Chia sẻ về việc cần có cơ chế để giám sát việc công khai tài sản của quan chức, các cán bộ trong ngành nội chính nhấn mạnh: Cơ chế ấy phải được triển khai mạnh mẽ ngay từ khi cán bộ còn đương chức chứ không đợi về hưu rồi mới khởi động.
Kê khai phải kèm với giải trình nguồn gốc
Nêu quan điểm cá nhân, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho rằng việc kê khai, quản lý tài sản cán bộ - nhất là cán bộ lãnh đạo, quan chức - đang có nhiều lỗ hổng, từ đó nhân dân cho rằng việc kê khai chỉ hình thức.
“Việc kê khai minh bạch tài sản của quan chức phải được làm ngay từ khi còn đương chức. Nếu khi về hưu, cơ quan chức năng phát hiện có gian dối, giàu có bất thường thì dù cán bộ cấp cao cũng phải bị xử lý trách nhiệm” - vị lãnh đạo này nói.
Theo vị này, việc công khai tài sản của cán bộ chủ chốt hiện chỉ có hai hình thức: Dán thông báo tại cơ quan công tác hoặc họp thông báo toàn cơ quan. Chưa có cơ quan nào buộc cán bộ đó phải giải trình nguồn gốc tài sản đã kê khai (quy định hiện hành chỉ buộc phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm - PV). Do đó, cần có cơ chế yêu cầu việc kê khai tài sản phải đi kèm với việc công khai rộng rãi chứ không chỉ công khai nội bộ. Việc công khai cần đi kèm giải trình cụ thể nguồn gốc tài sản. Đồng thời, phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập tài sản của cán bộ thì mới kịp thời phát hiện những tài sản bất thường của họ.
Ngoài ra, cần có một cơ chế đặc biệt để nếu phát hiện cán bộ, kể cả về hưu hay đương chức, có dấu hiệu thu nhập bất thường thì cơ quan có thẩm quyền nào được quyền kiểm tra đột xuất hoặc áp dụng biện pháp nghiệp vụ. “Khi dư luận nhân dân, báo chí lên tiếng về các tài sản bất thường của lãnh đạo về hưu thì cơ quan có thẩm quyền của trung ương phải vào cuộc làm rõ để xử lý ngay, tránh dư luận cho rằng có sự cả nể, giơ cao đánh khẽ” - ông chia sẻ.
Việc kê khai minh bạch tài sản của quan chức phải được làm ngay từ khi còn đương chức. Ảnh: HTD
Nội bộ còn chưa biết nữa là dân
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng cho rằng quản lý tài sản quan chức, việc đầu tiên là phải thay đổi cách kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản. Đồng thời, quyền của người dân được biết tài sản của cán bộ, lãnh đạo phải được đưa vào các quy định pháp luật.
“Trên thực tế, ngay cả tài sản của lãnh đạo cấp cao nhưng trong nội bộ còn chưa biết thì làm sao nhân dân biết được. Hiện nay, hiếm có cơ quan nào đi thẩm tra việc kê khai của các vị lãnh đạo. Trong khi đó, người dân lại không hiểu vì sao ngày càng có nhiều cán bộ giàu lên rất nhanh mà không hiểu họ làm giàu bằng cách nào. Khi nào việc xử lý, kỷ luật cán bộ giàu bất thường vẫn chỉ là giơ cao đánh khẽ thì sự bất minh tài sản quan chức vẫn là một thách thức đối với nhân dân, với Đảng” - ông Hùng trăn trở.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho rằng cách quản lý tài sản quan chức, nhất là quan chức cấp cao khi về hưu cũng phải bắt đầu từ việc phải công khai cụ thể nguồn gốc tài sản. “Cần phải có một cơ chế đặc biệt để kiểm tra thường xuyên tài sản của cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo cơ quan đó. Đặc biệt khi có dư luận về cán bộ có việc kê khai tài sản gian dối, giàu bất minh thì cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc xử lý ngay” - vị này nhấn mạnh.
Kê khai tài sản cả người thân cận Việc phòng, chống tham nhũng chỉ có hiệu quả khi xử lý từ gốc, kiểm soát ngay từ đầu. Theo tôi, việc kê khai tài sản chỉ nên tập trung vào cán bộ cấp cao và những ngành có nhiều rủi ro gây tham nhũng. Bởi nhìn lại các trường hợp cán bộ lộ ra tài sản rất nhiều thì chỉ là cán bộ cấp cao chứ không phải là ông trưởng phòng hay ông vụ trưởng… Nghĩa là chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng cán bộ cấp cao, những người có cơ hội, có điều kiện tham nhũng. Mở rộng việc kê khai tài sản ra hơn 1 triệu cán bộ, công chức như hiện nay thì không bao giờ giải quyết được vấn đề gì cả. Việc kê khai tài sản, thu nhập cũng không chỉ tập trung vào cán bộ đó mà còn phải tập trung vào những người thân cận nhất của họ như vợ/chồng, con. Mặt khác, việc kê khai tài sản, thu nhập này phải công khai cho báo chí và công chúng biết, làm tai mắt giúp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, cần sửa đổi một số quy định về hình sự theo hướng cán bộ, công chức sẽ bị ràng buộc khi không thể giải thích được tài sản của họ. Ở một số nước, nếu là tài sản bất minh thì dù có về hưu hay chưa, khi bị phát hiện, họ đều phải chịu trách nhiệm về hình sự. Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia Ngân hàng Thế giới |
Theo Pháp luật TP.HCM