Đó là câu chuyện cảm động của chị Nguyễn Thị Mỹ (31 tuổi, trú tại quận Bình Tân, TP.HCM). Nhìn gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười nói bi bô của trẻ nhỏ, ít ai nghĩ rằng anh chị đã trải qua biết bao sóng gió để có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Nước mắt ngày vu quy
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Mỹ ngậm ngùi nhớ lại khoảng thời gian cách đây 6 năm trước. Lúc đó, anh Thép (31 tuổi, chồng chị Mỹ) là một chàng trai gốc Sài thành, đẹp trai, khỏe mạnh. Còn chị là cô gái xinh xắn, năng động từ Đồng Nai lên Sài Gòn lập nghiệp. Cả hai gặp nhau trong buổi tiệc cưới của người bạn. Anh Thép làm phụ rể, chị Mỹ làm phụ dâu.
Như một định mệnh, họ đều yêu nhau từ ánh mắt đầu tiên. Sau đó, anh Thép xin số điện thoại và chủ động “cưa” chị. Sau một năm tìm hiểu, hai người cũng chính thức đến với nhau trong sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, bạn bè.
Yêu nhau được một thời gian, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Chị Mỹ chia sẻ: “Lúc đó, tôi hạnh phúc lắm. Cứ nghĩ mình sắp được lên xe hoa là tôi chẳng thể nào ngủ được. Tâm trạng vừa háo hức, vừa hồi hộp chờ ngày trọng đại nhất cuộc đời mình”.
Thế nhưng, số trời trêu ngươi, lễ cưới mà chị hằng đêm mong ước đã không diễn ra. Còn khoảng vài giờ trước lễ cưới, đang ngồi trang điểm thì chị nhận được điện thoại thông báo anh Thép bị trúng gió và đang cấp cứu tại bệnh viện. Chị vội vã tìm đến, trong lòng thầm cầu nguyện anh sẽ tỉnh lại để kịp lễ cưới. Nhưng mọi hy vọng dường như dập tắt bởi bác sĩ thông báo, anh Thép bị đột quỵ do vỡ mạch máu não và có nguy cơ bại liệt suốt đời.
Nhìn anh Thép nằm trong phòng bệnh, lòng chị đau thắt, nước mắt cứ chực trào ra. Mọi hy vọng, ước mơ về tương lai phía trước của thiếu nữ đều tan vỡ. “Lúc đó, tôi không còn để ý mọi chuyện xung quanh nữa. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, với tôi, cả thế giới dường như bao phủ một màu u ám, tất cả đều chìm trong sự im lặng đáng sợ, chỉ còn tiếng thở nặng nề của anh vang lên từng hồi”.
Chị Mỹ bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn lúc trước.
Chị trở về nhà trong trạng thái hoảng loạn, tâm trạng rối bời. Sau khi cha mẹ và bạn bè chị biết tin, họ đã khuyên chị nên đi tìm một tình yêu mới. Họ nói rằng, nếu cứ tiếp tục hy vọng vào anh Thép, chị sẽ khổ suốt đời.
Sau hai đêm thức trắng suy nghĩ, chị Mỹ lẳng lặng lấy cặp nhẫn mà anh chị dự định trao nhau trong ngày cưới đến bệnh viện. Anh Thép vẫn nằm đó, hơi thở yếu ớt, mắt nhắm nghiền vì mới trải qua ca phẫu thuật não.
Chị đến bên giường bệnh, nước mắt lăn dài trên má, đôi mắt đỏ quạch vì nhiều đêm không ngủ, chị ôm anh và nói với cả gia đình: “Con biết mọi người muốn tốt cho con, muốn con có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng đời này con chỉ yêu mỗi mình anh, yêu anh hơn cả chính bản thân mình. Có lẽ, khi tỉnh dậy anh sẽ tàn phế hoặc có thể không sống được nữa nhưng con chấp nhận tất cả”.
Vừa nói, chị vừa rút chiếc nhẫn cưới, đeo một chiếc vào tay anh Thép và một chiếc vào tay mình trong nỗi lo lắng của gia đình.
