Xa hoa dinh thự Tổng thống

Thứ ba, 18/11/2014, 07:13
Các lãnh đạo Nam Phi, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu phản ứng dữ dội liên quan đến những công trình hoành tráng.

Phối cảnh bên ngoài Dinh Tổng thống mới của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: The Washington Post

Phối cảnh bên ngoài Dinh Tổng thống mới của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: The Washington Post

Cuối tuần qua, một vụ ẩu đả dữ dội đã xảy ra giữa cảnh sát Nam Phi với các dân biểu đối lập ngay trong phòng họp thuộc trụ sở quốc hội nước này.

Xung đột xảy ra sau khi quốc hội Nam Phi bỏ phiếu miễn trách nhiệm cho Tổng thống Jacob Zuma, liên quan đến việc sử dụng 23 triệu USD công quỹ để nâng cấp tư dinh ở làng Nkandla thuộc tỉnh KwaZulu Natal.

Theo BBC, cảnh sát đã can thiệp sau khi nghị sĩ đối lập Ngwanamakwetle Mashabela liên tục gọi ông Zuma là “kẻ cắp” và “tội phạm”. Ít nhất 4 dân biểu đã bị thương hôm 15/11 và hiện chưa rõ kết quả bỏ phiếu ảnh hưởng ra sao đối với cuộc điều tra vừa được cảnh sát nước này khởi động nhằm vào một số nghi vấn khuất tất liên quan đến công trình trên.

Nhà Trắng “chỉ là một gian nhỏ”

Theo bản thiết kế do tờ Mail & Gurdian thu thập được, sau khi được nâng cấp, khu tư dinh của Tổng thống Zuma sẽ bao gồm 3 khu nhà ngầm dưới lòng đất với khoảng 10 phòng ngủ, một phòng khám dành cho Tổng thống và gia đình, một phòng tập thể dục, 20 ngôi nhà lộ thiên dành cho nhân viên an ninh, bãi đậu xe ngầm, một sân đỗ trực thăng, các sân chơi và một trung tâm nghỉ dưỡng dành cho khách viếng thăm.

Báo chí Nam Phi dẫn các nguồn tin tại Nkandla cho biết ông Zuma và gia đình ra vào khu phức hợp ngầm thông qua một đường hầm dài 200m chạy từ sân đỗ trực thăng đến quần thể chính và sử dụng hai thang máy đặc biệt. Ngoài ra, trong khu dinh thự còn có một hồ bơi và một sân khấu lớn ngoài trời.

Trong khi đó, tại Mexico, Tổng thống Enrique Peña Nieto đang đứng trước áp lực phải làm rõ nguồn gốc ngôi biệt thự trị giá 7 triệu USD mà đệ nhất phu nhân Angelica Rivera mới mua.

Theo tờ The Guardian, ngôi biệt thự được mệnh danh là “Nhà Trắng” này rộng 1.400m2, có 7 phòng ngủ, một bể bơi, một thư viện lớn, một thang máy, sàn lát đá cẩm thạch và một hệ thống ánh sáng thay đổi linh hoạt theo tâm trạng của chủ nhân với 3 màu hồng, tím và cam.

Một công trình khác còn khổng lồ hơn gấp nhiều lần là dinh Tổng thống mới mang tên Cung điện trắng (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là Ak Saray), vừa được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khánh thành cuối tháng trước.

Theo BBC, công trình này có diện tích 150.000m2, tọa lạc trên một ngọn đồi lớn gần thủ đô Ankara. Dinh có 1.000 phòng với các dãy hành lang và sân lát đá cẩm thạch, cùng hệ thống an ninh công nghệ cao. Theo tờ The Washington Post, với chi phí xây dựng 615 triệu USD, Ak Saray lớn hơn cả Điện Kremlin ở Nga và so với nó, Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ “chỉ là một gian nhỏ”.

“Hãy đến và phá đi”

Tại Nam Phi, công trình nâng cấp khu dinh thự Nkandla đã trở thành mục tiêu mới của những người phản đối chính quyền Zuma. Nhiều chính khách đối lập đã lên tiếng kêu gọi điều tra hình sự nhằm vào Tổng thống Zuma và đòi ông phải từ chức.

Trước đó, trong một phán quyết được đưa ra vào tháng 3, Tổng thanh tra nhà nước Thuli Madonsela kết luận ông Zuma “hưởng lợi quá đáng” từ việc xây dựng khu nhà, đồng thời cho rằng ông phải gánh một phần chi phí, theo trang tin IOL của Nam Phi.

Đáp lại, chính phủ và quốc hội, đang thuộc đảng cầm quyền ANC, cho rằng công trình nói trên là cần thiết để đảm bảo an ninh cho Tổng thống và gia đình.

Khu tư dinh của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma - 2

Khu tư dinh của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma - Ảnh: AFP

Trong khi đó, chính phủ Mexico ban đầu khẳng định đệ nhất phu nhân Rivera mua biệt thự “Nhà Trắng” bằng tiền cá nhân. Tuy nhiên, dư luận đặt nghi vấn đây là món lại quả của một công ty tham gia liên danh thắng thầu dự án xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 3,7 tỷ USD ở nước này.

Theo Reuters, “Nhà Trắng” ban đầu thuộc sở hữu của Công ty Ingenieria Inmobilaria del Centro. Đây lại là công ty con của Tập đoàn Grupo Higa, một trong số 4 tập đoàn Mexico bắt tay với Tổng công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) để giành hợp đồng nói trên trong một cuộc đấu thầu bị chỉ trích là không minh bạch.

Trước áp lực của dư luận, Tổng thống Nieto đã tuyên bố hủy hợp đồng với liên danh do CRCC đứng đầu và sẽ mở lại một cuộc đấu thầu khác cho dự án trên. Đến ngày 14/11, Reuters dẫn lời ông cam kết “sẽ sớm có câu trả lời rõ ràng liên quan tới ngôi biệt thự” nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lâu nay, Tổng thống Erdogan đã bị phe đối lập và một bộ phận dân chúng chỉ trích là tìm cách thâu tóm quyền lực tuyệt đối và Hồi giáo hóa đất nước. Nay họ xem Dinh Ak Saray là bằng chứng mới cho các cáo buộc trên. Một điểm gây tranh cãi khác là hàng trăm cây xanh bị đốn hạ để lấy mặt bằng trong khi địa điểm xây dinh từng là một khu bảo tồn rừng được người sáng lập quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại Mustafa Kemal Ataturk để lại, theo tờ The Telegraph.

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan khẳng định Dinh Ak Saray là một biểu tượng cần thiết cho một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt và có vị thế quốc tế ngày càng cao.

Về những biểu tượng mang âm hưởng văn hóa Hồi giáo của công trình, vị Tổng thống này giải thích rằng điều này thể hiện Thổ Nhĩ Kỳ không chối bỏ những di sản vĩ đại của đế chế Ottoman khi xưa. Phản ứng lại những lời chỉ trích, The Telegraph dẫn lời ông Erdogan tuyên bố: “Nếu họ đủ mạnh thì hãy đến và phá nó đi”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn