1- Khủng hoảng Ukraine và bóng ma Chiến tranh lạnh mới
Việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận chính trị và tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EU) đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phong trào đối lập Maidan được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn đã gây bạo loạn, lật đổ tổng thống Yanukovych, khiến ông này phải trốn sang Nga tị nạn. Tuy nhiên, việc thay đổi chính quyền, bầu tổng thống và quốc hội mới vẫn không giải quyết được gốc rễ khủng hoảng. Ukraine bị chia rẽ sâu sắc, sa vào nội chiến huynh đệ tương tàn, trở thành chiến địa tranh giành quyền lực giữa các nước lớn.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, nội chiến đẫm máu ở vùng Đông Nam Ukraine, Mỹ và EU siết chặt lệnh trừng phạt nhằm vào Mátxcơva khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng căng thẳng. Nga, Mỹ và NATO liên tục tăng cường răn đe quân sự, thấp thoáng bóng dáng Chiến tranh lạnh mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin năm thứ hai liên tiếp được bầu chọn là nhân vật quyền lực nhất thế giới. Khủng hoảng chưa thể có lối thoát khi toan tính chiến lược và lợi ích của các bên khác biệt quá lớn.
2- Sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo
Sự chuyển hướng chính sách, khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại sau khi triệt thoái khỏi bãi lầy Iraq, Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, Nam Á vốn là lò lửa bất ổn và xung đột tôn giáo đã góp phần dung dưỡng nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
IS trỗi dậy như vũ bão, với sự tàn bạo gây chấn động thế giới, đe dọa đảo lộn trật tự khu vực Trung Đông. IS đột ngột trỗi dậy không chỉ làm chệch đường ray chuyển hướng chiến lược của Mỹ, mà còn đẩy thế giới vào nguy cơ chiến tranh tôn giáo, chủng tộc cực kỳ nguy hiểm.
Mỹ và đồng minh đối mặt một lực lượng Hồi giáo cực đoan thế tục được tổ chức tốt, có ý thức hệ, giỏi tuyên truyền, có nguồn tài chính dồi dào. Cuộc chiến chống khủng bố hình thái mới đã và sẽ mở rộng phạm vi chiến trường, trở thành một hiểm họa thường trực ngay trong lòng các nước phương Tây nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
3- Căng thẳng biển Đông, Hoa Đông
Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, dù lãnh đạo Trung - Nhật đã nhất trí hạ nhiệt, nhưng tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn luôn căng thẳng. Tình hình khu vực biển Đông còn nóng hơn với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việc Trung Quốc ngang nhiên ban hành tấm bản đồ dọc nuốt gần trọn biển Đông, tiến hành các hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, sân bay, căn cứ quân sự ở biển Đông và từ chối tham gia vụ kiện của Philippines khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.
Quốc hội và chính phủ Mỹ đã ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động thay đổi hiện trạng ở biển Đông và bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” đầy phi lý của Bắc Kinh, yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
4- Mỹ-Cuba tái lập quan hệ ngoại giao sau hơn nửa thế kỷ
Ngày 17/12, Cuba và Mỹ bất ngờ thông báo khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc thiết lập quan hệ bình thường sau 53 năm quan hệ đầy sóng gió giữa hai quốc gia láng giềng.
Đây là kết quả của 18 tháng đàm phán bí mật, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên điện đàm trực tiếp, thông qua vai trò trung gian của Giáo hoàng và Canada.
Sự kiện được cả thế giới mong chờ này đã xóa đi tàn dư cuối cùng của Chiến tranh lạnh sau hàng thập kỷ nghi kị, cấm vận kinh tế, cô lập ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Cuba và Mỹ.
Cuba tuyên bố tiếp tục cải cách nhưng không thay đổi thể chế chính trị. Bình thường hóa quan hệ với Cuba, Mỹ cho thấy sự chuyển hướng chính sách đối với khu vực Mỹ La-tinh, cũng như toan tính chính trị đối nội.
5- Giá dầu lao dốc và cuộc chiến năng lượng
Giá dầu thô liên tục lao dốc chỉ còn dưới 60 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khiến nhiều nước được hưởng lợi. Song đây thực sự là cú sốc đối với những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng như Nga, Iran, Venezuela, Nigeria…
Đặc biệt, kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn khi vừa phải đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây, vừa thất thu ngân sách khi giá dầu tụt dốc không phanh.
Công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ là một nguyên do khiến giá dầu giảm, song không ít ý kiến cho rằng, đây chính là đòn “song kiếm hợp bích” của Mỹ và Ảrập Xêút nhằm triệt hạ các đối thủ Nga, Iran, Venezuela trong cuộc chiến địa chính trị. Nga đình chỉ dự án Dòng chảy phương Nam với châu Âu, quay sang ký các hợp đồng năng lượng khổng lồ với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…
Cuộc chiến năng lượng hứa hẹn sẽ còn khốc liệt trong năm 2015, thử thách sức chịu đựng và bản lĩnh của Nga, Tổng thống Vladimir Putin.
