Đó là chia sẻ thú vị của TS.Wu Ming Wei, Chuyên gia tư vấn cao cấp, Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Công nghệ thông tin Đài Loan trong Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam – ASOCIO 2014 với chủ đề “CNTT - tái cấu trúc nông nghiệp”.
Theo TS.Wei, việc sử dụng CNTT sẽ tạo nên tính minh bạch trong nông nghiệp. Bằng các thiết bị cảm biến không dây, camera giám sát,... toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng sẽ được người nông dân ghi lại tạo thành một nguồn dữ liệu. Nguồn dữ liệu đó sẽ được lưu lại thành hồ sơ về sản phẩm, còn người tiêu dùng sẽ nhìn thấy những thông tin về sản phẩm. Để tính minh bạch có hiệu quả, những thông tin mà nông dân cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá.
Máy móc, thiết bị thông minh hỗ trợ người nông dân trong sản xuất nông nghiệp ở Israel. |
Tiến sĩ cho rằng, khi có công nghệ hỗ trợ, người nông dân sẽ không phải trực tiếp làm mà có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, họ sẽ thành những người nông dân vui vẻ chứ không phải người nông dân đầu tắp mặt tối.
Ở Nhật Bản, trong nông nghiệp người nông dân ứng dụng công nghệ phân tích và điện toán đám mây. Bằng việc kết nối với đám mây để kiểm soát, điều khiển từ xa mà không cần có sự can thiệp của con người. Dịch vụ quản lý và sản xuất nông nghiệp bằng việc nhập các dữ liệu, tình trạng sản xuất của nông dân bằng thiết bị hiện đại.
Đồng thời, khi người nông dân có thông tin hàng ngày về thời tiết, độ ẩm, bức xạ mặt trời, điện toán đám mây. ICT sẽ tập hợp và lưu trữ các dữ liệu quan trọng này. Để tập hợp được các dữ liệu đó thì người nông dân sử dụng các thiết bị thông minh như máy tính bảng, smartphone để tập hợp và truy cập dữ liệu ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong khi đó, tại Israel, hầu hết nông dân đã ứng dụng CNTT vào trong nông nghiệp từ khâu canh tác đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ. Đến Israel sẽ không thấy người nông dân phải có mặt trên đồng ruộng vì máy móc thiết bị đã hỗ trợ họ.
Sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn thủ công, nghèo nàn khiến người nông dân phải đầu tắt mặt tối. Ảnh: Ngọc Trinh. |
TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, việc bắt đúng và đáp ứng nhu cầu thông tin của người nông dân rất quan trọng. Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin cho người nông dân về giá cả, phân bón, khoa học kỹ thuật, thời tiết...
“Thực tế nông dân chúng ta sản xuất rất nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật trong doanh nghiệp, còn doanh nghiệp chưa quan tâm đến người nông dân. Tính minh bạch ở Việt Nam cũng rất khó khăn khi chính những doanh nghiệp không muốn minh bạch thông tin và người nông dân lại chưa quan tâm đến thông tin sản xuất cho sản phẩm mình làm ra”, tiến sĩ Thắng nói.
Ông Wataru Kurubayashi - Công ty TNHH Fujitsu Kyushu của Nhật Bản đã giới thiệu công nghệ phân tích và điện toán đám mây và cho biết họ đã rất thành công khi áp dụng công nghệ thông minh để điều khiển tự động từ xa cả một trang trại, giúp nông dân mọi công việc, họ không cần phải ra ruộng nhưng cứ như lúc nào cũng có người ngoài ruộng. Ông Wataru tin tưởng rằng Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng áp dụng những kinh nghiệm này từ phía Nhật Bản.
Theo Zing