Án không được thi hành, người ta tìm đến "xã hội đen"

Thứ hai, 03/11/2014, 16:01
Ví dụ một căn nhà chỉ có một cái cửa, được tuyên là anh A ở trên nhà, anh B ở dưới nhà, nhưng anh lại không tuyên anh A đi ra khỏi nhà bằng đường nào...

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: ND)

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp sáng 3/10 khi Quốc hội thảo luận về Luật thi hành án dân sự sửa đổi.

Thực tế có không ít những bản án kéo dài, hoặc tuyên không rõ ràng dẫn đến khó thực hiện. Theo ông thực trạng trên này do đâu và nó có thể gây ra những hệ lụy gì?

Thực tế có những vụ án kéo dài 5 – 7 năm mới có được phán quyết của cơ quan xét xử cao nhất, mà đôi khi phải kháng nghị giám đốc thẩm tới năm lần bảy lượt. Cầm bản án có hiệu lực của tòa án trong tay nhưng bản án này lại không có giá trị. Rồi sau đó phải đến vài ba năm, có khi hàng chục năm nữa bản án cũng không được thi hành.

Cũng từ đó dẫn đến hiện tượng người ta đi tìm đến những lực lượng khác, công ty đòi nợ thuê, xã hội đen xử lý bằng những cách khác ngoài pháp luật, thậm chí trái với quy định pháp luật.

Việc sửa đổi luật thi hành án phải theo hướng như vậy. Ngoài ra luật đã sửa đổi rồi thì việc tổ chức thi hành hết sức quan trọng. Do đó chúng tôi đã đề nghị tòa án khi ban hành bản án phải làm sao có trách nhiệm cho đến khi bản án được thi hành xong, chứ công lý không thể ban bố xong rồi chấm dứt. Công lý có được thực thi trong cuộc sống hay không, tòa án lại không quan tâm và không có quyền gì nữa cả là không nên.

Một đại biểu ở TP.HCM khi phát biểu ý kiến nói có 200 vụ án tòa không tuyên nên không thi hành được. Vậy hướng phải xử lý như thế nào?

Ở TP.HCM có nguyên nhân khách quan là số lượng án phải thi hành cao nhất nước, gây ra tình trạng quá tải. Bên cạnh đó Luật hiện hành đang có nhiều bất cập, ngay các đại biểu nêu ý kiến khi thảo luận vẫn còn phân tán. Nhưng có điều qua giám sát của UBTP và dư luận cử tri, luật bất cập theo hướng tăng cường hơn nữa trách nhiệm và quyền của ngành thi hành án.

Có một nguyên nhân nữa đáng nói đến là có những bản án tuyên không chuẩn xác, không hợp lý khiến việc thi hành rất khó khăn. Nói trách nhiệm của việc thi hành án đối với bản án thì cũng phải nhắc đến trách nhiệm của tòa án.

Bản thân bản án phải có tính khả thi ở mức độ cao và đòi hỏi thẩm phán phải điều tra xác minh khi ra bản án, hoặc yêu cầu luật sư, bên nguyên, bên bị phải cung cấp các tin tức thông tin, chứng cứ cần thiết, để khi ra bản án được đúng đắn, đảm bảo tính khả thi nhất định, không tạo ra mâu thuẫn để rồi cuối cùng không giải quyết được.

Theo ông tình trạng án tuyên không rõ ràng có phổ biến không?

Con số thì tôi không nắm được hết, nhưng hàng năm Chính phủ đều có báo cáo chung, có nói bộ phận nhỏ án không thi hành được do bản án. Số lượng không nhiều nhưng ý nghĩa của nó đáng quan tâm, vì đã là bản án thì không được để cho người ta đổ thừa, chỉ ra rằng anh tuyên như thế thì làm sao tôi thi hành được.

Nguyên nhân ở đây có một phần do pháp luật dân sự mà Bộ Luật dân sự đang tiến hành sửa đổi. Nhưng có bản án không thi hành được do nội dung tuyên như thế không thi hành được. Ví dụ một căn nhà chỉ có một cái cửa, được tuyên là anh A ở trên nhà, anh B ở dưới nhà, nhưng anh lại không tuyên anh A đi ra khỏi nhà bằng đường nào.

Những trường hợp như vậy không thể xử lý lúc thi hành án được mà phải xử lý ngay từ lúc tuyên án. Hay anh tuyên là tòa án cho rằng miếng đất này thuộc về anh X, nhưng khi anh này cầm bản án đi để thực hiện và đăng ký quyền sử dụng đất lại gặp muôn vàn khó khăn.

Trong những bản án đó phải nghiên cứu thêm một bước, và phải có yêu cầu một số cơ quan có trách nhiệm phải có trách nhiệm thi hành án. Ví dụ miếng đất đó kết luận quyền sử dụng đất thuộc về người ta thì phải yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thi hành thì người ta mới đi đăng ký quyền sử dụng đất được.

Tới đây chúng ta phải nghiên cứu, có trách nhiệm của Chánh án TANDTC và Chánh án tòa án cấp tỉnh phải có trách nhiệm đóng góp làm sao trong Bộ Luật tố tụng dân sự khi xét xử bản án phải chi tiết rõ ràng, hàm chứa những điều kiện khả thi đến mức tối đa.

Vậy tới đây những bản án tuyên không rõ ràng, hoặc tuyên gây thiệt hại cho đương sự thì người ta có quyền khiếu nại không và khiếu nại ở đâu?

Việc này hiện đã làm rồi, ví dụ yêu cầu tòa án giải thích, nhưng có những cái khó vì giải thích không phải sửa lại bản án. Những cái gì thuộc quá khứ thì mình cố gắng tối đa, cơ quan thi hành án và tòa án phải có trách nhiệm phối hợp với nhau để tháo gỡ cho người dân trong thi hành bản án.

Theo tôi, điều quan trọng là việc sửa đổi luật và chấn chỉnh lại việc tổ chức thi hành các luật tới đây như thế nào.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Các tin cũ hơn