Những mảnh đời trôi dạt bên dòng kênh Tẻ Sài Gòn

Thứ hai, 27/10/2014, 09:43
Nhiều năm nay, Kênh Tẻ đã trở thành bến đậu của nhiều phận đời nghèo khó mưu sinh trên sông nước giữa Sài Gòn phồn hoa.

muu sinh

Người dân thành phố đã quen thuộc với cái tên chợ nổi Kênh Tẻ trên đường Trần Xuân Soạn (nối quận 4 và quận 7). Tiểu thương của chợ phần lớn là dân miệt vườn đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu.Chợ nổi Kênh Tẻ được xem là chợ đầu mối trái cây vận chuyển bằng đường thủy lớn nhất TP.HCM với đủ các loại trái cây như đu đủ, chuối, dừa, mận, nhãn, xoài, măng cụt, bưởi, ổi…

muu sinh

Những thương hồ ở chợ là những người gắn bó với dòng kênh Tẻ rất nhiều năm nay, nhưng cũng có những thuyền ghe chỉ vừa cập bến vài tháng.Dù là người cũ hay mới nhưng họ vẫn giữ cách ứng xử rất đẹp mang đậm tích cách người miền Tây: người đi trước rước người đi sau. Khi cảm thấy làm ăn khấm khá thì những tiểu thương sẽ quay về quê để rủ láng giềng, anh em cùng lên Sài Gòn mua bán.Họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ và không có cảnh tranh giành, chèo kéo khách giữa những thuyền ghe với nhau.

muu sinh

Nhiều gia đình có cả 3 thế hệ cùng sinh sống trên ghe. Những người đi ghe thường gọi nhau là "bạn ghe". Cứ một thuyền ghe có biến cố gì thì những người "bạn ghe" xung quanh đều chung tay giúp đỡ, từ chuyện đóng lại một phần thuyền bị mục đến chuyện chỉ nhau phương cách làm ăn.Sau một ngày buôn bán vất cả, những người "bạn ghe" này lại quây quần bên nhau để sẻ chia những tâm tư của người xa xứ trước khó khăn nơi đất khách...

muu sinh

Chợ nhộn nhịp nhất vào khoảng thời gian từ 8 giờ 30 đến 10 giờ sáng và chiều từ 4 giờ đến 5 giờ. Khách mua trái cây có khách sỉ là những thương lái tại các chợ lẻ ở Sài Gòn, cũng có một số khách thập phương mua lẻ, giá bán lẻ và bán sỉ không chênh lệch nhau nhiều nên người dân rất yên tâm mua được trái cây tươi ngon mà không phải kì kèo trả giá.

muu sinh

Mỗi nải chuối có giá từ 10.000-20.000 đồng, trong khi đó các chợ lẻ, giá bán thường cao hơn nhiều. Giá chôm chôm, thanh long khoảng chỉ 10.000 đồng/kg…

muu sinh

Càng về chiều thì lượng người mua càng nhiều, các thương lái cũng tất bật chất trái cây đến phân phối ở các điểm bán lẻ.

muu sinh

Nhiều đứa trẻ trên ghe thuyền đều không được đi học vì từ nhỏ các em đã theo gia đình rời quê lên Sài Gòn mưu sinh. Cuộc sống hằng ngày của các em chỉ quanh quẩn từ thuyền này sang thuyền khác. Nhiều gia đình từ quê lên thành phố không mang đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu để con cái có thể đến trường, cộng với việc họ không đủ tiền cho con đi học nên nhiều bé không biết chữ.

muu sinh

Bé Huy, 8 tuổi, phụ bố và mẹ bán dừa tươi, dừa nước nhiều năm nay, nói: "Bạn bè em có mấy đứa được theo học lớp học tình thương nhưng em thì phải phụ bán với gia đình và cũng không biết thuyền nhà mình cập bến kênh Tẻ trong bao lâu, lỡ đang học mà bỏ dở nửa chừng, xa bạn bè trường lớp, lúc ấy còn buồn thêm".

muu sinh

Những trái dừa tươi mát, ngọt lịm bày bán trên bờ. Khi có khách đến uống, bé Huy từ thuyền chạy lên bờ và chặt dừa bán tại chỗ cho khách với giá 8.000 đồng/ trái.

muu sinh

Các tiểu thương đều khao khát được lên bờ nhưng phần vì đã quen với cuộc sống sông nước, phần vì không đủ tiền bạc để mua nhà cửa đất đai, thậm chí không dám thuê nhà trọ để ở, nên họ phải cắm sào, "neo" đời mình bên bờ kênh Tẻ, không biết đời mình sẽ xuôi ngược theo con nước về đâu.

muu sinh

Xuồng ghe nối với đất liền bằng những thanh gỗ. Mỗi ngày, tiểu thương ôm trái cây từ thuyền ra bờ để bán, bán không hết lại ôm hàng về thuyền để đó. Ở chợ này, nếu các tiểu thương cùng kinh doanh một loại trái cây thì cùng là bà con họ hàng với nhau.

muu sinh

Đa số các hộ gia đình chỉ về quê vài lần trong một năm, vì sợ tốn tiền. Trên thuyền của từng nhà không có tài sản nào quý giá ngoài những chiếc đèn điện, có người sắm được chiếc điện thoại "cục gạch" để liên lạc với quê nhà.

muu sinh

Cuộc sống trên những mạn thuyền đặc biệt khó khăn bởi không nước sinh hoạt, không điện để thắp sáng. Hằng ngày, cư dân ở đây phải mua lại nước sạch từ các hộ dân trên bờ. Từ số nước mua về, họ sẽ cho vào thùng lớn đặt trên mui thuyền để chủ yếu dùng cho nấu nướng và sinh hoạt.Chính vì thế mà mọi hoạt động có liên quan đến nước đều diễn ra với tinh thần hết sức tiết kiệm, chỉ khi nào thực sự cần mới dùng đến.

muu sinh

Chú chó nhỏ theo chân một gia đình trên thuyền mưu sinh.

muu sinh

Ngoài việc buôn bán, cánh đàn ông còn nhận làm các công việc như bốc vác, vận chuyện gạch, phân bón từ các tàu chở hàng lên bờ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

muu sinh

Khi thành phố về đêm lung linh bởi những ánh đèn màu thì dưới "mái nhà" ghe của những thương hồ chỉ có ánh sáng tù mù từ những chiếc đèn nhỏ chỉ đủ soi tỏ mặt người.

Theo MASK Online

Các tin cũ hơn