Mở đầu, phiên xử chiều 5/12, tòa tiếp tục phần xét hỏi. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được hỏi từ đầu giờ.
Luật sư hỏi: Bị cáo Kiên cho HĐXX biết, trong quá trình kinh doanh, sự hiểu biết của mình, bị cáo có phân định rõ hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động đầu tư bình thường không? Vì án sơ thẩm không phân định rõ, cho rằng bị cáo đầu tư tài chính là đầu tư trái phép.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Thưa hội đồng xét xử, tôi định dành cái này ở phần sau. Nhưng tôi biết, sức khỏe tôi không an toàn. Tôi xin phép được nói một số ý kiến của tôi về vấn đề này.
Bầu Kiên tại phiên Phúc thẩm |
Tòa nhắc: Bị cáo lưu ý, để đảm bảo sức khỏe để tiếp tục phiên tòa, những gì trong phạm vi câu hỏi, bị cáo trả lời ngắn gọn. Những gì giải thích mọi người hiểu hơn thì để sau.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Cám ơn Hội đồng xét xử, trưa nay (5/12 - PV) tôi đã nói với thư ký tòa. Đề nghị sao Quyết định 165, chuẩn mực kế toán, ngày 31/12/2002, điều 24, mục 4, mục 10 đã quy định rất rõ về tính pháp lý của hoạt động kinh doanh là gì, đầu tư tài chính là gì.
Văn bản của Bộ Kế hoạch đầu tư trả lời là rất tốt nhưng nó chỉ là ý kiến để hội đồng xét xử tham khảo, không phải là văn bản pháp quy. Trong khi đó, đã có văn bản pháp quy có từ lâu lắm rồi. Giở ra đọc sẽ thấy việc đầu tư cổ phần cổ phiếu đúng hay sai, rất rõ ràng. Như thế là VKS cũng nhẹ bớt, tôi cũng nhẹ bớt giải trình. HĐXX cũng không phải hỏi ai... Quyết định của Bộ Tài chính là văn bản pháp quy, pháp luật.
Tôi định để dành cái này nhưng tôi thấy không cần thiết. Đề nghị photocopy cho Luật sư và VKS. Tôi định dùng cái này để làm chìa khóa then chốt giải quyết việc kinh doanh trái phép. Tôi sợ tim tôi không chịu lâu được. Tôi nói trước khỏi mất thời gian. Tôi khẳng định là các công ty hoạt động đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu là đúng pháp luật theo Quyết định 165, văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước.
Luật sư: Bị cáo có biết văn bản 1085 của Tổng Cục thuế, trong đó có nêu hợp đồng giữa các công ty mà bị cáo làm chủ tịch là vô hiệu, ý kiến của bị cáo về văn bản 1085 của tổng cục thuế như thế nào?
Bị cáo Kiên: Câu hỏi này cũng là câu hỏi tôi định để dành. Trong 118 trang (đơn kháng cáo của bị cáo Kiên - PV), tôi không nói cái này. Tôi chỉ nói một nửa, tôi không nói hết. Tức là, VKS truy tố tôi bằng văn bản 1085, trước đó, Tổng Cục thuế có văn bản 342 nói về việc này. Các cơ quan tố tụng không xem xét nội dung của văn bản 342. Nếu xem công văn 342 rồi, các vấn đề khác được giải quyết rất dễ dàng. Để giải quyết 342 và 1085 này. Có thể giải quyết ngay tại Luật Giám định.
Trong Luật Giám định, có quy định có những xung đột đưa ra hình sự thì ghi giám định lần 1 là gì, lần 2 là gì, giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng là gì. Tôi, với tư cách là chủ tịch hội động quản trị B&B có quyền yêu cầu giám định lại như thế nào. Trong luật quy định rõ. Trong đơn gửi HĐXX, tôi cũng đã nói rồi. Tôi nghĩ những gì luật cụ thể rồi để tránh tranh luận…
Thực ra, tôi dự như thế này, tôi rất mệt. Tôi định giữ lại 9 quả phạt đền, xin lỗi, 9 vấn đề lớn để làm rõ vụ án này. Tôi sẽ mở dần, từ từ. Tôi xin phép nói luôn để hội đồng xét xử đỡ mệt. Tôi thông cảm là VKS hay HĐXX cũng không thể nắm được hết các điều luật trong cùng một lúc. Tôi có 27 tháng nghiền ngẫm, cái này nó nằm chỗ nào. Tôi có thể nói tôi thuộc lòng tất cả các luật…
Tòa tiếp tục làm rõ vai trò của các bị cáo về các hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Liệu trong phần tranh luận tới đây, bị cáo Nguyễn Đức Kiên sẽ tiếp tục trình bày những luận điểm mà bị cáo cho là "vấn đề quan trọng" hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin cập nhật về phiên tòa này.
Theo Infonet