Tờ New Straits Times dẫn lời quan chức Indonesia cho rằng thời tiết chính là 'yếu tố' khởi nguồn cho vụ tai nạn thảm khốc của QZ8501, cụ thể hơn là hiện tượng đóng băng đột ngột ngoài thân máy bay.
Trong khi đó, các thợ lặn của lực lượng hải quân và tìm kiếm cứu nạn Indonesia vẫn đang nỗ lực hết sức trước khó khăn do biển động, ngăn cản họ tiếp cận các thi thể và mảnh vỡ còn nằm dưới đáy biển.
Nhân viên cứu hộ vận chuyển thi thể nạn nhân QZ8501 từ biển về đất liền |
Báo cáo dựa trên số liệu có sẵn và liên lạc cuối của máy bay trước khi biến mất khỏi radar cho thấy nhiệt độ tại khu vực mất liên lạc trong thời điểm đó có thể dao động từ -80 đến -85 độ C.
"Dựa trên dữ liệu về điều kiện thời tiết khi đó có thể đã gây ra hiện tượng đóng băng ở động cơ đang trong quá trình làm mát khiến máy bay gặp nạn", New Straits Times trích dẫn báo cáo.
Báo cáo của cơ quan khí tượng thủy văn Indonesia đưa ra gợi ý về thời tiết khi máy bay gặp nạn chính là nguyên nhân khiến QZ8501 bị rơi, ngay sau khi nó bay vào đám mây bão.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thiết vì vẫn có những máy bay khác cũng đi qua tuyến đường tương tự với QZ8501 nhưng không gặp nạn.
Chappy Hakim, cựu chỉ huy không quân Indonesia nói với AFP: "Hiện chưa thể đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân vụ tai nạn khi chưa thu được hộp đen của máy bay".
Hiện nay, lực lượng tìm kiếm đã thu thập được 5 mảnh vỡ lớn của chiếc máy bay AirBus A-320-200 mang số hiệu QZ8501 của AirAsia gặp nạn ngày 28/12 ngoài khơi đảo Borneo.
Quá trình đang gặp phải một số khó khăn do thời tiết biển động bất chấp lực lượng tìm kiếm đa quốc gia bao gồm cả Mỹ và Nga đang cố gắng tiếp cận đáy biển.
Trong khi tạm ngừng tìm kiếm trên mặt biển, một nhóm thợ lặn đã tiếp cận được những mảnh vỡ chính của máy bay dưới đáy biển sáng 5/1 để trục vớt được 1 thi thể, cùng với 3 thi thể khác nổi trên mặt biển nâng số nạn nhân đã được vớt lên 34 người.
Chỉ huy lực lượng cứu hộ Bambang Soelistyo nói dù các thợ lặn đã tiếp cận được đáy biển nhưng tầm nhìn rất hạn chế, đáy biển tối và nhiều bùn cùng với dòng hải lưu chảy siết làm khả năng tìm kiếm gần như bằng không.
Hiện nay, quá trình tìm kiếm đã được mở rộng hơn về phía Đông vì có khả năng dòng biển cuốn theo các mảnh vỡ. Ưu tiên lớn nhất vẫn là tìm kiếm và thu hồi thi thể các nạn nhân sau đó là các mảnh vỡ của máy bay và hộp đen.
Chiếc máy bay Airbus A320-200, mang số hiệu QZ8501 của AirAsia chở 162 hành khách và phi hành đoàn, đã rơi xuống Biển Java, Indonesia, khi đang trên hành trình từ Surabaya đến Singapore sáng 28/12.
Các hành khách trên chuyến bay gồm 149 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia và 1 người Anh. Phi hành đoàn gồm 6 người Indonesia và 1 người Pháp.
Theo VTC