Hơn 1 năm về trước, câu chuyện về nữ Tiến sĩ, Giảng viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội - chị Hoàng Thị Kim Dung quyết định lưu giữ tinh trùng của người chồng qua đời vì tai nạn giao thông. Quyết định đó của chị thật sự sáng suốt, từ lưu giữ tinh trùng, qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, chị Dung đã mang thai đôi. Niềm hạnh phúc vô bờ bến ấy đã từng được nhiều người thán phục.
Bé Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải chào đời vào ngày 9/12/2013 tại bệnh viện Phụ sản Trung ương từ tinh trùng của người cha đã qua đời, là món quà vô giá, tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu của cặp vợ chồng quê gốc xứ Nghệ.
Bé Hồ Sỹ Hoàng Đức (phải) và Hồ Sỹ Hoàng Hải (trái) hơn 1 tuổi.
Sau dịp sinh nhật vừa qua, bé Đức và bé Hải bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên. Nhìn cặp em bé sinh đôi vui đùa, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của người thân ánh lên qua đôi mắt.
Khi chúng tôi tới thăm hai bé, cũng là lúc chị Dung tất bật cặp sách cho một ngày lên lớp. Những giờ đứng trên bục giảng, những buổi nghiên cứu rồi những chuyến công tác dài ngày tại Pháp và Nhật làm cho chị ít có thời gian bên các con như trước đây.
Ông Hồ Bính (70 tuổi, bố chồng chị Dung) kể lại: “Hôm sinh nhật hai cháu, chúng tôi cũng làm bữa cơm gia đình. Hơn 1 tuổi, Đức được 9,5kg, Hải được khoảng 9kg. Trộm vía hai cháu ngoan, chịu khó ăn nên Dung cũng yên tâm công tác. Đợt Dung đi Pháp một tháng về, chúng tôi phải tạo điều kiện để thời gian ba mẹ con gần nhau nhiều hơn".
Đức có nhiều nét giống bố.
Nhìn ngắm hai cháu thật lâu, những kỷ niệm về người con trai đã qua đời như ùa về trong tâm trí ông Bính – người bố với mái tóc pha sương.
“Càng lớn, Đức càng giống bố. Trong tính cách của cháu có sự pha trộn giữa bố, mẹ và cả bà nội. Còn Hải thì giống tôi và chú nó về dung mạo cũng như tính cách”, ông Bình nhìn hai cháu trìu mến nói.
Từ khi chị Dung mang thai tháng thứ 7, ông Bính và vợ là bà Thuận đã ra Hà Nội để thay con trai chăm sóc cô con dâu đầy nghị lực trong những ngày vượt cạn và nuôi con một mình.
“Từ lúc cất tiếng khóc chào đời tới nay, hai cháu chưa biết tới quê. Phần vì đi đường xa, phần vì thời tiết lạnh. Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, gia đình đang bàn tính cho cả hai cháu về thăm quê. Nhưng có lẽ cũng phải suy tính nhiều vì về còn phải lo người trông cả hai”– ông Bính chia sẻ.
Nhìn hai đứa cháu chưa một lần biết mặt bố đang nô đùa cùng nhau, ông Bính mỉm cười và không quên nhắc tới con gái đầu lòng của anh Ngọc, chị Dung là bé Hồ Hoàng Hải Bình.
“Bé Bình thỉnh thoảng vẫn nhắc và hỏi thăm về bố. Khi tôi đưa cho cháu xem bức ảnh bố cháu (anh Ngọc) chụp từ lâu, cháu vẫn nhận ra. Có tiếng cười của ba đứa cháu, căn nhà cũng bớt cô quạnh nhưng tôi vẫn nghĩ nhiều về cháu Ngọc. Nhiều khi ngồi một mình nhớ con mà lòng buồn. Dung vùi đầu vào công việc, một phần vì lo kinh tế cho gia đình, một phần tôi hiểu là cháu muốn làm việc để quên đi nỗi đau, sự mất mát này…”.
Hải giống ông nội và em trai út của anh Ngọc.
Vừa đặt bé Đức xuống võng ngủ, bà Thuận (vợ ông Bính) lại tất tả quay sang bế bé Hải để ru cháu ngủ: “Không ru ngủ chắc phải 2 – 3h chiều cả hai đứa mới đi ngủ. Đức và Hải hiếu động lắm, từ khi biết đi, hai anh em ngày nào cũng ra ngoài hiên nhà chơi đá bóng cùng nhau. Sau này lớn lên chắc sẽ đá bóng giỏi như bố”– bà Thuận trải lòng.
Nói tới đây, tiếng ru của bà dường như đứt đoạn. Có hai đứa trẻ bi bô trong nhà, tiếng cười của chúng khiến bà vui nhưng từ sâu trong ánh mắt và tiếng thở dài của bà Thuận vẫn chan chứa nỗi nhớ tới anh Ngọc - người con trai tài năng đã qua đời.
Trong mắt của ông Bính, bà Thuận, cả ba cháu Bình, Đức và Hải đều là những đứa trẻ thông minh và sống có tình cảm. Ông bà không đặt nặng chuyện tương lai cho từng đứa mà điều quan trọng nhất là học tập tốt và sống có đạo đức.
Theo Congluan.vn