6- Đại dịch Ebola bùng phát, 7.800 người thiệt mạng
Căn bệnh không mới nhưng tốc độ và quy mô lây lan của dịch bệnh Ebola năm 2014 khiến thế giới choáng váng. Tính đến nay, đã có hàng chục ngàn ca nhiễm bệnh, hơn 7.800 người thiệt mạng vì Ebola.
Dịch cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế, không chỉ ở khu vực Tây Phi mà còn tác động kinh tế toàn cầu, nếu thế giới không có biện pháp khống chế, dập dịch hiệu quả.
Đại dịch Ebola đã gây dư chấn khắp thế giới và cho thấy trong một “thế giới phẳng”, nền văn minh toàn cầu không thể phát triển bền vững nếu cứ tiếp tục phớt lờ tình trạng lạc hậu của các khu vực kém phát triển hơn.
7- Năm thảm họa hàng không thế giới
Người thân hành khách chuyến bay QZ8501 của AirAsia khi nhận tin dữ.
2014 thực sự là một năm thảm khốc trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Trước tiên là vụ mất tích đầy bí ẩn của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cùng số phận của 239 hành khách ngày 8/3, kéo theo chiến dịch tìm kiếm quy mô và tốn kém nhất trong lịch sử hàng không, nhưng đến nay vẫn không thu được kết quả gì.
Vận rủi của Malaysia Airlines chưa hết, ngày 17/7, chuyến bay MH17 chở 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn bị bắn hạ trên vùng trời Ukraine - nước đang xảy ra nội chiến.
Các bên đổ lỗi cho nhau và một cuộc điều tra quốc tế kéo dài chưa có hồi kết. Năm đen tối của ngành hàng không tiếp diễn với vụ tai nạn ngày 23/7 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia khiến 48 người chết. Chỉ một ngày sau đó, chuyến bay AH5017 của hãng hàng không Air Algerie bị rơi ở Mali làm toàn bộ 118 người trên khoang thiệt mạng.
Ngày 28/12, chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia Indonesia (thành viên của AirAsia Malaysia) cùng 162 người trên khoang trên đường từ Indonesia sang Singapore đâm xuống biển. Tính đến tối 30/12, hàng chục thi thể và nhiều mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy.
8- Trung Quốc “đả hổ lớn”
“Hổ” Chu Vĩnh Khang bị bắt gây chấn động Trung Quốc.
Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động đã phá tiền lệ, bắt giữ, khai trừ đảng và chuẩn bị đưa ra xét xử cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp đầy quyền lực Chu Vĩnh Khang, đồng minh chính trị của Bạc Hy Lai.
Hàng loạt “con hổ lớn” khác như cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, cựu Bí thư Quảng Châu Vạn Khánh Lương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn, nhiều quan chức lãnh đạo ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, các tỉnh Tứ Xuyên, Sơn Tây… cũng bị bắt giữ, điều tra về tội tham nhũng.
Lệnh Kế Hoạch, Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc và là cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu trợ lý của ông Hồ Cẩm Đào, là “hổ” mới nhất bị điều tra.
9- Làn sóng chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ
Sự kiện viên sĩ quan cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da màu 18 tuổi Michael Brown tại thị trấn Ferguson, bang Missouri đã châm ngòi cho bạo động bùng phát khiến chính quyền phải can thiệp.
Sự phẫn uất của cộng đồng người da màu tại Mỹ lên tới đỉnh điểm khi bồi thầm đoàn tuyên miễn tố đối với Wilson hôm 24/11, cộng hưởng với việc một bồi thẩm đoàn ở thành phố New York ngày 4/12 ra phán quyết tha bổng cảnh sát da trắng Daniel Pantaleo gây ra cái chết của người đàn ông da màu Eric Garner, đã thổi bùng làn sóng biểu tình tại hàng loạt thành phố của Mỹ.
Cơn sang chấn phân biệt chủng tộc tiếp tục rúng động nước Mỹ khi hai cảnh sát New York bị một tay súng da đen bắn chết ngay trong xe tuần tra giữa ngày 21/12...
10- Đảo chính quân sự tại Thái Lan
Cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước Chùa Vàng kéo dài suốt 6 tháng chỉ tạm thời chấm dứt bằng cuộc đảo chính quân sự không đổ máu ngày 22/5, lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Người kết thúc triều đại của gia đình Shinawatra là Tổng tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Thái Lan - tướng Prayuth Chan-ocha. Vị tướng này sau đó trở thành Thủ tướng Thái Lan. Dù tình hình tạm lắng, song những chia rẽ trong lòng xã hội Thái Lan, mâu thuẫn giữa phe áo vàng và áo đỏ có thể bùng phát trở lại.
Theo Tiền Phong