Đòi nhà đã mua của “siêu lừa”
Sáng 23/12/2014, phiên tòa xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm bước sang ngày thứ bảy. Bà Vũ Thị Kim Thịnh (SN 1982, TP.HCM) được mời lên thẩm vấn vì trước đó đã có kháng cáo xem xét việc trả lại căn nhà ở khu chung cư Orient Apartment (quận 4).
Bà Thịnh cho hay, căn nhà này, trước đây Như mua với số tiền 2,6 tỷ đồng. Bà chấp nhận mua lại căn nhà này với giá 2,7 tỷ đồng, vì ngoài số tiền gốc, còn có thêm một số tiền phát sinh khác.
Bà Thịnh cho hay, căn nhà này của Như nhưng được chị gái là Huỳnh Mỹ Hạnh đứng tên. Bà Thịnh mua từ tháng 9/2010 và đã chuyển khoản ngân hàng số tiền. Đến nay, bà vẫn chưa được đứng tên bất động sản này. Mặc dù vậy, khi được hỏi, bà thừa nhận, việc mua bán không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh.
Huyền Như đã đẩy khá nhiều người vào con đường khốn cùng.
Viện kiểm sát nhẹ nhàng phân tích: “Việc chuyển khoản ngân hàng không có nội dung chưa phản ánh lên được sự việc. Do đó, việc bà chuyển khoản nhưng không có giấy tờ khác chứng minh thì cũng chưa đầy đủ chứng cứ pháp lý thể hiện được việc mua bán nhà”. Ngoài ra, kiểm sát viên cũng cho hay, giữa bà Thịnh với Huyền Như, ngoài quan hệ mua bán căn nhà còn có mối quan hệ khác.
Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra đã tìm ra bốn căn hộ số 14B1, 15B1, 16B1 và 17B1 tại khu chung cư Orient Apartment do Hạnh đứng tên trên bốn hợp đồng hứa mua, hứa bán. Hạnh đứng tên bốn căn hộ này cho Như và đã thanh toán gần 9,9 tỷ đồng, còn lại hơn 510 triệu đồng chưa thanh toán. Căn nhà mà bà Thịnh yêu cầu xem xét thuộc một trong bốn căn hộ này.
Vẫn khăng khăng đòi biệt thự cho mẹ
Cũng trong phiên tòa sáng nay, HĐXX đã hỏi đến căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), được định giá 43 tỷ đồng. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi, Huyền Như được cho là đã lừa đảo 4.000 tỷ đồng, nhưng khi nhận mức án chung thân, bị cáo này đã viết đơn kháng cáo “xin” lại căn biệt thự này cho mẹ.
Ngoài ra, mẹ của Như là bà Nguyễn Thị Lang cũng có đơn yêu cầu xem xét trả lại căn biệt thự này cho mình. Bởi, bà cho rằng, mình mới chính là người đứng tên sở hữu của căn biệt thự.
Bà Lang trong một lần đến tòa.
Khi tòa yêu cầu bà Lang lên trả lời thẩm vấn về bất động sản này thì bà không có mặt. Ngay sau đó, tòa chuyển sang thẩm vấn Huyền Như. Như nhắc lại thỉnh cầu của mình: “Bị cáo không kháng cáo mà xin lại căn nhà cho mẹ”.
Vị chủ tọa hỏi: “Căn nhà này ai là người đứng tên?”. Huyền Như: “Mẹ bị cáo?”. Chủ tọa: “Nhà của mẹ bị cáo tại sao bị cáo lại đem bán?”. Huyền Như: “Bị cáo không bán, chỉ là đem đi thế chấp cho người cho vay tiền”. Chủ tọa: “Đã thế chấp sao lại còn đòi lại?”. Huyền Như im lặng.
Vị chủ tọa cho biết, do bà Lang vắng mặt nên HĐXX sẽ xem xét kháng cáo đòi căn biệt thự này dựa trên đơn kháng cáo của bà.
“Siêu lừa” lấy tiền túi trả lãi cho Navibank
Sáng 23/12, HĐXX cũng quay lại xét hỏi về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank). Ông Đoàn Đăng Luật (cựu Trường phòng nguồn vốn Navibank) cho biết, lãnh đạo ngân hàng này có quyết định cho nhân viên làm hợp đồng gửi tiền sang Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để lấy lãi. Lãi suất huy động vốn thông qua 14 nhân viên của ngân hàng này theo thỏa thuận là 14% một năm.
Hồ sơ vụ án xác định số tiền lãi suất ngoài hợp đồng là 9,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Luật phủ nhận số tiền này của Huyền Như. Ông xác định, số tiền này là của Võ Anh Tuấn, trả từ hợp đồng huy động vốn.
Huyền Như "yên vị" trên xe về trại tạm giam.
Anh Tuấn được gọi lên đối chất khẳng định: “Lời khai của ông Luật là không chính xác. Bị cáo không biết về số lãi suất ngoài hợp đồng”.
Như được gọi lên trả lời thẩm vấn. Như khai, thông qua ông Luật để thống nhất hợp đồng. Lãi suất ngoài hợp đồng, bị cáo này nhờ Trần Thị Tố Quyên giao cho ông Luật. “Số tiền ngoài hợp đồng, bị cáo lấy tiền túi trả cho ngân hàng Navibank.
Bị cáo Quyên cũng thừa nhận: “Đúng là có chuyện Như chỉ đạo bị cáo mang tiền giao cho ông Luật. Bị cáo không nhớ là bao nhiêu lần nhưng giao nhiều lần. Số tiền này lấy từ công ty Hoàng Khải (công ty của Như)”.
Đến lúc này, ông Luật thừa nhận có nhận tiền từ nhân viên của Vietinbank nhưng vẫn khăng khăng cho rằng: “Người đưa tiền lãi ngoài hợp đồng là do Võ Anh Tuấn cử tới”.
Phiên tòa sáng 23/12 kết thúc với câu hỏi của của chủ tọa nhưng không được đại diện Navibank trả lời: “Gửi tiền vào Vietinbank với mục đích gì?”.
Chủ tọa cho biết, chiều 23/12 tòa tạm nghỉ, sáng nay (24/12) bắt đầu bước vào phần tranh luận.
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền... để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân. |
Theo Khám phá