Từ buôn làng tới học bổng thạc sĩ tại Mỹ

Thứ ba, 25/11/2014, 09:18
Có một chàng trai Gia Rai đã hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Hoa Kỳ bằng học bổng.

Siu Hrill (thứ hai từ trái qua) và các thành viên tại lớp học dệt thổ cẩm ở làng Kép (TP Pleiku, Gia Lai) - Ảnh: B.D.

Vào ĐH đã được coi là niềm mơ ước của những học trò người Gia Rai, Ba Na... ở làng Brel (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai). Nhưng có một chàng trai Gia Rai đã hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Hoa Kỳ bằng học bổng.

Chàng trai ấy là Siu Hrill - hiện là nhân viên một công ty lữ hành tại TP.HCM.

Vừa đi làm rẫy, vừa học tiếng Anh

Siu Hrill cho biết gia đình nghèo nên từ nhỏ anh đã phải vất vả. Khi học THCS, ngoài giờ học chàng học trò nghèo phải lang thang tới các công trình xây dựng để xin làm phụ hồ.

Ngày lên lớp 9, nhiều bạn bè đã chuyển sang học nghề để rút ngắn thời gian thì Hrill lại mang giấc mơ lớn hơn: sẽ học qua lớp 12 để thi thẳng vào ĐH. Nhưng nhà quá nghèo, làm gì để đi hết ba năm còn lại? Hrill về làng hỏi ý kiến cha mẹ.

Nghe con trình bày, bố mẹ của Hrill chỉ ngồi thở dài. Nhưng chàng học trò Gia Rai vẫn quyết liệt: sẽ tự đi học, tự kiếm sống.

Điều bất ngờ ở Hrill là học rất giỏi ngoại ngữ. Khi học THPT anh đã có bằng C tiếng Anh. “Từ nhỏ đến lớn mộng lớn nhất của mình là được đi đây đó, được ra nước ngoài nên mình tập trung nhiều thời gian cho việc học tiếng Anh” - Hrill nói và cho biết gần như tất cả thời gian rảnh rỗi sau giờ học chính, lúc đi phụ hồ, anh đều tập trung cho việc ôn luyện kỹ năng tiếng Anh.

Đến thạc sĩ tại Hoa Kỳ

Kỳ thi đại học năm 2003, Hrill nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành quản trị lữ hành (Trường ĐH Đà Lạt). “Lúc mình nói đi ra thành phố học ĐH, cả mẹ và em mình đều khóc. Ai cũng sợ mình ra thành phố rồi không biết xoay xở thế nào, học hành ra sao... nhưng mình vẫn im lặng cầm giấy báo lên đường”.

Hrill cho biết những ngày đi học ĐH, anh đã kết nối được với các đơn vị làm du lịch, các nhóm hướng dẫn viên chuyên đưa đón người nước ngoài đi du lịch khám phá. Bằng vốn ngoại ngữ của mình, Hrill trở thành thành viên đắc lực, đưa đón du khách để lấy tiền ăn học.

Năm 2007, Hrill tốt nghiệp Đại học Đà Lạt và được nhận vào làm việc cho một công ty lữ hành tại TP.HCM. Thời gian này Hrill thường xuyên đưa đón du khách về buôn làng của mình. Du khách nước ngoài tỏ ra hào hứng với nghề dệt thổ cẩm, với buôn làng Gia Rai, Ba Na hoang sơ.

Trong thâm tâm, Hrill vẫn mong muốn một ngày nào đó được trở về những ngôi làng nơi mình sinh ra, dùng hiểu biết của mình để thực hiện một dự án phát triển cộng đồng, hỗ trợ người dân lưu truyền những bản sắc truyền thống vốn có. Hrill bàn với một người bạn rồi cùng bắt tay vào viết dự án “Bảo tồn di sản nghệ thuật văn hóa phi vật thể của dân tộc Gia Rai”.

Bài luận được gửi đến một tổ chức tại TP.HCM và nhanh chóng được chuyển tới ĐH Hawaii (Hoa Kỳ). Chỉ mấy tháng sau, Hrill nhận được tin vui: các giáo sư ở Trường ĐH Hawaii đã đồng ý nhận chàng trai Gia Rai vào học chương trình đào tạo thạc sĩ tại ngôi trường này.

Năm 2010 Hrill hoàn thành xong chương trình thạc sĩ và trở về nước làm việc. Dù tiếp tục với công việc của mình tại TP.HCM nhưng Hrill cùng bạn bè vẫn dành nhiều thời gian để về làng, tìm cách liên hệ với các tổ chức xin dự án tài trợ cho công tác phát triển cộng đồng, khôi phục bản sắc dân tộc. Hrill còn tham gia dịch thuật các tài liệu văn hóa từ tiếng Gia Rai qua tiếng Anh.

Năm 2012, chúng tôi tình cờ gặp Vincezo Della Ratta - nghiên cứu sinh người Ý - đang lang thang trên các buôn làng ở Tây nguyên để hoàn thành luận án về cồng chiêng Tây nguyên. Siu Hrill cũng chính là người bạn - trợ lý nghiên cứu cho tiến sĩ trẻ người Ý này trong những ngày vào buôn làng.

Hiện tại, Siu Hrill thường xuyên về làng Kép (TP Pleiku, Gia Lai) để phụ trách lớp truyền dạy nghề truyền thống. Hrill cho biết mong muốn lưu giữ lại các nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai, anh cùng một người từng học thạc sĩ đã liên hệ với Quỹ Bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian thuộc Trung tâm Trao đổi giáo dục với VN (tổ chức phi chính phủ) để đơn vị này nhận tài trợ cho lớp học.

Theo TTO

Các tin cũ hơn