Vụ truy bắt cướp trên sông Sài Gòn vào giữa đêm khuya hôm 31-10, kéo dài đến gần sáng khiến người dân thành phố vô cùng ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ công an quận 2.
Nhưng đồng thời người ta cũng giật mình vì vào giờ đó mà dân tình vẫn kéo ra xem bắt cướp chật kín cầu Sài Gòn và miệt mài theo dõi cho đến khi một trong hai tên cướp mệt nhoài vì trốn chạy sa lưới.
Cứ mỗi khi có một vụ việc tương tự, chỉ nháy mắt sau người ta đã thấy một đám đông hình thành một cách tự phát, nhiệt tình đến mức khó tin. Điều gì đã khiến những sự việc ngoài đường, ngoài chợ, không liên quan đến mình nhưng vẫn đủ sức níu chân đám đông, lôi kéo họ, thậm chí vượt qua đường dài nhiều cây số để mục sở thị cho bằng được?
Từ việc “bu” vào xem tai nạn
Ai cũng biết nếu tình cờ chứng kiến một vụ tai nạn thì nên tức tốc đưa nạn nhân đi cấp cứu. Thế nhưng chuyện này xem ra không hề dễ bởi đường đâu mà đưa đi khi thập diện mai phục.
Cảnh dễ thấy nhất khi có tai nạn xảy ra trên đường đó là…một đám đông. Người ta xúm xít lại xem hiện trường, xôn xao bàn tán, rào rào lo sợ nhưng lại quên béng việc đưa người đang đau đớn kia đi cấp cứu. Nếu có ai đủ sáng suốt nghĩ ra thì cũng rất khó khăn để vượt vòng vây ra ngoài.
Trong vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua Thạch Hà, Hà Tĩnh, nạn nhân là Lê Ngọc Vũ và Nguyễn Sĩ Long, một đám đông hiếu kỳ đã khiến cả một đoạn quốc lộ dài chật cứng như nêm, thậm chí trong đó người ta thấy cả một…bà bầu.
Đám đông làm tắc nghẽn Quốc lộ 1
Trước tinh thần không để một con ruồi lọt qua của đám đông, lực lượng công an Hà Tĩnh đã “đánh vật” mới có thể lọt vào bên trong. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, cơ quan chức năng mới dẹp loạn xong để khám nghiệm hiện trường. Khi đó thì hiện trường chỉ còn là một bãi chiến trường lộn xộn.
Tất cả những người này chỉ là đến để “xem cho biết” nhưng đã vô tình cản trở công việc có ích hơn cho vụ việc là thu thập chứng cứ, cứu người bị nạn.
Đến vượt chục cây số đi xem án mạng
Trong vụ trọng án cô gái nhân viên tiệm vàng Lê Thị KimTuyến (19 tuổi) bị sát hại, vứt xác trong rừng sâu, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã vượt nhiều cây số để vào tận hiện trường…xem. Nơi tìm thấy xác cô gái xấu số thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Hàm Thuận Nam), cách tỉnh lộ khá xa.
Đây là khu vực hoang vắng, vì thế án mạng xảy ra hai ngày người đi săn mới tình cờ phát hiện thi thể. Ấy vậy mà chỉ sau khi thông tin được loan báo, cánh rừng này đã bị khuấy động bởi hàng trăm người dân tò mò. Dù hầu như chẳng xem được gì nhưng đám đông cứ mỗi lúc một đông hơn. Họ vượt nhiều cây số vào rừng sâu chỉ để nhìn nhau và bàn tán.
Vô rừng xem xác chết
Hồi tháng 4 năm nay, khu vực nhà trọ Thọ Gấm, hẻm 446 đường ĐT 741 thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước lại thêm một lần náo loạn vì cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Phước đã đưa hung thủ giết người là Đinh Văn Chuyên đến vị trí trên thực nghiệm lại vụ giết người xảy ra cách đó hai tháng.
Sự có mặt của quá đông người dân đã khiến buổi thực nghiệm gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải tạm dừng nhiều lần để ổn định trật tự.
Khán giả xem thực nghiệm hiện trường giết người đông như trẩy hội
Giữa đêm hào hứng đi xem bắt cướp, đấu súng
Mới đây nhất, vụ truy bắt cướp gay cấn như phim Mỹ trên sông Sài Gòn đã hấp dẫn hàng trăm người dân dù xảy ra giữa đêm khuya về sáng. Hai tên cướp cùng đường đã nhảy xuống sông Sài Gòn lẩn trốn.
