt, dần dần chuyển sang đỏ sẫm giống màu máu.
Tại Việt Nam, thời điểm bắt đầu quan sát được nguyệt thực sẽ bắt đầu từ 17h45 hoặc 18h00 và có thể quan sát toàn bộ cho tới khi nguyệt thực kết thúc.
Người yêu thích thiên văn có thể dùng mắt thường quan sát hiện tượng này mà không cần bất cứ thiết bị bảo vệ nào như đối với nhật thực.
Do nguyệt thực toàn phần lần này xảy ra ngay sau khi mặt trăng đạt điểm cực cận với trái đất, trăng máu vào ngày 8/10 tới đây sẽ có kích thước gần bằng với một siêu trăng.
Theo NASA, cứ mỗi năm sẽ diễn ra khoảng hai lần nguyệt thực. Có ba loại nguyệt thực là nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần và nguyệt thực toàn phần. Không phải loại nguyệt thực nào cũng có thể quan sát trên trái đất.
Khi nguyệt thực nửa tối diễn ra, mặt trăng xuất hiện một cách mơ hồ, không rõ ràng. Còn nguyệt thực một phần thì chỉ tạo ra một vùng tối nhỏ trên mặt trăng. Hơn nữa, khi ấy mặt trăng có màu sắc như bình thường, không chuyển sang màu đỏ máu đặc biệt giống như khi xảy ra nguyệt thực toàn phần.
Như vậy, nguyệt thực đã hiếm, mà nguyệt thực toàn phần hay trăng máu lại càng hiếm nữa. Lần gần đây nhất trăng máu xảy ra tại Việt Nam là tháng 12/2011, và phải đến 2018, chúng ta lại mới có thể quan sát hiện tượng này.
Chuyên gia Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Fred Espenak giải thích hiện tượng “mặt trăng máu” diễn ra theo chu kỳ 585 năm. Nghĩa là trong hàng trăm năm không có hiện tượng này, nhưng hàng trăm năm sau đó hiện tượng này thường xảy ra. Ví dụ, giai đoạn từ năm 1600 đến 1900 “mặt trăng máu” không hề xuất hiện. Tuy nhiên thế kỷ 21 sẽ hứa hẹn hơn.
Trước đây, nhiều người mê tín tin rằng “mặt trăng máu” báo hiệu ngày tận thế hoặc những điểm gở. Tuy nhiên giới khoa học khẳng định đây đơn giản chỉ là một hiện tượng thiên văn hiếm gặp và đáng mong chờ.
Theo Soha