Vui vì con không phải học nhiều
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận vừa đưa ra chỉ thị trong đó có nhiều lệnh cấm đối với bậc tiểu học. Một trong những lệnh cấm đó là cấm không được cho bài tập về nhà cho các cháu học bậc tiểu học để tránh áp lực học hành.
Sau khi chỉ thị này được công bố, nhiều phụ huynh như trút được gánh nặng và hi vọng điều này sẽ giúp con em họ được thoải mái, không phải lo học hành nhiều.
Chị Vũ Bích Ngọc – Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội cho biết con trai chị học lớp 1. Điều chị lo lắng nhất là con thường bị cô cho nhiều bài tập về nhà làm. Cả ngày con học ở trường, tối về lại mất khoảng hơn 1 giờ để học bài. Những ngày cuối tuần cô cũng giao thêm 2, 3 phiếu bài tập cuối tuần, con chị cũng không được nghỉ ngơi là mấy. Những lúc gia đình muốn đi chơi cũng khó vì lo gánh nặng bài tập cho con.
Học sinh tiểu học không phải làm bài tập về nhà, phụ huynh thở phào nhẹ nhõm. |
Khi hay có quy định này, chị Ngọc thở phào: "Từ nay bé có thể đi ăn tối, đi chơi với bố mẹ mà không phải lo về sớm làm bài tập để mai đi học".
Nhớ đến cô con gái lớn đang học lớp 8, chị Ngọc coi thời kỳ tiểu học của con gái đầu là thời kỳ khủng hoảng của hai vợ chồng. Hồi học cấp 1, ngày nào bé cũng học đến khuya mới hết bài tập, dù có ngáp ngắn ngáp dài. Hôm nào quá mệt, bé mếu máo xin ngủ, nhưng phải bắt mẹ hứa mai gọi dậy sớm làm nốt.
Thương con nhưng anh chị không thể can thiệp vì cháu rất sợ cô giáo. Nếu không làm hết bài tập, mai đến lớp cô kiểm tra mà chưa xong sẽ bị phê bình. Nhìn vào quy định mới này, chị Ngọc hi vọng đứa thứ 2 sẽ bớt vất vả hơn.
Cũng vui như tết khi đọc lệnh cấm này, anh Nguyễn Quyết (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cảm thấy như trút được gánh nặng. Anh cho biết: "Nhà có 2 đứa con trai học tiểu học, đứa nào cũng hiếu động, ngồi nhấp nhổm không yên. Buổi tối ép chúng nó học mà vợ chồng tôi không lúc nào không cáu.
Mới chỉ ngồi vào bàn một lúc, đứa thì xin đi tè, đứa thì đòi uống nước. Chưa xong việc nọ đã xọ việc kia. Đứa lại đòi gọt bút chì, đứa xin bơm mực. Loay ha loay hoay cả buổi tối, quát tháo ầm ĩ, mà nhìn trang vở của chúng lấm lem mực, tẩy xóa, sai chỗ nọ tẩy chỗ kia, mình cũng nản.
Đứng ở góc độ làm cha làm mẹ, tôi thấy như trút được một gánh nặng. Nếu không còn bài tập về nhà, buổi tối cả nhà sẽ được quây quần ăn tối, nói chuyện phiếm, kể chuyện, hỏi han này kia.
Đứng ở góc độ con trẻ, tôi thấy như thế sẽ hợp với tuổi của con hơn. Mới đi học, đã sáng học, chiều học rồi lại tối học. Cuối tuần cũng có bài tập cuối tuần nữa. Quả thực chả còn thời gian đâu mà chơi, mà ghi nhớ kiến thức. Bỏ bài tập về nhà là đúng".
Gia đình chị Hoàng Hải Ninh trú tại Nguyễn Xiển, Hà Nội cũng mừng vì không có bài tập về nhà. Chị cho biết, cả nhà mình luôn trong tình trạng căng như dây đàn mặc dù cô con gái mới học lớp 2 trường Khương Thượng, Hà Nội.
Chị Ninh kể, sau khi kết thúc buổi học ở lớp lúc 5h chiều, chị vội vàng đưa con đi học múa, rồi lại học tiếng Anh. Tuần có 5 buổi thì mất vài buổi cháu về nhà lúc 9h đêm. Sở dĩ chị làm thế vì phong trào các mẹ xung quanh cũng cho con đi học thêm tá lả như vậy. Giờ bớt đi được khoản bài tập về nhà, chị như thở phào.
Bỏ bài tập về nhà sẽ dồn việc học ở trường?
Chia sẻ quan điểm của mình về lệnh cấm này, chị Đặng Thị Kim Anh trú tại Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội cho biết, chị tin rằng đó mới chỉ là thay đổi phần ngọn. Vấn đề là thay đổi chương trình học như thế nào.
Chị Anh kể “Trường con gái tôi rất ít cho bài tập nhưng con vẫn rất ngại đến trường vì sợ học. Bài tập trong sách giáo khoa không cho con làm nhưng con vẫn phải học thêm ở nhà cô. Thậm chí muốn giao bài tập cô còn làm một mẫu đơn chung đòi các phụ huynh ký vào. Chuyện này chẳng khác nào câu chuyện không chấm điểm bằng số thì lại chấm điểm bằng hoa, bằng phiếu thi đua”.
Nếu không cho bài tập về nhà thì các con sẽ bị làm dồn ở lớp vì chương trình nó thế, không học nâng cao không được. Giữa các cô giáo có sự thi đua, cô giáo giỏi là có nhiều học sinh giỏi và như thế học sinh vẫn mãi phải học và học – chị Kim Anh cho biết.
Chấp nhận cho con đi theo con đường khác, không làm bài tập về nhà, không làm bài tập cuối tuần, chị Thu Minh (Hai Bà Trung, Hà Nội) cho hay: Tôi ủng hộ quyết định này và tôi đã làm điều đó 2 năm nay. Con trai tôi ư, có thể học lực kém hơn các bạn khác trong lớp, nhưng tôi thấy con trai tôi nhanh nhẹn, sáng sủa, có các kỹ năng cần thiết, có ý thức giúp đỡ bạn bè, cô giáo...
Giống như tôi ngày xưa, cũng không học giỏi đến tận lớp 7, nhưng từ lớp 8 trở đi, bỗng dưng thấy thích học Toán vì thầy giảng quá hay. Thế là từ đó cứ thế bứt phá lên. Cũng có lúc là thủ khoa, cũng thi đỗ đại học và giờ cũng tạm gọi là ổn định cuộc sống. Thế nên, tôi nghĩ đừng tạo áp lực cho trẻ con quá sớm. Lớn lên các con sẽ biết chúng cần điều gì để tồn tại".
Theo Zing