Cuộc truy bắt kéo dài suốt từ 0 giờ đến hơn 2 giờ sáng với sự quyết liệt của công an quận 2 dưới hàng trăm cặp mắt theo dõi đầy hào hứng của người dân thị thành, đứng chật kín cầu Sài Gòn và đường Trần Não như đi xem hội.
Trong đám đông đó người ta bắt gặp nhiều cô gái trẻ, nhiều phụ nữ trung niên và cả người lớn tuổi. Họ miệt mài đứng trên cầu trong tiết trời se lạnh, giữa đêm khuya và…dựng xe đầy dưới lòng đường khiến giao thông tắc nghẽn.
Chen chân coi bắt cướp trên sông Sài Gòn
Bất chấp cả nguy hiểm, sự tò mò của đám đông lên đến đỉnh điểm khi bỏ qua cả an toàn bản thân để làm khán giả của những vụ bắt cướp, thậm chí đấu súng. Hồi tháng 9 vừa qua, tại Bình Thuận xảy ra một vụ xả súng ngay trên đường phố.
Trong khi công an tỉnh Bình Thuận đã phải huy động lực lượng đông đảo để trấn áp đối tượng thì nhiều người dân đã bất chấp nguy hiểm kéo đến quanh ngôi nhà theo dõi với niềm thích thú và … giơ điện thoại lên để quay phim.
Quan tâm hay tò mò thái quá
Giải thích về hiện tượng, gọi nôm na là “nhiều chuyện quá mức cần thiết” trên, các nhà tâm lý học cho rằng do đặc điểm văn hóa, truyền thống làng xã lâu đời của Việt Nam. Nay dù đã phát triển lên thành thị nhưng nếp sống thích bàn tán những việc xảy ra xung quanh mình vẫn còn đậm nét.
Từ chuyện thường cho đến chuyện bất thường, nhất là các biến cố như cãi vã, đánh ghen, giết người.... lại càng trở thành “món” hấp dẫn đám đông.
Quay phim đấu súng ở Bình Thuận
Họ thích chứng kiến để cảm thấy mình biết việc đó và đi kể lại cho người khác với niềm tự hào. PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, từng lý giải về hiện tượng này: “Đây là thói quen của nhiều người Việt. Thiếu kiểm soát, mong muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ của bản thân, thêm vào đó là áp lực đám đông đã khiến họ có hành vi như vậy”.
Thêm nữa, do xã hội ta còn chậm phát triển, điều “chưa biết” còn quá nhiều. Cái gì ai đó thấy là lạ là lập tức lây lan sang nhau, kéo nhau cùng a dua tìm hiểu. Dù đôi khi không để làm gì nhưng cứ coi như là không bổ ngang thì cũng bổ dọc, người ta làm thế thì mình cũng làm thế.
Một nguyên nhân sâu xa cần kể đến đó là do quản lý xã hội còn thiếu sự công khai, minh bạch nên con người dễ nảy sinh nhiều câu hỏi, họ mơ hồ lo sợ rằng sẽ không được giải đáp nếu không đích thân đi tìm hiểu.
Đa số sự tò mò thiếu kiểm soát của đám đông đều không đem lại lợi ích cho cộng đồng, thậm chí cản trở công việc của người khác, gây nguy hại cho chính bản thân mình.
Nghe nói có chuyện lạ là kéo nhau ra đường ngay
Tuy nhiên, theo ý kiến của một giảng viên tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM thì hiện tượng xã hội này cũng có hai mặt. Nếu chúng ta quá bàng quan với xung quanh thì đó cũng chưa hẳn là chuyện tốt.
Điều này khiến người ta liên tưởng lại vụ việc một em bé 2 tuổi bị xe cán qua nhiều lần trong một khu chợ ở Trung Quốc hồi năm 2011 song trong nhiều giờ không một ai nhìn tới.
Sự tò mò đám đông có tác động như thế nào đến xã hội còn tùy thuộc vào sự hùa theo ấy nhằm mục đích gì và đám đông ấy có hành động gì khi vây quanh hiện tượng đó. Nếu chỉ là đến chầu rìa thì tốt nhất nên về nhà cho lành.
Theo Pháp Luật Online