Triệu phú nông dân nhờ… hát cho heo nghe

Thứ sáu, 31/10/2014, 14:43
Hàng xóm kể, mỗi lần mất điện hay loa bị hư, cả gia đình bốn người trong nhà ông Phương lại thay phiên nhau ra rả hát từ sáng tới tối để “phục vụ” cho đàn heo. 
Triệu phú nông dân nhờ… hát cho heo nghe

“Ba chìm bảy nổi” trên đường mưu sinh

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, đến khi lập gia đình, ông Nguyễn Nguyễn Vũ Phương (SN 1965, ngụ tại khóm 1, phường 8 TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) phải dẫn vợ lên TP.HCM lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Chẳng ai thể ngờ họ có ngày thành triệu phú, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Gia cảnh nghèo khó, năm 1985, sau đám cưới nhỏ, ông Phương dẫn theo vợ là bà Lê Thị Dung (cùng SN 1965) lên TP.HCM lượm ve chai kiếm ăn từng bữa. Đến năm 1991, tình cảnh càng khốn đốn hơn khi con trai đầu lòng ra đời. Thấy hai người cực khổ, chủ vựa ve chai thương tình, cho gia đình nhỏ vào ở nhờ trong tiệm.

Nhờ chăm chỉ làm việc, lại không mất tiền thuê nhà nên đến năm 1995, ông Phương cũng tiết kiệm được gần 5 triệu làm vốn.

Trở về quê hương với số vốn ít ỏi đó, vợ chồng ông Phương vay mượn thêm của bà con, mở xưởng sản xuất bánh hủ tiếu. Thời gian đầu công việc làm ăn khá thuận lợi, thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, khi loại máy làm hủ tiếu mới xuất hiện, vợ chồng ông dần mất mối vì không cạnh tranh nổi. Thất thế, ông đành mua thêm heo về nuôi, lấy phế phẩm hủ tiếu làm thức ăn cho heo để “gỡ gạc” lại chút vốn liếng.

Thấy heo nhanh lớn, lại là heo nái nên bà Dung nói với chồng gắng để lại. Đến khi vợ chồng ông “sập tiệm” làm bánh hủ tiếu, cũng là khi hai con heo đồng loạt đẻ lứa đầu tiên. Ông Phương giữ lại hai đàn heo con, tiếp tục đi vay vốn ngân hàng để đầu tư vào chăn nuôi.

Sau bao nhiêu năm cố gắng, có lúc thăng, lúc trầm. Nhờ có sự động viên của vợ con cùng những người thân, vẫn quyết tâm với nghề nuôi heo.

“Độc chiêu”cho heo nghe nhạc

Trong một lần nghe chương trình “Tiếp chuyện bạn nhà nông” trên đài phát thanh, ông tỏ ra thích thú với câu chuyện ở nước ngoài có trang trại nuôi bò sữa cho bò nghe nhạc và đã tăng được sản lượng sữa. Nghĩ rằng, việc nghe nhạc có thể giúp đàn heo “thư giãn” và kích thích chúng tăng trưởng, ông mua đầu đĩa, đài thu thanh về để “phục vụ” âm nhạc cho đàn heo nhà.

Ban đầu, ông chỉ  nghĩ làm “chơi chơi” cho vui, ai ngờ hiệu quả thật. Ông cho rằng khi nghe nhạc, những đàn heo con sinh ra khỏe mạnh hơn, không còn hiện tượng heo sinh non, chết non như trước.

Ông lý giải: “Theo quan sát của tôi, heo thường giật mình, kêu la và tỏ ra hoảng sợ khi có tiếng động lạ. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi chúng đang mang thai. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến heo thường sinh non. Từ khi tôi cho chúng nghe nhạc, chất lượng heo giống được cải thiện rõ rệt. Ngoài nhạc thính phòng nhẹ nhàng, tôi cũng có thêm vài đĩa nhạc trẻ, có âm điệu sôi động cho heo nghe. Sáng khoảng 5h tôi bắt đầu mở nhạc, tới 21h tối mới tắt”.

Hàng xóm cười nắc nẻ kể, mỗi lần mất điện hay loa bị hư, cả gia đình bốn người trong nhà ông Phương lại thay phiên nhau ra rả hát từ sáng tới tối để “phục vụ” cho đàn heo.

Ông Phương cũng cười hóm hỉnh: “Đàn heo nghe nhạc quen rồi, mỗi khi mất điện, không có tiếng nhạc là chúng lại kêu la. Bình thường, tôi phải mua pin về lắp vào radio, nhưng không phải lúc nào các chương trình phát thanh cũng có ca nhạc, nên đúng là có khi cả nhà phải thay phiên nhau hát cho heo nghe”.

Gần 5 năm trở lại đây, trừ tất cả mọi chi phí, vốn liếng, mỗi năm ông dư được hơn 300 triệu từ việc nuôi heo. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, ông nhận được nhiều bằng khen của chính quyền địa phương và luôn được tuyên dương trong các dịp đại hội nông dân làm ăn giỏi. Bà con gần xa cũng tìm tới ông để học hỏi kinh nghiệm, tận mắt chứng kiến mô hình “cho heo nghe nhạc”.

Nở nụ cười hạnh phúc, vợ ông Phương chia sẻ thêm: “Nuôi heo thịt thì ít công sức chứ nuôi heo nái khổ lắm. Mỗi lần heo đẻ, hai vợ chồng phải thức trắng đêm để cắt rốn, bấm răng nanh cho heo con.

Hơn thế, trong thời kỳ đang cho con bú, heo mẹ phải được ăn những thức ăn sạch để tránh việc heo con bị tiêu chảy, táo bón. Chúng tôi đã trải qua biết bao khổ cực, cũng may vợ chồng biết đồng sức đồng lòng mới có được ngày hôm nay”.

Theo Pháp luật TP.HCM

Các tin cũ hơn