“Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức”

Thứ tư, 05/11/2014, 12:42
Đó là khẳng định của TS. Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội.

Liên quan đến đề xuất đưa quy định về từ chức vào Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội – TS. Đinh Xuân Thảo cho rằng, muốn từ bộ trưởng trở lên từ chức phải đưa quy định này vào Luật Tổ chức Chính phủ.

tu chuc

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội – TS. Đinh Xuân Thảo

Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa quy định từ chức vào Luật Tổ chức Chính phủ. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Trong Luật Tổ chức Quốc hội có nêu rõ, nếu số phiếu tín nhiệm thấp thì cơ quan, tổ chức nào bổ nhiệm người đó sẽ làm thủ tục đề nghị bãi nhiệm, miễn nhiệm họ. Nhưng trước khi bãi/miễn nhiệm cũng ưu tiên cho việc từ chức.

Nói cách khác, văn hóa từ chức cần phải có còn chuyện có đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ hay không và nếu đưa vào thì đưa như thế nào cần phải xem xét thêm. Theo tôi nên để người đó tự đánh giá tư cách, năng lực của mình và tự nguyện xin từ chức thì hơn.

Thế nhưng, từ khi quy định từ chức được đưa vào luật cán bộ, công chức đến nay, vẫn chưa thấy ai “tự nguyện xin từ chức” dù mắc sai phạm. Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi chờ?

- Từ chức nếu đưa vào luật sẽ liên quan tới vấn đề pháp lý, còn trên thực tế nó liên quan tới văn hóa, thói quen của các nước. Ở Việt Nam chưa có khái niệm văn hóa từ chức. Quan chức Việt có tâm lý nhìn nhau mà làm.

Cụ thể, một vị quan chức nào đó có tự trọng cao, muốn xin từ chức, nhưng nhìn quanh thấy người khác còn tệ hơn mà vẫn đương nhiệm thì tội gì họ phải chịu thiệt thòi? Vì tâm lý, quan niệm đó mà chưa ai tự nguyện xin từ chức cả. Nếu luật quy định cụ thể, người ta sẽ tự đối chiếu, khi thấy không xứng đáng, họ sẽ tự xin từ chức.

Theo ông, đưa quy định từ chức vào Luật tổ chức Chính phủ có kích thích trách nhiệm của cán bộ không?

- Rõ ràng nếu đưa quy định đó vào Luật Tổ chức Chính phủ thì người ta sẽ phải có trách nhiệm cao hơn.

Nhưng việc từ chức có thể xảy ra ở bất cứ cơ quan nào. Vậy theo ông có nên đưa quy định trên vào tất cả các luật có liên quan không?

- Từ cấp Thứ trưởng trở xuống, quy định từ chức nên đưa vào Luật Cán bộ, Công chức là phù hợp. Còn từ chức danh bộ trưởng, trưởng ngành trở lên thì việc từ chức phải đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ bởi Luật Cán bộ, Công chức chỉ có phạm vi điều chỉnh từ cấp Thứ trưởng trở xuống thôi.

Ở nước ngoài, chuyện quan chức xin từ chức khi có sai phạm của cấp dưới không phải là chuyện lạ, hiếm gặp. Còn tại Việt Nam, vì sao điều đó chưa xảy ra thưa ông?

- Trước đây, tôi từng phân tích khá nhiều về chuyện này. Ở nước ngoài, người ta coi chuyện từ chức là bình thường. Hôm nay anh từ chức, mai anh vẫn có thể tham gia vào một vị trí lãnh đạo nào đó, thậm chí sau khi từ chức người ta có thể lên chức cao hơn.

Lý do người ta từ chức cũng khác ta. Ở Hàn Quốc, Ấn Độ…chẳng hạn, khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng, Bộ trưởng Bộ Giao thông của họ có thể sẵn sàng từ chức dù trách nhiệm của vụ việc không hoàn toàn do vị Bộ trưởng đó. Như vậy có thể thấy vị Bộ trưởng ấy đã thấy rõ trách nhiệm của mình và để yên dân, họ xin từ chức.

Còn ở Việt Nam, chế độ công chức, công vụ còn nhiều bất cập, dư luận xã hội cũng khắt khe hơn, từ chức xong xem như mất hết mọi thành quả nhiều khi đó là những gì cả cuộc đời người ta đóng góp, cống hiến thành ra văn hóa từ chức trở thành chuyện lạ.

Nếu người ta phạm tội, buộc phải từ chức thì chuyện họ mất trắng là hiển nhiên, không có gì đáng bàn cãi, nhưng nhiều khi lý do họ từ chức không phải vậy, họ vẫn bị soi mói, kỳ thị, thậm chí mất hết cả uy tín, danh dự.

Chứ không phải vì quan chức Việt không thấy rõ trách nhiệm của mình hoặc không muốn “chịu tội” thay cấp dưới?

- Đó cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Nếu người đó là tư lệnh của một ngành mà để xảy ra sai phạm ở cấp dưới, suy cho cùng cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, muốn biết có đáng từ chức hay không còn phải xem trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu trong mỗi vụ việc cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Trong khi đó, bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam nói: “Việc từ chức có thể xảy ra ở bất cứ cơ quan, tổ chức nào từ ủy ban nhân dân các địa phương tới lãnh đạo của Quốc hội… Vì vậy, theo tôi nên đưa quy định từ chức vào luật cán bộ, công chức thì đúng hơn, phù hợp hơn là đưa vào luật tổ chức Chính phủ”.

Theo Khampha

Các tin cũ hơn