Tin ban đầu cho biết: vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 1/11, Bệnh viện Hoàn Mỹ tiếp nhận một bệnh nhân đi từ vùng có dịch Ebola trong tình trạng đau đầu, sốt cao.
Bệnh nhân Chu Văn Chung (26 tuổi, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) là lao động làm việc tại Guinea được hai năm.
Năm ngày trước, bệnh nhân Chung đi từ Guinea qua các nước Maroc, Qatar rồi về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Đến ngày 31/10 thì anh Chung về tới Đà Nẵng và trú tại một khách sạn trên đường Lê Đình Dương.
Ngay sau khi được chẩn đoán ban đầu với các triệu chứng sốt chưa rõ nguyên nhân, đi từ vùng dịch Ebola (Guinea là một trong ba quốc gia có nhiều người nhiễm bệnh Ebola nhất), trưa cùng ngày Bệnh viện Hoàn Mỹ đã cấp tốc chuyển bệnh nhân về tại khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng để cách ly chăm sóc đặc biệt.
Có mặt tại khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng, PV ghi nhận toàn bộ hành lang lên tầng 4 này đã được cách ly hoàn toàn để thành lập khu điều trị riêng. Đội ngũ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân chỉ khoảng 4-5 người với quần áo bảo hộ che kín.
Tại cuộc họp khẩn, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao (vào lúc 13 giờ có sốt cao tới 40 độ C), người bệnh có trạng thái hoang mang.
Điều đáng nói là hai người đi theo cùng bệnh nhân tới bệnh viện có lời khai không thống nhất với người bệnh. Trong khi anh Chung khẳng định mình đã sốt 5 ngày thì hai người đi cùng khai báo chỉ sốt cách đây hai ngày.
Phía Bệnh viện Đà Nẵng cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân đã thực hiện tất cả các quy trình cách ly phòng bệnh, thực hiện khử trùng, xét nghiệm và theo dõi theo đúng quy trình bệnh Ebola.
Đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đã lấy mẫu xét nghiệm và gởi mẫu. Kết quả sẽ có trong hai ngày tới.
Tại buổi họp khẩn, ông Phạm Hùng Chiến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện đúng quy trình điều trị Ebola đối với bệnh nhân này.
Ông Chiếu yêu cầu Bệnh viện Hoàn Mỹ tổ chức xử lý phòng dịch với xe cấp cứu và theo dõi chặt chẽ các nhân viên y tế ban đầu tiếp xúc với bệnh nhân.
Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, ông Chiến yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng thành lập tổ chăm sóc đặc biệt cách ly bệnh nhân và các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại khu y tế riêng.
Đồng thời chuẩn bị phương án bệnh viện dã chiến trong trường hợp bệnh nhân nhiễm Ebola.
|
Bảo vệ trực 24/24 tại các lối lên khu cách ly tầng 4 khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung |
|
Các nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng mang áo quần bảo hộ trước khi tiếp xúc bệnh nhân - Ảnh: Trường Trung |
|
Lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng họp khẩn với các bệnh viện và các trung tâm phòng chống dịch trên địa bàn - Ảnh: Trường Trung |
|
Lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng kiểm tra các quy trình xử lý dịch Ebola - Ảnh: Trường Trung |
|
Kết luận ban đầu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung |
Đã có 13.567 ca nhiễm Ebola ở 8 quốc gia Theo số liệu công bố ngày 31/10/2014 của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), tính đến nay có 13.567 ca nhiễm Ebola ở 8 quốc gia, cướp đi mạng sống của 4.951 người. Trong đó, số người chết ở Guinea là 1.018 người trong tổng số 1.667 ca được xác định nhiễm Ebola. Số người chết do vi-rút Ebola ở Liberia và Sierra Leone lần lượt là 2.413 (trong tổng số 6.535 ca) và 1.510 người (trong tổng số 5.338 ca). Dịch Ebola bắt đầu xuất hiện ở Guinea vào tháng 12/2013 và sau đó lan đến các quốc gia Liberia, Sierra Leone, Nigeria và Senegal, theo CNN. CNN dẫn báo cáo của Tập san y khoa The New England cho biết người đầu tiên bị nhiễm Ebola ở Guinea có thể là một em bé hai tuổi. Lúc đầu em bé này bị sốt, đi phân đen và ói. Bốn ngày sau khi có các triệu chứng này, em bé đã qua đời. Dịch Ebola sau đó bùng phát dữ dội ở Guinea vào tháng 3-2014. BBC dẫn lời Bộ Y Tế Guinea cho biết trong tháng 3, có 122 ca nhiễm Ebola được phát hiện ở Guinea, khiến 78 người chết. |
Theo TTO