Hang động núi lửa Đắk Nông sẽ trở thành công viên địa chất

Thứ bảy, 27/12/2014, 10:54
"Khu vực hang động núi lửa vùng Krông Nô hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập công viên địa chất cấp quốc gia và hướng đến xây dựng phát triển Công viên Địa chất toàn cầu".

Hang động núi lửa Đắk Nông sẽ trở thành công viên địa chất

Hang động núi lửa Đắk Nông sẽ trở thành công viên địa chất

Các nhà khoa học mới khảo sát được 3 hang trong tổng số hàng chục hang của quần thể núi lửa - ảnh: Các nhà khoa học cung cấp.

Đây là chia sẻ của ông La Thế Phúc – Giám đốc Bảo tàng Địa chất tại buổi họp ngày 26/12 công bố kết quả khảo sát hang động núi lửa tại khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Tổng thư ký UNESCO Việt Nam cho rằng, quần thể hang động núi lửa tại Đắk Nông có đầy đủ tiềm năng để được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Hàng năm, UNESCO đều dành nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ các quốc gia xây dựng các dự án trình UNESCO, trong đó có các dự án công viên địa chất.

Cụ thể, theo ông Phúc khu vực Krông Nô có 5 điểm phát hiện khảo cổ, một di sản văn hoá thế giới (Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên), một di tích cấp quốc gia đặc biệt (Đường mòn Hồ Chí Minh), 6 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh.

Ngoài ra, nơi đây còn có khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp với cả nghìn loài động thực vật, trong đó có hơn 100 loài động thực vật trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Ông Trần Phương – Phó bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông nhận định, khu vực hang động núi lửa vùng Krông Nô có kiến tạo khá đặc biệt, đa dạng về địa chất, sinh học, lịch sử, văn hoá xã hội.

Do vậy nơi đây sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển thành Công viên địa chất cấp quốc gia, hướng đến xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu.

Hang động núi lửa Đắk Nông sẽ trở thành công viên địa chất

Với kiến tạo đặc biệt về địa chất, sinh học, khu vực này sẽ được phát triển để xây dựng công viên địa chất - ảnh: Các nhà khoa học cung cấp

"Tỉnh đã giao Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch phối hợp với Bảo tàng địa chất Việt Nam triển khai Đề án điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô để báo cáo Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan. Đồng thời, tỉnh cũng thống nhất bổ sung hang động núi lửa khu vực Krông Nô vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 và định hướng tới năm 2020 để kêu gọi các nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch”, ông Phương nói.

Việt Nam sở hữu top 5 hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á

Ông Nguyễn Văn Thuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam cho hay, quá trình khảo sát cho thấy, liên quan tới núi lửa Chư B’Luk (xã Buôn Choah), đã phát hiện có hàng chục hang động trong đá bazan rất độc đáo.

Hiện, các nhà khoa học đã khảo sát chi tiết được 3 hang động (ký hiệu C3, C7, A1). Trong đó, hang động C7 là hang núi lửa dạng ống có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á (1066,5m), hang C3 có chiều dài đứng thứ hai và hang A1 có chiều dài đứng thứ 5.

Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm.

Hang động núi lửa Đắk Nông sẽ trở thành công viên địa chất

Ngay từ ngày mai 27/12 các nhà khoa học sẽ tiếp tục bắt tay vào khảo sát địa chất, địa mạo, cũng như đa dạng sinh học của khu vực - ảnh: Các nhà khoa học cung cấp

Trong lòng các hang C7, C3, A1 đều có đặc điểm như lòng hang hình ống, trên tường có thạch nhũ dung nham, các kệ nham thạch, những dấu vết nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang thể hiện mức dung nham và hướng của dòng nham thạch. Sự có mặt của khuôn cây nham thạch ở trên hoặc trong hang đã chứng tỏ sự hiện diện của một khu rừng khi núi lửa phun trào hoặc dung nham trào ra.

Ông Hiroshi Tachihara – Chủ tịch danh dự Hội hang động núi lửa Nhật Bản cho biết: “Năm 2007, chúng tôi đã khảo sát hoạt động núi lửa tại 26 nước. Khi phát hiện ra hang động núi lửa ở Việt Nam, chúng tôi rất ngạc nhiên. Quả thực chúng tôi không nghĩ ở Việt Nam cũng có hoạt động núi lửa”.

Hang động núi lửa ở Đắk Nông rất đẹp, nếu so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Nhật Bản có nhiều hang chưa đạt được độ dài như vậy. Cách hình thành hang động núi lửa ở Việt Nam cũng rất đặc biệt, hình thù dòng dung nham khác ở Nhật, có lẽ là do điều kiện thời tiết, địa chất khác biệt, ông Tachihara cho biết thêm.

Vẫn theo các nhà khoa học, quanh miệng núi lửa Chư B’Luk vẫn còn nhiều khu vực chưa tiến hành khảo sát và khám phá. Có khả năng còn nhiều hang động núi lửa khác nằm trong hệ thống này chưa được phát hiện.

Cũng theo ông Phúc, trong thời gian tới, Bảo tàng Địa chất và Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác khảo sát chi tiết, đo đạc các thông số của hang động, đặc điểm phân bố cũng như cơ chế thành tạo của chúng, đồng thời đánh giá tổng thể các giá trị liên quan. Cụ thể, sẽ khảo sát, điều tra chi tiết các hang động núi lửa khác ở gần khu vực miệng núi lửa Chư B’Luk.

Năm 2014-2015, việc khảo sát sẽ thực hiện ở các hang nằm giữa hang C7 và C8; đo vẽ chi tiết các hang C8, C6, C1… Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, quản lý và khai thác, phát triển du lịch liên quan đến hệ thống hang động ở đây.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích