Những ngày đầu đông, từng cơn gió mạnh thốc vào chiếc thuyền nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (76 tuổi) dựng tạm trên sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội). Suốt 45 năm qua, hai ông bà sống lay lắt khắp phố phường Hà Nội với nghề nhặt rác, phế liệu.
Hơn 40 năm qua, ông Thành và bà Thủy sống trôi dạt ở Hà Nội.
Ngồi co ro trong chiếc thuyền nhỏ và cũng là mái ấm che mưa che nắng của mình, ông Thành hướng ánh mắt đăm chiêu về phía người vợ của mình rồi kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình trớ trêu đầy bi, hài của vợ chồng ông.
Ông Thành cười khi kể về ngày "nhặt" được vợ.
Vốn quê ở Thanh Hóa nhưng ngay từ khi hơn 10 tuổi, ông Thành đã phải chịu cảnh mồ côi khi cha mẹ mắc bạo bệnh qua đời. Không anh em, họ hàng thân thích, cậu bé Thành khi ấy sống lang thang khắp các ngả đường, xó chợ, từ đi ăn xin, đến rửa bát đũa, làm thuê… để nuôi sống bản thân.
Năm 16 tuổi, người thiếu niên bơ vơ ấy tìm đường ra Hà Nội rồi được một phụ nữ không con cái nhận làm con nuôi nhưng được vài năm sau thì người này bệnh tật rồi qua đời. Ông Thành khi ấy lại sống trong cảnh không người thân, ai thuê gì làm nấy, đi khắp phố phường Hà Nội kiếm sống.
Bao năm qua, ông bà vẫn luôn chăm sóc cho nhau chu đáo.
Một mình sống cô đơn, tình cờ ông Thành gặp rồi nên duyên cùng bà Thủy (quê ở Thái Bình), người con gái cùng cảnh ngộ như mình, không họ hàng thân thích. Ông vẫn nhớ như in ngày mình “nhặt” được vợ.
Vợ chồng ông Thành - bà Thủy dựa vào nhau sống qua ngày trên chiếc thuyền dựng tạm ở sông Hồng.
“Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tình cờ gặp bà ấy, đó là là ngày 26 tháng 9 năm 1969 khi tôi đang đi lang thang ở ga Hà Nội thì thấy bà ấy nhặt những hạt gạo người ta đánh rơi ở sau ga cho vào ống bơ để nấu. Tôi liền lại hỏi han rồi nghe bà ấy chia sẻ hoàn cảnh không người thân thích, sống lang thang ở Hà Nội.
Lúc đó, tim tôi bồi hồi đến lạ. Trái tim như mách bảo tôi mạnh dạn thổ lộ: Cô về ở với tôi đi, rồi cùng nhau mò cua bắt ốc sống qua ngày”, ông Thành nhìn người vợ già mỉm cười ngại ngùng khi nhớ lại lần gặp lần đầu tiên ấy.
Vài năm trở lại đây, do sức khỏe yếu, bà Thủy chỉ quanh quẩn dọn dẹp cơm nước.
Sau ít phút bối rối, ông Thành vui mừng khi nhận được cái gật đầu của người con gái khổ cực cùng cảnh ngộ. “Lúc đầu nghe ông ấy nói vậy, tôi cũng ngần ngại vì không biết ông ấy có thật lòng hay không. Nhưng khi nhìn ánh mắt ông ấy, tôi cảm thấy tin tưởng và quý mến nên đã đồng ý, rồi hai đứa dắt tay nhau về thổi lửa nấu cơm chung”, bà Thủy cười trong nước mắt.
Con thuyền chật hẹp chứa nhiều đồ dùng và cả nước sinh hoạt được người dân mang cho.
Về ở chung với nhau được một thời gian trong cảnh đói khổ, bom đạn bắn phá miền Bắc dữ dội nên hai ông bà kéo nhau lên Lào Cai – Yên Bái dựng lều ở và sống bằng nghề hái măng rừng, đốn củi bán lấy tiền đong gạo.
