Luật sư kêu oan cho Huyền Như
Sáng 25/12/2014, phiên tòa xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận. Ngày 24/12, Viện kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm đối với Như để điều tra thêm tội Tham ô tài sản.
Hôm nay, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Huyền Như không đồng tình quan điểm của Viện kiểm sát. Luật sư cho hay, sau phiên tòa sơ thẩm, Như chấp nhận tội danh cũng như mức án chung thân đã được tuyên. Như không kháng cáo và phía Viện kiểm sát cấp sơ thẩm cũng không có kiến nghị thay đổi tội danh.
Huyền Như thẩn thờ trong phiên tòa.
Ông Ngoan cho rằng, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm đề nghị điều tra thêm tội Tham ô tài sản đã làm xấu đi tình trạng của thân chủ mình. Điều này là không đúng với quy định của pháp luật. Ông khẳng định, việc kiến nghị chỉ được phán quyết khi có quyết định của HĐXX trong phiên tòa này.
Luật sư cho rằng, Viện kiểm sát xác định Huyền Như có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn là không chính xác và tài sản bị cáo này chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý. Phía Vietinbank cũng chưa bao giờ có văn bản quy định trưởng phòng giao dịch phải quản lý tài sản của khách hàng. Từ điều này, ông cho rằng, Huyền Như không phạm tội Tham ô tài sản.
Huyền Như có ý định chiếm đoạt tài sản của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân ngay từ khi thành lập công ty riêng. Bị cáo này cũng có những dấu hiệu đặc trưng trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như giả tên, giả chữ ký, giả con dấu, chi tiền lót tay…
Ông Ngoan đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi của Huyền Như. Lời cuối cùng, ông khẳng định, từ những phân tích của mình cho thấy bị cáo này không phạm tội Tham ô tài sản.
Được mời lên có ý kiến, Huyền Như nhỏ nhẹ: “Bị cáo chỉ xin HĐXX xem xét hành vi của mình. Trong hành vi phạm tội, bị cáo đã dẫn dắt khách hàng. Hành vi này thành công là nhờ có sự đồng thuận của khách hàng. Bản thân bị cáo không có chức vụ, quyền hạn nào để chiếm đoạt tài sản”.
Cảm ơn vì được tặng món quà Giáng sinh tốt lành
Cũng trong phiên tòa sáng nay, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Navibank không đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát cấp phúc thẩm. Luật sư cho rằng, VietinBank đã nhận tiền gửi của 4 nhân viên Navibank một cách hợp lệ, hợp pháp.
VietinBank đã chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm trái pháp luật. VietinBank đã đưa thẻ tiết kiệm vào cầm cố trái pháp luật để bảo đảm tiền vay và đã khấu trừ tiền gửi trái pháp luật chứ không phải là Huyền Như. Và vì thế theo đúng quy định của pháp luật, thì VietinBank, chứ không phải Huyền Như, phải có trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho bốn nhân viên Navibank.
Luật sư này cũng cho rằng, số tiền bốn nhân viên Navibank gửi vào Vietinbank là có hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật, tài khoản thật, hạch toán thật, số dư tài khoản thật…
Huyền Như quay nhìn người thân trước khi cánh cửa xe bít bùng khép lại.
Vietinbank đã nhận tiền của khách hàng, huy động vốn. Tức là Vietinbank đã vay vốn, sử dụng vốn vay của khách hàng. Điều này đồng nghĩa, phải trả nợ gốc và lãi cho người gửi. Việc Huyền Như huy động vốn thì cũng là huy động vốn cho cơ quan mình công tác. Điều này phù hợp với thẩm quyền, chức vụ, quyền hạn của Như tại Vietinbank.
Luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm đối với việc Huyền Như chiếm đoạt số tiền 200 tỷ đồng của Navibank. Bởi theo vị này, Như có dấu hiệu tham ô tài sản trong việc chiếm đoạt số tiền này. Luật sư cũng đề nghị buộc Vietinbank trả lại cho nhân viên 4 ngân hàng Navibank số tiền đã gửi.
Ngược lại với các luật sư này, luật sư đại diện cho 5 doanh nghiệp: Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc, Công ty Hưng Yên, Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank-Berjayan lại đồng tình quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng Huyền Như phạm tội Tham ô tài sản trong việc chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng của các doanh nghiệp này.
Các công ty này yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền này và đề nghị HĐXX xem xét đúng như Viện kiểm sát đề nghị. Đặc biệt, một vị luật sư của 5 doanh nghiệp này cho hay: “Cảm ơn Viện kiểm sát vì đã tặng một món quà Giáng sinh tốt lành”.
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền... để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân. |
Theo Khám phá