Nhiều năm nay, vì mắc bệnh hiểm nghèo nên thân hình chị Hoà (ngụ xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) teo tóp, dị dạng khác thường. Cao chưa đầy 1,4 mét và nặng gần 30kg, xương sống của Hoà cong lại, chân tay loằng ngoằng. Nếu không biết bị bệnh, rất ít người nghĩ rằng cô mới 26 tuổi.
Vốn sinh ra bình thường như mọi người, nhưng bệnh suy thận đã lấy đi tương lai của thiếu nữ. Năm 2004, bệnh của cô bước sang giai đoạn cấp độ 4, phải lọc thận nhân tạo (chạy thận). Năm đó, vừa học hết lớp 10, Hoà phải nghỉ học để đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Đau khổ hơn, cô gái không còn được ngủ ngon giấc như người bình thường.
"Đêm nằm ngủ, nó cứ thấy khó thở rồi ngồi dậy dựa vào lưng tôi. Tôi phải lấy chăn hoặc gối kê vào bụng cho nó ngủ. Nhiều đêm, tôi thức trắng để cho con có chỗ dựa mà ngủ ngon đến sáng", bà Phạm Thị Ngọc (56 tuổi) kể về chứng ngủ ngồi của con gái.
Sau 7 năm dựng lều trọ học bên sông, La Thị Hoài - nữ sinh duy nhất của tộc người "ngủ ngồi" Đan Lai đang có nguy cơ dang dở ước mơ đại học khi bị từ chối xét tuyển chỉ vì không ở huyện thuộc diện hộ nghèo.
26 tuổi nhưng Hòa chỉ nặng gần 30kg. |
Hai quả thận của Hoà đã bị teo lại nên việc lọc nước và các chất thải đều phải thông qua thận nhân tạo. Bệnh đã bước vào giai đoạn cuối, kéo theo hàng loạt chứng bệnh khác như suy tim, gan... Nghĩa là gần như các cơ quan nội tạng của Hoà đều bị suy thoái, hư hoại.
Cô gái phải thường xuyên chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần, Hoà vào bệnh viện 3 lần. Từ năm 2004 đến nay, cô đã trải qua 1.440 lần với khoảng 4.320 giờ chạy thận. Quãng thời gian kéo dài 10 năm ấy, nhiều đêm bà Ngọc thức trắng làm gối cho con tựa vào để có được giấc ngủ yên.
"Bác sĩ giải thích, nếu em nằm ngủ thì nước ứ trong cơ thể tràn vào các bộ phận nội tạng, thậm chí gây tràn dịch màng phổi gây khó thở nên phải ngủ ngồi. Nhiều đêm mệt quá thì mẹ kê chăn gối trước ngực cho em dựa vào. Sau 10 năm sống với bệnh này, em đã quen với việc ngủ ngồi rồi", Hoà nói.
Cô gái luôn phải ngủ ngồi, vì nếu nằm xuống thì nước ứ trong cơ thể sẽ tràn vào nội tạng. |
Cô chia sẻ nhiều lúc thèm một giấc ngủ thẳng lưng như người bình thường nhưng không thể. Để có tiền chạy chữa cho con, ông Trương Hoằng và bà Phạm Thị Ngọc phải đấu thầu thêm đất ruộng, đào ao nuôi cá, lao động cật lực.
"Em chỉ mong được như người bình thường. Em cố gắng sống để không phụ công lao của cha mẹ", Hoà nói trong nước mắt.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đức Phúc - Giám đốc phòng khám Đức Phúc - cho rằng nghị lực sống của Hòa thật đáng nể bởi đa phần những người bị suy thận giai đoạn cuối thường chỉ chống chọi được 6 - 7 năm.
"Việc chạy thận nhân tạo có thể duy trì sự sống bình thường nhưng rất tốn kém và người bệnh phải có nghị lực, nếu không có niềm tin thì chỉ sống được vài năm", bác sĩ Phúc cho biết.
Theo Zing