Làng “điểm chỉ”
Ở làng chài Cao Bình (xã Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình), rất khó để tìm thấy một người bản địa biết chữ. Mọi giấy tờ đều được xác nhận bằng lăn tay điểm chỉ.
Bao đời nay, “làng điểm chỉ” đã quen với nghề chài lưới, lênh đênh, nay đây mai đó trên sông nước, tách biệt với đất liền. Hầu như các gia đình bỏ mặc chuyện học hành, chữ nghĩa hoặc có quan tâm cũng không đủ điều kiện cho con ăn học. Trong làng, ai biết được mặt chữ A chữ O là đã quý lắm rồi.
Mọi giấy tờ ở “làng điểm chỉ” gần như được lăn tay, hiếm hoi lắm vơi có vài ba chữ ký. Ảnh: Phi Hùng. |
Bà Hoàng Thị Nhung (52 tuổi, người lớn tuổi duy nhất trong làng học đến lớp 3) là người "biết đọc thông, viết thạo", và được bầu Chi Hội trưởng chi hội phụ nữ, kiêm đại biểu HĐND xã.
Theo bà Nhung, "ngay đến ông phó thôn cũng chỉ biết viết tên, mà không biết viết họ đầy đủ, thì nói gì đến người dân trong làng".
Theo thống kê, làng Cao Bình có 154 hộ gia đình, với 636 nhân khẩu, tỷ lệ mù chữ chiếm tới hơn 80%. Trong đó số người mù chữ ở độ tuổi 30 trở lên.
Một số thanh niên trong làng, ngay đến tên của mình cũng không thể viết đầy đủ được, thậm chí một số bị mù chữ tuyệt đối. Cả thôn có khoảng hơn 200 trẻ em đến độ tuổi đi học, nhưng chỉ có 40 em học cấp 1. Cả làng, duy nhất một em học lên đến lớp 9 và một em tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012.
Trẻ em trong làng, nếu may mắn thì học hết lớp 6 là nghỉ. Con trai 13-15 tuổi đều lên thuyền ra biển, con gái ở nhà trông em, đan lưới, đến tuổi thì lấy chồng.
Người dân nơi đây cho hay, những đứa trẻ không được cắp sách tới trường đa phần vì bố mẹ có tâm lý “học cũng chẳng để làm gì”. Hoặc, nếu học thì đến hết lớp vỡ lòng cho biết đọc, biết viết "là đủ lắm rồi", thế đã "là hơn bố mẹ".
Phần nữa là vì quãng đường từ nhà đến trường xa 4-5 km, phương tiện đi lại thiếu thốn nên nhiều gia đình đành cho con nghỉ học giữa chừng.
Đông con kỷ lục
Vì không được học hành, đa phần lại làm nghề đi biển nên con trai, con gái ở làng Cao Bình đều xây dựng ra đình rất sớm. Con gái 13-14 tuổi đã lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, nhà nào cũng rất đông con.
Cả làng ai cũng quan niệm phải có nhiều "đinh" để đi biển nên đẻ càng nhiều. Nhà nào ít cũng 4 mặt con, nhiều nhà có tới 13 đứa, ngay như cả nhà ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Sau có tới 8 đứa con...
Ở làng nhà ít thì 4-5 đứa con, nhiều thì lên đến cả chục. Ảnh: Phi Hùng. |
Cuộc sống chủ yếu lênh đênh trên thuyền, cách xa đất liền, nên việc tới bệnh viện khám cũng rất khó khăn, ngay cả việc sinh nở cũng diễn ra ngay trên thuyền. Bà Phạm Thị Tuyên có 13 người con, thì 5 lần sinh bà toàn... tự đỡ cho mình.
"Vừa sinh con tối hôm trước, sáng hôm sau đã phải lội xuống nước ngang đến ngang cặp quần, để lên bờ bán cá lấy tiền mua gạo cho gia đình, nào có bao giờ được nghỉ ngơi, kiêng khem ngày nào", bà kể.
Cũng vì việc sinh nở ngay trên thuyền, không có thiết bị y tế, nên không thiếu những chuyện không đau lòng xảy ra. Hai năm trước, trong làng có người ra biển rồi trở dạ sinh ngay trên thuyền, nhưng vì chủ quan sinh con xong người mẹ cầm cao dao dính mỡ dầu máy nổ, cắt rốn cho con mình. Vài ngày sau cháu bị nhiễm trùng rốn nặng, suýt không qua khỏi.
Nhiều người phụ nữ khác trong làng giờ đang bị những căn bệnh về xương, khớp, hậu sản... hành hạ.
Vẫn còn nhiều hộ gia đình làng chài Cao Bình chưa có đất để lên bờ, vì vậy việc phổ biến những kiến thức cho bà con rất khó. Ảnh: Phi Hùng. |
Trai gái ở “làng điểm chỉ” thường mang mặc cảm tự ti, ngại giao lưu với người khác giới vùng ngoài. Nhiều lần, một vài cô gái ở làng đi làm ăn xa, gặp và cảm mến người con trai khác vùng.
Song, đến lúc về gặp nhà trai, biết cô gái là người “làng chỉ điểm”, người làng ngoài kiên quyết không đồng ý. Thế là, có cô gái phải về làng nuôi con một mình trong sự tủi hờn.
Theo ông Đỗ Đức Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, chính quyền đã cố gắng tạo điều kiện cho bà con thôn Cao Bình lên bờ định cư bởi chỉ có ổn định được cuộc sống cho bà con mới có thể phổ biến các công tác khác.
Năm 2013 xã đã cấp đất cho 63/154 hộ dân chưa có nhà trên đất liền. Chính quyền cũng kêu gọi một số tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm tổ chức các buổi khám chữa bệnh, tổ chức xóa mù chữ cho người dân; đồng thời vận động sinh sản có kế hoạch.
"Tuy nhiên để làm được những điều này không phải nói là làm được ngay trong ngày một, ngày hai. Phần lớn bà con nơi đây dường như đã quen với cuộc sống như bao đời nay", ông Cảnh nói.
Theo Zing