“Khi hòa bình lập lại, chúng tôi bàn nhau về Hà Nội. Rồi cứ thế, hai vợ chồng lang thang đi khắp phố phường nhặt phế liệu, lấy ống bơ cho gạo vào nấu cơm ăn. Tối thì ngủ vỉa hè. Tuy nghèo khổ nhưng lúc nào chúng tôi cũng vui vì được quan tâm, chia sẻ với nhau”, ông lão kể.
Ông Thành lội xuống sông vớt thùng phuy trôi dạt gần bờ để bán lấy tiền đong gạo.
Sống cảnh ở đường, ở chợ khổ cực ông bà lại xin lên Ba Vì (Hà Tây cũ - PV) vào trại giáo dưỡng rồi đi bốc mộ giúp người ta. Được gần 20 năm thì người ngoại tỉnh không phải hộ khẩu ở Hà Nội phải về quê mình sinh ra nên ông bà lại về Hà Nội, sống lang thang với nghề nhặt sắt vụn.
Chỉ vào chiếc thuyền bé dựng tạm bợ trên sông Hồng, ông Thành xúc động kể: “Thấy cuộc sống của vợ chồng tôi lang thang, lúc thì dựng lều ở dưới gầm cầu, lúc thì ở tạm dưới bãi sông nên nhiều người thương tình góp tiền mua cho cái thuyền này để ở những lúc mưa gió”.
Hằng ngày, bà Thủy chăm sóc cho hai chú chó cưng được người dân đem cho, bà luôn coi chúng như con mình.
Bà Thủy tận dụng bãi đất trống trồng lấy rau ăn.
Chiếc thuyền nhỏ là nơi ông bà sinh sống được suốt gần bốn năm qua. Hằng ngày, để có tiền trang trải cho cuộc sống, cứ chiều đến, ông Thành lại đạp xe đi khắp phố phường nhặt sắt vụn đến mờ sáng hôm sau mới về bán lấy tiền đong gạo, mua ít thịt mỡ và chai nước mắm. Mỗi ngày như vậy, ông kiếm được 20 – 30 nghìn đồng, đủ để ông bà chi tiêu tằn tiện, sống qua ngày. Bị bệnh thấp khớp nên nhiều năm qua, bà Thủy chỉ quanh quẩn ở nhà trồng vài luống rau để ăn.
Nói về chuyện con cái, ông Thành thật thà tâm sự: "Hai vợ chồng tôi rất muốn có mụn con nhưng cũng chẳng được nên đành thôi. Mỗi khi trời tối, nhìn thấy các gia đình quần tụ bên nhau vui vẻ ăn cơm tối, chúng tôi thích lắm, nghĩ đến hoàn cảnh mình lại thấy buồn và tủi".
Ông Thành cũng cho biết thêm, hơn 20 năm qua, ông không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu xác chết trôi trên sông, cứu bao linh hồn bơ vơ trong giá lạnh. Những cái xác vô danh, không gia đình, ông bàn giao lại cho cơ quan pháp y.
“Mình làm lấy phúc thôi. Được cái ơn trời, bao năm qua dầm mưa dãi nẳng khổ cực nhưng tôi không ốm đau gì cả, nếu không thì cũng chẳng biết lấy đâu tiền chữa trị”, ông Thành thật thà nói.
Hai ông bà mơ ước có chút tiền sửa sang nhà thuyền kiên cố hơn để yên tâm mỗi khi mưa bão.
Thấy chiếc thùng phuy trôi dạt gần bờ sông, ông Thành lại cởi áo lội xuống gồng mình đẩy lên. “Ơn trời, hôm nay nhặt được cái này bán sắt vụn chắc cũng được vài chục nghìn lấy tiền đong gạo”, ông lão cười nói.
"Tôi chỉ mong dành dụm được ít tiền sửa sang lại thuyền cho kiên cố để ở mỗi khi mưa bão. Thuyền này ở được 2, 3 năm mà không sửa chữa là hư hết. Lúc đó, hai vợ chồng già cũng chẳng biết đi đâu nữa", ông Thành mong ước.
Theo Trí thức trẻ