Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác định kỷ lục “Cặp anh em cao tuổi nhất Việt Nam” là: Cụ Trần Đình Thăng (SN 1909 – 105 tuổi) và em của cụ Thăng là cụ Trần Đình Liên (SN 1912 – 102 tuổi). Hiện hai cụ đang sống tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. |
Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc và trò chuyện với cụ Trần Đình Thăng (SN 1909 – 105 tuổi) ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Điều chúng tôi cảm thấy ấn tượng là dù tuổi cao nhưng cụ Thăng vẫn vận động và nói chuyện được bình thường.
Cụ Thăng cho hay, mấy năm gần đây sức khỏe của cụ cũng yếu hơn trước nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cụ vẫn giành thời gian vận động quanh nhà để gân cốt co giãn, giữ thể lực ổn định.
Cụ Thăng và cụ Liên trong ngày mừng thọ.
Sinh sống trên quê nghèo xã Vĩnh Thái, vùng đất có truyền thống cách mạng nên cụ Thăng hiểu được những đau thương, mất mát mà người dân nơi đây đã trải qua. Thời điểm “tuyến lửa” Vĩnh Linh chịu sự giày xéo của bom đạn kẻ thù, cụ Thăng và những thanh niên trong làng đã hăng hái tham gia phục vụ cách mạng, che dấu, nuôi dưỡng bộ đội, tiếp tế lương thực, đạn dược cho đảo Cồn Cỏ để quân dân ta kiên cường bám đảo, góp phần đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Khi đất nước hòa bình, cụ lại quay trở về là một ngư dân cần cù, chất phác, tích cực lao động để đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo, góp sức làm thay đổi quê hương. Từ ngày vợ mất, cụ Thăng sống một mình trong căn nhà nhỏ. Năm qua, do bị thiên tai tàn phá nên cụ được một tổ chức từ thiện và chính quyền địa phương xây tặng ngôi nhà mới.
Bà Trần Thị Mai (con gái của cụ Thăng) cho biết: “Hiện bố chỉ còn tôi là con gái duy nhất nên tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm chăm sóc cụ. Vì bố thích sống tự do và không muốn con, cháu phải lo lắng về mình nên mấy năm nay cụ ở trong ngôi nhà riêng. Nhà tôi sống cạnh bên nên đến bữa ăn là bưng thức ăn sang cho bố. Ông không ăn kiêng bất cứ thứ gì. Thời gian gần đây, do tuổi cao nên sức khỏe của ông cũng yếu hơn trước đây”.
Chia sẻ về “bí quyết” sống lâu của mình, cụ Thăng nói: “Vì xuất thân trong gia đình nông dân nên có lẽ quá trình lao động đã giúp cho thân thể của tui trở nên dẻo dai, chịu đựng được với khí hậu khắc nghiệt nhất, ít ốm đau. Hồi trước khỏe thì đi biển đánh cá, còn sau này già rồi không đi được nữa nên tui cũng cảm thấy buồn. Nhưng hàng ngày tui vẫn dành thời gian đi lại quanh nhà để xem như là một cách nâng cao sức khỏe”.
Được sống đến thời điểm hiện tại đối với bản thân cụ Thăng là một sự may mắn, cụ luôn xem đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, là món quà ông trời ban tặng. Cụ Thăng bảo: “Có lẽ do bố mẹ tui sống có đức nên anh em tui được thừa hưởng cái phúc lớn đó. Nhiều người hỏi sao anh em cụ sống lâu rứa? Tui chỉ trả lời rằng đó là cái phúc thôi chứ có bí quyết chi mô (đâu), cứ sống vui với mọi người, sống khỏe là bản thân cảm thấy thư thái thôi”.
Theo bà Mai, dù tuổi cao nhưng cụ Thăng vẫn nhớ rất rõ mọi điều. Ai đến thăm cụ chỉ cần nhìn qua mặt, hỏi chuyện cũng đoán được tên người đó. Cụ hay kể chuyện về quá khứ, về hồi còn trẻ đi biển chung với bạn bè trong xóm, về những lần vượt “mưa bom, bão đạn” để vận chuyển lương thực ra đảo Cồn Cỏ…
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Thăng (bên trái) vẫn giữ được sức khỏe ổn định, sự minh mẫn mà ít người có được.
“Cụ chỉ có 5 cháu ngoại, các cháu đều đi làm xa nhưng khi nào cụ cũng nhắc tên từng đứa. Hiếm khi gia đình sum họp đông đủ, nhưng mỗi lần các con tôi gọi điện về thăm, bố đều khuyên răn chúng phải sống tử tế, tránh làm điều gì trái pháp luật. Bình thường cụ cũng khuyên răn vợ chồng tôi phải sống chan hòa với anh, chị, em và bà con lối xóm” – bà Mai chia sẻ.
Cạnh ngôi nhà mới của cụ Thăng, vẫn còn lưu lại ngôi nhà tranh. Bà Mai cho biết, đó là căn nhà kỷ niệm của ông. Mấy lần hai vợ chồng và anh, em định tháo dỡ đi, cụ đều ngăn lại và bảo: “Cứ để như vậy để làm kỷ niệm, để thỉnh thoảng nhớ đến những ngày khó khăn nhất của cuộc đời. Bây giờ có thứ để ăn nhiều lúc làm cho người ta quên đi những giá trị sống trước kia”.
Chính vì suy nghĩ như vậy mà cụ Thăng luôn sống giản dị. Cụ nói với chúng tôi rằng, dù cuộc sống của cụ thiếu thốn về vật chất nhưng luôn dạt dào tình cảm. Sống làm sao để mọi người quý mình, tôn trọng mình mới khó, để họ ghét mình rất dễ. Bản thân mình sống vừa để cho mình, vừa để phúc cho con cháu sau này. Điều đó mới làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn.
Theo Khám phá