Nghi vấn hối lộ quan chức: “Cơ quan điều tra phải vào cuộc”

Thứ năm, 06/11/2014, 07:55
Đại biểu QH Lê Như Tiến đề nghị, cơ quan điều tra phải vào cuộc xác minh thông tin công ty y tế Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam.

Ngày 5/11, báo chí đưa tin công ty y tế Mỹ thừa nhận hối lộ quan chức Việt Nam. Cụ thể, Công ty thiết bị và nghiên cứu y tế Mỹ Bio-Rad vừa chấp thuận nộp phạt 55 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc hình sự và dân sự về hành vi hối lộ quan chức chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Phóng viên có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bên lề kỳ họp sáng 5/11 trước thông tin trên.

 - 1

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Ông nhìn nhận thế nào về việc công ty y tế Mỹ thừa nhận hối lộ quan chức Việt Nam?

Tôi chưa tiếp cận được thông tin này. Nhưng nếu có thì phải làm thật nghiêm như các dự án ODA về giao thông. Tuyệt đối không thể để như thế được. Rồi có thể giá các thiết bị y tế đó nâng lên, lúc đó ai sẽ là người phải hứng chịu? Chính là người dân, những người tham gia vào dịch vụ y tế sẽ lãnh đủ. Vì số tiền thất thoát ấy cuối cùng rơi vào giá thành.

Dân gánh chịu hệ quả, còn lợi ích lại rơi vào túi cá nhân. Cuộc sống người dân đã khó khăn rồi, lại phải sử dụng các dịch vụ y tế như vậy thì không thể chấp nhận được.

Đây không phải là lần đầu tiên có thông tin về việc công ty nước ngoài đưa hối lộ tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng trong việc chi nhận hoa hồng ở lĩnh vực y tế?

Sự việc này tôi đánh giá còn nghiêm trọng hơn các lĩnh vực khác bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đến tính mạng con người. Vì thế không thể để tình trạng này diễn ra được, nhất là khi đã có nhiều dự án nước ngoài xảy ra trước đó.

Theo ông các cơ quan chức năng cần phải làm gì trước thông tin hối lộ trên?

Tôi đề nghị trước hết phải xác minh thông tin trên xem có thực sự chuẩn xác không, từ đâu ra? Muốn biết thông tin chuẩn xác hay không thì các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, điều tra phải vào cuộc để khẳng định.

Khi đã khẳng định rồi, phải xử lý thật nghiêm, không thể để tình trạng đã có cảnh báo từ nhiều dự án của nước ngoài trước đó diễn ra.

Theo ông, Bộ Y tế có nên rà soát lại các sản phẩm, thiết bị y tế tham gia đấu thầu trong thời gian qua không?

Không phải rà soát, mà tôi cho rằng cần phải tổng rà soát lại tất cả những sản phẩm, thiết bị y tế nói chung và những nguồn cung cấp dược từ trước tới nay trong cả nước đối với các cơ sở y tế khám chữa bệnh của người dân.

Cần phải xem xem các thiết bị, dược phẩm đó về nước bằng nguồn nào? Có chuẩn mực không? Có đúng với hợp đồng cam kết không? Mặt bằng giá chung ở trong nước cũng như thế giới có đảm bảo không?...

Đó là cái chúng ta cần phải làm rõ. Khi đã làm rõ rồi thì phải xử lý thật nghiêm. Còn trước mắt phải tổng rà soát, rồi có thông tin như thế thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc.

Ông đánh giá như thế nào về việc đấu thầu và chất lượng các sản phẩm y tế trong thời gian qua?

Vừa qua đã có một số cơ quan thông tin đại chúng đưa tin có thiết bị y tế vỏ của châu Âu chuẩn, nhưng ruột lại ở một nước châu Á có trình độ công nghệ thấp. Nhiều máy móc nói là mới nhưng lại đã qua sử dụng, đó rõ ràng là một tiếng chuông cảnh báo cần phải ngăn ngừa.

Xin cảm ơn ông!

Theo AP, Công ty thiết bị và nghiên cứu y tế Mỹ Bio-Rad đã chi ra khoảng 7,5 triệu USD để lo lót cho các quan chức ở ba nước, riêng tại Việt Nam và Thái Lan, số tiền mà các nhân viên của Bio-Rad bỏ ra để hối lộ nhằm đổi lấy các hợp đồng là 2,9 triệu USD.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn