Lấy chồng nước ngoài không như là ‘mơ’

Thứ bảy, 27/12/2014, 07:18
Nhiều cô gái sau khi lấy chồng nước ngoài đã cải thiện được cuộc sống của bản thân và kinh tế gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều trường hợp các cô rơi vào những bi kịch của cuộc sống nghèo khó và khó hòa nhập với cuộc sống bản địa, con cái bị phân biệt đối xử.

Khoảng 20 – 30 chục năm trở lại đây, lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… trở thành một phong trào khá phổ biến của phụ nữ Việt. Đầu tiên, hiện tượng này diễn ra rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, sau đó lan ra các tỉnh như Hải Phòng (Đồ Sơn) rồi Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc khác.

Ước vọng cuộc sống đủ đầy

Chưa có con số thống kê đầy đủ về số các cuộc hôn nhân với người nước ngoài thông qua mai mối tại tất cả các nước nhưng theo con số thống kê không chính thức của Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt – Hàn, riêng với Hàn Quốc, hàng tháng có khoảng 500 – 600 cô gái Việt Nam quyết định lấy chồng là người Hàn Quốc thông qua mai mối và xin visa sang nước này định cư.

Thông thường, các công ty môi giới hôn nhân bên Hàn Quốc thu phí 20.000 USD khi môi giới hôn nhân thành công cho một người đàn ông Hàn Quốc. Chính vì khoản phí rất cao này mà mục đích cao nhất được các công ty môi giới hôn nhân đặt ra là môi giới thành công để thu phí mà không mấy quan tâm đến chú rể, cô dâu là người có những điều kiện cần thiết tối thiểu tạo dựng được một cuộc hôn nhân tốt đẹp hay không.

Những yếu tố cần thiết khác trong môi giới như tạo điều kiện để hai bên cô dâu, chú rể có thể tìm hiểu được nhiều về nhau, tổ chức những lớp trang bị kiến thức, hành trang và trải nghiệm cho các cô dâu và chú rể trước khi quyết định kết hôn và sinh sống cùng nhau hầu như không được các công ty môi giới quan tâm.

Bà Kim Young Shin, Giám đốc Dự án Gia đình Đa văn hóa cho hay: “Công ty môi giới giới thiệu người đàn ông Hàn Quốc với người phụ nữ Việt Nam thường không kiểm tra cẩn thận mà chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, bất cứ người đàn ông Hàn Quốc nào muốn lấy vợ cũng được giới thiệu”. Chính vì điều này nên đã có trường hợp, cô dâu Việt Nam sau khi kết hôn và sang định cư tại Hàn Quốc liền phát hiện chú rể bị tâm thần, bị trầm cảm...

PGS. TS Nguyễn Hồi Loan, Khoa Xã hội học, trường Đại học KHXH & NV Hà Nội cho hay, lấy chồng người nước ngoài hiện nay là một xu hướng khá phổ biến. Trong một xã hội đóng kín, chẳng hạn như xã hội phong kiến thì lấy chồng nước ngoài gần như một điều không thể chấp nhận được. Nhưng trong xã hội tự do như hiện nay cùng với sự tiếp xúc thông quan công nghệ thông tin thì ranh giới về địa lý không còn nữa, con người có thể mở rộng quan hệ. “Điều này cho thấy rằng đối với việc lấy chồng nước ngoài, chúng ta không thể dùng ý chí để ngăn cản được”, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan nói.

Nguyên nhân khiến các cô gái Việt Nam quyết định chấp nhận kết hôn qua mai mối với người nước ngoài theo bà Kim Young Shin thì nhiều cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc không phải là vì tình yêu mà muốn có cuộc sống tốt hơn ở Hàn Quốc.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Hồi Loan, các cô gái quyết định lấy chồng nước ngoài qua mai mối có thể vì những mục đích khác nhau như vì kinh tế hoặc cũng có thể vì nhu cầu hạnh phúc. Nếu vì nhu cầu hạnh phúc, việc các cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài nếu như dựa trên cơ sở tìm hiểu kỹ, yêu thương nhau thì xã hội và các tổ chức đoàn thể hoàn toàn nên ủng hộ.

Tuy nhiên, một số gia đình do rơi vào nghèo khổ cùng quẫn quá mức nên họ vì một lợi ích rất nhỏ phía trước để giải quyết vấn đề nào đó, ví dụ như nợ nần, trang trải ốm đau hay nhu cầu được con gái gửi tiền cho hàng tháng để trang trải sinh hoạt… đã liều thân cho con gái mình lấy chồng người nước ngoài.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: "Cũng phải thừa nhận rằng, có một bộ phận các cô gái Việt Nam khi lấy chồng nước ngoài đã cải thiện đời sống kinh tế của bản thân và gia đình. Nhưng bên cạnh các trường hợp này thì đa phần các cô gái phải đối mặt với những bi kịch mà trước khi sang Hàn Quốc họ không thể lường hết".