Thế là chị Mỹ và anh Thép chính thức trở thành vợ chồng trong hoàn cảnh trái ngang như vậy, khác xa so với đám cưới mà chị hằng mơ mộng. “Đúng là lúc đó tôi rất buồn, tôi đã khóc rất nhiều khi gia đình và bạn bè đều không ủng hộ, thậm chí có người còn nói lời cay độc. Nhưng, tôi vẫn thấy hạnh phúc vì cuối cùng cũng được ở bên người mình yêu”.
Hạnh phúc nhọc nhằn
Sau khi tỉnh lại, anh Thép bị liệt toàn thân. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải dựa vào chị Mỹ. Trước cái nhìn ái ngại của mọi người khi thấy một người phụ nữ phải chăm sóc cho người đàn ông bại liệt, chị Mỹ vẫn vững một niềm tin, niềm tin về một ngày anh Thép sẽ cảm nhận được tình thương của vợ mà khỏi bệnh, trở lại bình thường. Thế nhưng, cuộc đời không giống như giấc mộng, mọi chuyện khó khăn gấp bội so với suy nghĩ của chị.
Thời gian đầu, không những chị Mỹ hằng ngày phải lo ăn uống, vệ sinh mà còn phải đối mặt với những cơn động kinh của anh. Nhiều lúc, trong cơn đau đớn vật vã, anh Thép muốn chị ly hôn, tìm kiếm hạnh phúc để khỏi phí tuổi thanh xuân nhưng chị vẫn một lòng, một dạ lo cho chồng. Nhìn anh co quắp, cơ thể cứng đơ, trào bọp mép, chị chỉ biết ôm anh vào lòng. Chị bảo, lúc đó bản thân như đứt từng khúc ruột, ước gì mình có thể gánh chịu mọi nỗi đau đớn giúp anh.
Chị Mỹ phải dạy lại cho anh Thép cách nhận biết mọi sự vật xung quanh. “Tôi đến với anh như cái duyên, cái phận. Ông tơ bà nguyệt đã cột chúng tôi với nhau rồi thì làm sao mà dứt ra được. Có lẽ ông trời có mắt, nên mọi cố gắng của tôi đều đã được đền đáp”.
Thời gian trôi qua, sức khoẻ của anh Thép cũng dần khá hơn. Nhưng anh vẫn không nói tròn chữ được, ý thức như trẻ con 3 tuổi. Chị Mỹ kể, lúc đó ngoài thời gian giúp anh vật lý trị liệu, chị còn dạy anh từng con chữ, cách nhận biết sự vật xung quanh.
Qua một năm, nhờ sự nỗ lực, kiên trì cùng tình thương của người vợ dành cho mình, anh Thép cũng đã tỉnh táo trở lại nhưng chân trái và tay trái vẫn còn cử động khó khăn. Niềm hạnh phúc với gia đình chị Mỹ được nhân đôi khi đứa con trai kháu khỉnh ra đời. Anh Thép cũng đã dứt hẳn các cơn động kinh và đã có thể làm được những việc nhẹ trong gia đình.
Anh Thép đang trong quá trình dần hồi phục, mặc dù còn yếu, nhưng anh có thể sửa được máy móc, kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhỏ của mình. |
Ba năm trôi qua, trải qua biết bao sóng gió, cuối cùng gia đình chị Mỹ đã tìm được hạnh phúc thật sự. Để có được hạnh phúc này, chị Mỹ đã phải cố gắng và hy sinh rất nhiều, khuôn mặt xinh đẹp ngày nào giờ đã hằn lên nét khắc khổ.
“Tôi không hối hận khi quyết định thành vợ thành chồng với anh. Với tôi, anh là người đàn ông tuyệt vời nhất, một người chồng, người cha mẫu mực. Bây giờ, nếu cho chọn lại, tôi vẫn sẽ quyết định như vậy. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, chị Mỹ nói trong niềm hạnh phúc.
Đến nay, cu Bi đã được 18 tháng tuổi. Đứa con trai này là một trong những động lực khiến anh Thép phục hồi nhanh hơn.
Gia đình nhỏ của chị Mỹ hiện tại. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng anh chị vẫn kiên định tin tưởng, hướng về tương lai tốt đẹp phía trước. |
Theo Trí thức trẻ