ĐB Nguyễn Bá Thuyền nêu, cải cách thủ tục hành chính đã thu được một số kết quả, giảm được rất nhiều thủ tục và nhiều phiền hà cho dân. Tuy nhiên việc giảm bộ máy, giảm biên chế vẫn chưa làm được, làm bộ máy ngày càng phình ra, biên chế ngày càng tăng lên.
Theo ĐB Thuyền, liên quan đến con người là vấn đề khó, nên thận trọng là đúng. Nhưng ưu điểm là thận trọng, khuyết điểm là thận trọng quá nên không dám làm mạnh, làm cương quyết, cho nên bộ máy ngày càng phình ra. Tôi thấy rất nhiều đại biểu phản ánh cấp phó nhiều quá.
Một phòng chỉ ba người, có khi đã một trưởng, một phó. Thế thì lãnh đạo nhiều hơn nhân viên còn gì? Rồi Thứ trưởng cũng thế, quá nhiều. Chúng ta sử dụng tiền thuế của dân thì phải sử dụng làm sao cho hiệu quả.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền.
“Mỗi đơn vị chỉ nên duy trì từ 1 đến 2 cấp phó thôi. Làm như vậy còn để cho ông trưởng “vắt chân lên đầu làm”, chứ bây giờ nhiều ông trưởng giao hết cho phó nên có làm đâu” - Ông Thuyền đề nghị.
Cùng với giảm thủ tục, phải giảm tổ chức, giảm bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ dân. Và con người là hết sức quan trọng. Mặc dù chúng ta đã giảm thủ tục, giảm biên chế, nhưng không có chuyển biến mạnh mẽ, nên người dân vẫn kêu.
Phải sa thải cán bộ để bảo vệ dân
Ông Thuyền đề đề nghị, Chính phủ cần phải làm kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn. Xác định vị trí việc làm, chứ công chức bây giờ nhiều ông chơi không cho nên phải kiểm tra lại, xác định vị trí việc làm một cơ quan cần bao nhiều người.
Phải sửa luật công chức, viên chức làm sao điều kiện sa thải viên chức nhà nước phải mạnh mẽ hơn. Chứ như bây giờ thì khó quá, tuyển một ông viên chức, công chức vào mà cứ ngồi ì đấy, không cách nào đuổi ra được thế thì làm sao?
“Chúng ta bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ? Nếu bảo vệ lợi ích người dân thì phải sa thải cán bộ. Cho nên tôi đề nghị vấn đề này phải làm kiên quyết trong cải cách hành chính, phải tinh giản biên chế hiệu quả hơn” – Ông Thuyền đề nghị.
Về đấu tranh chống tham nhũng, theo ĐB Thuyền cho biết: Dù quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa đáp ứng được yêu cầu. nêu dẫn chứng, từ 1949 đến 1975 chỉ có một ông quản gia nhưng kiểm kê tài sản của Dinh Bảo Đại không thiếu một cái gì. Đến chúng ta, mỗi lần kiểm tra bao nhiêu con dấu nhưng vẫn mất dần, mất mòn. Toàn là Đảng viên giữ tài sản sao mất nhiều thế? Đó là yếu tố con người.
Nhấn mạnh hai chữ "lòng tin", ông Thuyền nhắc lại câu chuyện có một đồng chí trả lời trên truyền hình nói "cán bộ chưa bao giờ đòi dân mà tại dân cứ đưa đấy chứ!".
'Anh phải xem lại cán bộ, tại sao dân cứ đưa? Vì người ta không còn niềm tin với anh nên người ta phải đưa. Chữa bệnh người ta phải đưa tiền vì họ nghĩ rằng nếu không thì anh không chữa tốt cho người ta; xin vào công chức nhà nước, phải chi tiền vì tôi sợ anh không công tâm về công tác tổ chức.
Nếu tôi không chạy tiền thì ông khác chạy mất! Làm cái gì người ta cũng không tin nên buộc lòng phải đưa tiền. Cứ bảo vì sao người dân hay đưa tiền, vì họ không còn niềm tin với chúng ta nữa. Đưa tiền không phải họ kính nể họ cho'.
“Cái lộc của ông quan thì lại khác. Làm quan thời kỳ nào cũng có lộc nhưng cái lộc đó khác, ăn chặn của dân thì nó khác” - Ông Thuyền kết thúc bài phát biểu của mình.
Theo Tiền Phong