Theo tờ The Independent (Anh), sau hàng tháng đàm phán với các thủ lĩnh IS, phóng viên Đức Jürgen Todenhöfer (74 tuổi) đã được phép di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Mosul, thành phố lớn nhất đang bị IS chiếm đóng.
Ông Todenhöfer đã chia sẻ câu chuyện "10 ngày sống chung với IS" để bày tỏ những cảm xúc khi ở trong sự quản lý của lực lượng phiến quân này.
Hình ảnh nhà báo Đức Todenhöfer tại Thổ Nhĩ Kỳ. |
Chia sẻ trên website Dertz, ông Todenhöfer cho biết thực tế, ông đã nghỉ đúng khách sạn tại Benghazi nơi nhà báo Mỹ James Foley từng sống. Ông Foley đã bị phiến quân IS ghi lại cảnh hành quyết dã man hồi tháng Tám.
"Dĩ nhiên, tôi đã xem video đó và nó thật tàn nhẫn. Đây cũng là mối quan tâm lớn của tôi trong quá trình đàm phán với IS và để làm sao không bị rơi vào hoàn cảnh tương tự như nhà báo Foley", ông Todenhöfer nói.
Khi tiến vào vùng lãnh thổ do IS kiểm soát, nhà báo Đức cho hay ấn tượng mạnh mẽ nhất của ông chính là "lực lượng IS hùng hậu hơn so với những gì chúng ta tưởng tượng".
Thậm chí, "họ còn chiếm lĩnh khoảng lãnh thổ lớn hơn cả nước Anh. Họ nhận được sự ủng hộ gần như điên dại từ khắp nơi trên thế giới, điều mà tôi chưa bao giờ gặp phải tại chiến trường".
"Mỗi ngày, hàng trăm tay súng muốn chiến đấu từ khắp nơi trên thế giới lại gia nhập đội quân của IS. Tôi không thể hiểu vì sao lại như vậy", ông Todenhöfer chia sẻ.
Ông Todenhöfer đã có cơ hội di chuyển cùng các tay súng IS, quan sát điều kiện sống và những vũ khí mà họ đang sở hữu. Trên tài khoản Facebook của mình, ông Todenhöfer đã cho đăng những hình ảnh các chiến binh IS cầm trên tay chiếc súng máy Heckler & Koch MG3 của Đức. "Một ngày nào đó, có thể những chiếc súng Heckler & Koch MG3 này sẽ chĩa về phía chúng ta", ông Todenhöfer nói.
Ngoài ra, các tay súng IS thường ngủ trong những doanh trại được làm từ chính "những bức tường nhà còn sót lại sau các vụ đánh bom". Họ có khoảng 5.000 người ở Mosul và rải rác đi khắp mọi nơi. Do đó, nếu Mỹ muốn đánh bom tất cả, “chúng sẽ biến toàn bộ thành phố Mosul thành đống đổ nát”.
Theo nhà báo Todenhöfer, mỗi ngày, hàng trăm tay súng trên thế giới lại đổ về đầu quân cho IS. |
Nhà báo Todenhöfer nhấn mạnh điều này có nghĩa là IS không thể bị đánh bại dưới sự can thiệp hay không kích của phương Tây dù tuần trước, Mỹ tuyên bố rằng những hoạt động quân sự đang có hiệu quả. “Cứ mỗi quả bom được thả xuống và rơi trúng một người dân thường, số lượng những tên khủng bố lại tăng thêm”, ông Todenhöfer nói.
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Nachtjournal của kênh truyền hình RTL, diễn ra sau hai ngày ông Todenhöfer trở về Đức tuần trước, nhà báo Đức cho biết IS đang cố gắng hết sức để tự thiết lập một nhà nước cho riêng mình. Họ có “phúc lợi xã hội”, “hệ thống trường học” và ngạc nhiên hơn, họ còn có ý định cho phép các bé gái được đến trường.
Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là các tay súng IS tin rằng “tất cả những tôn giáo ủng hộ nền dân chủ đều phải chết”, Todenhöfer cho hay.
Theo ông, quan điểm này được nhắc lại nhiều lần rằng IS muốn “chinh phục cả thế giới” và tất cả những ai không tin vào cách lý giải kinh Koran của họ đều sẽ bị giết.
“Đây là chiến thuật làm trong sạch tôn giáo lớn nhất từng được lên kế hoạch trong lịch sử loài người”, ông Todenhöfer chia sẻ với RTL.
Ngay sau đó, các tài khoản truyền thông xã hội bị nghi là của IS đã bắt đầu đưa ra những lời bình luận về những thông tin mà nhà báo Todenhöfer cung cấp. Chúng ca ngợi lời bình luận của ông Todenhöfer về việc các phần lãnh thổ của IS đang dần trở thành những xã hội có chức năng.
Charlie Winter, nhà nghiên cứu chống chủ nghĩa cực đoan thuộc Viện chính sách Quilliam, cho biết những lời bình luận về việc IS là “một tổ chức có quân đội và chính trị ghê gớm” thường được các tài khoản ủng hộ IS dẫn lại bởi nó là “một viên thuốc đắng mà các nhà hoạch định chính sách đang phải cố nuốt”.
Tuy nhiên, “những lời bình luận của nhà báo Todenhöfer về vụ thảm sát người Yazidis cũng như việc khiến hàng trăm ngàn người mất nhà cửa ở Mosul thường bị những kẻ ủng hộ IS phớt lờ”, ông Winter nói.
Chia sẻ trên Facebook, ông Todenhöfer cho biết trong suốt 50 năm đưa tin từ chiến trường, ông luôn “nói từ cả hai phía”, bao gồm các cuộc phỏng vấn với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, với al-Qaeda, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và các thủ lĩnh Taliban.
Cũng theo nhà báo Todenhöfer, IS sẽ sớm tiếp cận phương Tây để đàm phán về khả năng cùng tồn tại.
Theo Infonet