 - 1

Bên cạnh những cô dâu thành đạt, hạnh phúc, không ít các cô dâu Việt phải gánh chịu bi kịch khi lấy chồng nước ngoài. Ảnh minh họa

Bi kịch cuộc sống nghèo khó, con cái bị phân biệt đối xử

Đã từng tận mắt chứng kiến rất nhiều trường hợp cuộc sống không hạnh phúc của các cô gái lấy chồng và sinh sống tại Hàn Quốc theo diện mai mối, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan rất trăn trở: “Nhiều trường hợp là những minh chứng rất cụ thể về việc các cô gái Việt Nam đánh đổi cuộc sống của mình lấy một thứ ảo tưởng sai lầm. Khi tôi tiếp xúc với các cô gái như vậy, nét hạnh phúc thể hiện rõ trên khuôn mặt, trong cách cư xử, trong lối sống của một người phụ nữ thành công trong đời sống hôn nhân hầu như không có”.

Những người đàn ông Hàn Quốc sang lấy vợ Việt Nam vốn dĩ không đủ điều kiện và khả năng để lấy vợ người bản xứ nên buộc phải sang Việt Nam và các nước châu Á lấy vợ. Họ cũng là những người lao động nghèo, trình độ văn hóa rất thấp, công việc rất bấp bênh. Thực tế sau khi các cô gái Việt Nam sang Hàn Quốc đa phần trở thành nhân lực lao động chính để nuôi sống vợ chồng và con cái gia đình nhà chồng.

Do đó, các cô gái Việt Nam khi sang Hàn Quốc hy vọng được hưởng điều kiện sống của xã hội Hàn Quốc thì rất nhiều trong số họ không được hưởng cuộc sống ấy. Người chồng họ lấy thường là già, ốm đau, bệnh tật hoặc có vấn đề nào đó nên không thể là lao động chính, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan nhận định.

Thu nhập của các cô gái Việt Nam tại các nước đó chủ yếu là các lao động rất đơn giản như lao động nông nghiệp, phụ giúp gia đình, còn lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở, xí nghiệp rất ít. Nếu so sánh với thu nhập trung bình của Việt Nam thì thu nhập của các cô gái lấy chồng Hàn Quốc là cao nhưng nếu so sánh với thu nhập trung bình của Hàn Quốc lại ở mức thấp. Trong khi đó, chi tiêu cho đời sống bên Hàn Quốc rất cao nên hầu hết các gia đình đa văn hóa vẫn thuộc tầng lớp dân nghèo bên Hàn Quốc.

Về mặt hòa nhập văn hóa bản địa, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan đã tiếp xúc với rất nhiều cô gái Hàn Quốc lấy chồng qua mai mối và đang sinh sống tại đây. Đa phần các cô đều không thích nghi, khó hòa nhập vào đời sống văn hóa của Hàn Quốc.

Các nhà nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng, hầu hết các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc là có trình độ văn hóa thấp, gia đình nghèo khó, không có điều kiện học hành, cũng là tầng lớp nghèo khổ tận đáy xã hội của nước ta. Họ lại lấy những người chồng cũng ở tận đáy xã hội của Hàn Quốc, không đủ điều kiện về kinh tế, con người…để lấy vợ bản địa.

“Một người chồng và một người vợ đều ở tầng lớp nghèo khó nhất xã hội, chung sống với nhau dựa lưng vào nhau khi lại không hoàn toàn dựa trên cơ sở tình yêu, phải chung sống cùng những khác biệt về văn hóa thì lại càng bi kịch”, PGS. TS Nguyễn Hồi Loan nhận định. Đây chính là bi kịch thứ nhất các cô phải đối mặt trong cuộc hôn nhân của mình.

Bi kịch thứ hai là khi thế hệ con cái của các gia đình này mặc dù được sinh ra ở xã hội đó nhưng khó thích ứng với nền văn hóa bản địa. Theo nhận định của các nhà xã hội học, có một sự khác biệt rất nhiều giữa các cháu do các cô gái Việt Nam lấy chồng qua mai mối sinh ra và trẻ em bản xứ tại Hàn Quốc. Các cháu thường bị định kiến và bị phân biệt đối xử ngay tại lớp học, trường học nên các cháu rất rụt rè, tự ty về bản thân.

Những khó khăn của các gia đình đa văn hóa hiện tại được chính quyền Hàn Quốc rất quan tâm và có nhiều chính sách để trợ giúp các gia đình này có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách cũng gặp rất nhiều khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan nói: “Tôi gặp nhiều cô gái lấy chồng ở Hàn Quốc và họ đều chung một suy nghĩ là qua tôi, qua mọi người nhắn nhủ các cô gái ở Việt Nam nếu có ý định lấy chồng nước ngoài, đặc biệt là lấy chồng Hàn Quốc thì hãy từ bỏ ý định đó, thực tế cuộc sống không phải như các cô nghĩ trước khi sang Hàn Quốc”.

Lấy chồng nước ngoài qua mai mối vẫn là một nhu cầu không thể ngăn cấm. Tuy nhiên điều quan trọng cốt lõi vẫn là bản thân các cô gái, hãy xác định rõ ràng hơn con đường mà mình đi với những khó khăn trước mắt để chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để thích nghi và làm chủ cuộc sống của mình.

Kỳ 3: Những kỹ năng cần có khi lấy chồng nước ngoài

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn