Trước đó, trong phần tranh luận, Viện kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án đối với Huỳnh Thị Huyền Như, điều tra thêm tội Tham ô tài sản và xem xét việc Vietinbank phải trả cho 5 doanh nghiệp: Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc, Công ty Hưng Yên, Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank-Berjayan tổng cộng 1.085 tỷ đồng.
Huyền Như được đưa đến phiên tòa.
Luật sư bào chữa của 5 doanh nghiệp này đồng tình với đề nghị của VKS cho rằng, bản án sơ thẩm có nhiều sai lầm đối với năm doanh nghiệp này. Họ khẳng định, các doanh nghiệp không có lỗi trong việc bị Huyền Như chiếm đoạt tiền. Trong vụ việc này, 5 doanh nghiệp chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Thực chất, Vietinbank mới là bị hại và người gây ra mọi chuyện chính là Huyền Như.
Các luật sư đưa ra hàng loạt luận điểm chứng minh việc cấp sơ thẩm kết luận Vietinbank không phải bồi thường cho 5 doanh nghiệp là sai. Ngược lại, các luật sư đề nghị hủy bản án đối với các doanh nghiệp này để thay đổi tội danh, điều tra lại đối với Huyền Như.
Tại phiên tòa phúc thẩm, cả hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank đều không đồng tình với quan điểm của VKS và cho rằng, không có cơ sở buộc Vietinbank phải trả 1.085 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp này.
Luật sư Vietinbank trình bày, Huyền Như chỉ là nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động, không có bất kỳ chức vụ gì. Cả 5 doanh nghiệp này cũng như hai ngân hàng ACB, Navibank gửi tiền nhưng Vietinbank không hề biết khoản “hoa hồng” thỏa thuận ngầm giữa Huyền Như và những đơn vị này. Từ đó, luật sư cho rằng, ở đây, Vietinbank không có lỗi.
Giống phiên tòa sơ thẩm, luật sư của Vietinbank lập luận, Huyền Như có ý định chiếm đoạt tài sản của 5 doanh nghiệp này cũng như hai ngân hàng ACB, Navibank ngay từ đầu. Để thực hiện ý định của mình, Như đã móc nối với nhân viên của các đơn vị này, “chi” một số tiền lớn để dẫn dụ các công ty chuyển tiền vào tài khoản và sau đó chiếm đoạt.
Luật sư cho hay, việc VKS tối cao đề nghị hủy một phần bản án, điều tra Huyền Như về tội danh Tham ô tài sản, buộc Vietinbank phải trả tiền là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi sau phiên tòa sơ thẩm, Huyền Như không kháng cáo, VKS sơ thẩm không kháng nghị. Điều này đồng nghĩa bản án đối với Như đã có hiệu lực pháp luật.
Từ những điều đã trình bày, vị luật sư cho biết, Vietinbank không chấp nhận quan điểm của VKS. Đồng thời, Vietinbank cũng không đồng tình với lập luận của ACB và Navibank yêu cầu trả tiền.
Huyền Như trong phiên tòa phúc thẩm.
Hôm nay (26/12) phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bào chữa của luật sư thứ hai đại diện cho Vietinbank.
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán.
Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền... để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.
Theo Khám phá