Lận đận một kiếp người
Tháng 11, Sài Gòn nắng cháy da cháy thịt. Lầm lũi trên chiếc xe lăn đã hỏng nặng, người đàn ông tật nguyền xòe từng tấm vé số năn nỉ người đi đường mua giúp nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Tiến về phía chúng tôi một cách khó nhọc, đưa tay quệt những giọt mồ hôi mặn chát, khuôn mặt buồn bã, anh mời người viết mua giúp tờ vé số.
Anh giới thiệu mình là Nguyễn Công Tấn (SN 1969, quê ở Hóc Môn, TP. HCM), vì cuộc sống mưu sinh nên phải đi bán vé số để nuôi ba đứa con nhỏ ăn học. Thoáng chút e ngại, nhưng khi được chúng tôi mở lời, anh cũng miễn cưỡng dẫn chúng tôi về nơi anh và các con đang trú ngụ trong hẻm 107 Bùi Viện (Q.1, TP. HCM).
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là căn phòng chỉ rộng chừng 2 mét vuông, ẩm thấp, chật chội, mùi ngai ngái sộc thẳng vào mũi. Anh quay sang cười bảo: “Mấy cha con tôi sống mãi rồi quen mùi luôn, giờ hôi hám ra sao cũng không cảm nhận được”.
Căn phòng tồi tàn, lụp xụp, diện tích chỉ vỏn vẹn 2 mét vuông là nơi trú ngụ của anh Tấn và các con.
Ba đứa con thơ của anh Tấn.
Trải lòng về cuộc đời mình, anh kể, anh sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo. Bố mất sớm, mẹ anh phải gồng gánh, lo toan cho 7 người con. Học đến lớp 9, vì gia cảnh quá khó khăn nên anh gác lại việc học, lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Lúc nhỏ, anh làm đủ thứ việc để mưu sinh như bốc vác, rửa chén thuê… việc gì làm ra tiền anh đều không ngại. Có những hôm làm quần quật từ sáng đến tối nhưng anh bị chủ xù tiền công. Anh chỉ biết cắn răng khóc, không biết kêu ai cả. Làm thuê được một thời gian, anh chuyển qua bán vé số dạo từ đó cho đến nay.
“Tôi bán vé số cũng được hơn 40 năm rồi, mọi người ở đây đều là khách quen của cả” - anh Tấn nói.
Bé Nguyễn Thị Thanh Thắm năm nay đã 4 tuổi. Từ ngày chào đời đến nay, bé không biết đến măt mũi mẹ mình như thế nào.
Bốn cha con quây quần trong căn phòng chật hẹp. Nhìn cảnh gà trống nuôi con, nhiều người không khỏi xót xa, ái ngại.
Mặc dù nghèo khó, nhưng các con của anh đều ngoan và rất thương bố. |
Năm 2006, anh đem lòng yêu thương một phụ nữ người Chăm. Cảm mến người đàn ông hiền lành, thật thà, chị gật đầu đồng ý nên duyên vợ chồng. Niềm vui như được nhân đôi với anh khi ba đứa con lần lượt ra đời.
Anh Tấn bồi hồi: “Lúc đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị bại liệt, đôi chân bị hoại tử, phải cắt bỏ nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó, trời đất như sụp đổ trước mặt. Tôi không tin nên dùng điếu thuốc lá đang cháy dở châm vào chân mình, không hề nóng rát hay đau đớn gì cả. Tôi òa khóc như một đứa trẻ”.
Cuộc sống khó khăn càng khốn cùng hơn khi anh lâm vào cảnh tật nguyền. Từ một người trụ cột trong gia đình, giờ đây, mọi sinh hoạt anh đều phải dựa vào người vợ. Quá chán nản, vợ anh đã bỏ đi tìm hạnh phúc mới. “Đêm đó, đang lơ mơ ngủ thì tôi nghe tiếng động, giật mình tỉnh dậy, thấy vợ gói gém hành lý để bắt xe ôm đi khỏi khỏi nhà. Đôi chân không còn, tôi cố lết theo kéo lại, yếu ớt gọi tên nhưng cô ấy nhất quyết ra đi”.
Tuyệt vọng, nhiều lúc anh muốn kết thúc cuộc đời tàn phế, mong được giải thoát nhưng nghĩ đến ba đứa con, rồi chúng sẽ sống ra sao nếu anh mất đi. Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập xoáy vào tâm trí khiến anh quyết định đứng dậy sống tiếp.
Gà trống nuôi con
Từ sau khi vợ dứt áo ra đi, mọi sinh hoạt trong gia đình anh đều tự tay gánh vác. Đôi chân không còn, khó khăn dường như nâng lên gấp bội đối với anh. Trong giai đoạn đó, đứa con thứ ba của anh còn chưa dứt sữa. Giữa đêm, tiếng khóc vì đói sữa, tiếng gào đòi mẹ của con đã bao lần khiến anh bật khóc.
Mấy đứa con thường quanh quẩn bên cạnh và giúp anh Tấn những công việc lặt vặt. Nhìn đàn con nheo nhóc, anh Tấn không khỏi lo lắng cho tương của chúng.
Anh Tấn thở dài: "Bây giờ tôi còn sống thì tôi lo được. Đến lúc tôi ngã xuống thì ai sẽ lo cho bọn nhỏ đây". Mặc dù nghèo khổ, nhưng gia đình anh lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. |
Anh cho biết, hằng ngày, anh đều thức dậy lúc 6h sáng, lo cơm nước, giặt giũ cho con xong lại đi bán vé số cho đến tối mịt mới về. Ban ngày, anh gửi các con cho một người bà con chăm sóc, tối đi làm về lại đón. Mọi chi phí ăn uống của các con tới tháng anh trả cho người ta.
“Tôi đi bán vé số, nhưng cái tâm thì để ở nhà. Lúc nào cũng nhớ tới bọn nhỏ. Không biết trưa nay bọn nó ăn gì, không có cha bên cạnh bọn nó ngủ có yên giấc hay không” - anh Tấn chia sẻ.
Được biết, từ khi mất đôi chân, việc di chuyển của anh vô cùng khó khăn, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn đã hỏng. Lúc trước, anh đi bán vé số khắp thành phố nhưng giờ chỉ đi bán ở khu chợ Lớn vì đa số khách quen của anh là ở khu vực này. Có hôm, anh bị người ta giật vé số, xô ngã xe lăn nhưng không biết kêu ai. Niềm an ủi duy nhất đối với cuộc đời anh Tấn chính là 3 đứa con thơ. Nhìn bọn chúng cười đùa là anh lại thấy hạnh phúc.
Mặc dù nghèo khổ, nhưng anh Tấn đều cố gắng lo cho con ăn học. Anh chia sẻ: “Đời tôi khổ rồi, tôi không muốn bọn nhỏ phải khổ nữa. Chỉ mong sao chúng luôn khỏe mạnh, không bệnh tật là tốt rồi. Tương lai không nói trước được điều gì, nhưng khi nào tôi còn sống thì tôi sẽ không để bọn nhỏ phải đói khổ”.
Theo MASK Online