Trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng ngày 30/10/2014, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, nâng năng suất lao động là hướng đi quan trọng mang tính chất “sống còn” giúp tăng trưởng bền vững, hội nhập và cạnh tranh.
Theo đại biểu, có đến 50% lao động chưa qua đào tạo; năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương. Thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, nâng năng suất lao động là hướng đi quan trọng mang tính chất “sống còn” giúp tăng trưởng bền vững, hội nhập và cạnh tranh |
Đào tạo thiên về dạy lý thuyết
Đại biểu Nguyễn Phí Thường lý giải, nguyên nhân đầu tiên chính là chất lượng lao động. Lao động Việt Nam còn khá nhiều điểm hạn chế như lực lượng lao động tuy đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo.
Tỷ trọng lao động làm việc trong nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản lớn, trong khi năng suất lao động của nhóm ngành này chỉ bằng 45% năng suất lao động chung, bằng 25% công nghiệp- xây dựng, bằng 36% dịch vụ.
Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về dạy lý thuyết hơn là kỹ năng. Thiếu vắng từ đội ngũ quản lý doanh nghiệp trình độ cấp cao đến đội ngũ kỹ thuật viên, thợ cả có tay nghề...
Cùng với sự chưa nhịp nhàng giữa “cung” của giáo dục và “cầu” của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo đại học hàng năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không có việc làm. Cho nên mới có thủ khoa đi làm thợ mộc, kỹ sư làm xe ôm hay cử nhân làm giúp việc gia đình.
Việc tổ chức lao động chưa khoa học, doanh nghiệp phần nhiều quản trị theo thói quen và khá tùy tiện. Năng lực cạnh tranh chưa được chú trọng đúng mức, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh chủ yếu bằng giá. Lợi thế độc quyền khiến một số doanh nghiệp chỉ cần tăng giá để tăng lợi nhuận thay vì tăng năng suất.
Bộ máy hành chính cồng kềnh và hiệu quả, năng suất lao động thì như có ý kiến đã nêu là có “1/3 công chức cắp ô” tiêu tốn một nguồn chi thường xuyên khồng lồ của ngân sách.
Đại biểu chỉ nguyên nhân khác, đó là do công nghệ lạc hậu. Trình độ công nghệ hiện đang sử dụng ở Việt Nam thấp hơn tương đối nhiều so với các nước trong khu vực. Hàm lượng công nghệ các ngành xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi sau 10 năm.
Tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12-13%, công nghệ trung bình khoảng 10%, công nghệ thấp chiếm trên 60%, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều có các ngành công nghệ trung, cao chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Điều này phản ánh sự tụt hậu khá xa của Việt Nam về năng lực cạnh tranh công nghệ.
“Chỉ có con đường học hỏi”
Theo đại biểu, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Nhanh chóng đổi mới hơn nữa hệ thống giáo dục - đào tạo để sản phẩm đầu ra là đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, đạo đức, văn hóa văn minh và bản lĩnh vượt khó.
Ông dẫn chứng: “Ở đây tôi muốn nhắc đến đất nước Nhật Bản, tôi cho rằng đó là mô hình đáng học hỏi. Ở Nhật Bản học sinh được dạy trong trường học rằng đất nước Nhật Bản nhiều thiên tai, không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có duy nhất tài nguyên là con người Nhật Bản”.
Do đó chỉ có con đường học hỏi, rèn luyện bản lĩnh vượt khó khăn đưa đất nước phát triển. Nhờ vào nguồn nhân lực mà đất nước Nhật Bản có sự vùng lên, phát triển diệu kỳ sau khi thua cuộc và bị tàn phá trong thế chiến thứ 2.
Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành kinh tế phi nông nghiệp và thực hiện chiến lược tổng thể về xây dựng kỹ năng cho người lao động.
Trong đó, Chính phủ giữ vai trò xây dựng khung chính sách nhằm tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề với người lao động, doanh nghiệp; tăng chất lượng thông tin, tạo động lực khuyến khích mạnh mẽ hơn nhằm giúp người lao động lựa chọn các ngành nghề và được đào tạo kỹ năng phù hợp với công việc hiện đại.
Ngoài ra, phải tăng cường đầu tư thực chất và hiệu quả cho phát triển khoa học công nghệ. Hiện tại, công nghệ, máy móc thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam phần lớn là ở mức trung bình và lạc hậu, bởi vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị cần theo định hướng là công nghệ nguồn từ các nền kinh tế phát triển.
Theo Khampha