Kỳ 1: Ngôi mộ giữa đường
Nhắc đến làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), người dân cả nước biết đến đây là ngôi làng có nghề làm gỗ nổi tiếng. Đồng Kỵ có nhiều cái nhất, trong đó, nổi bật là ngôi làng nhiều giám đốc, nhiều công ty nhất và có lẽ cũng là ngôi làng giàu nhất Việt Nam.
Đường xuyên qua làng toàn nhà cửa cao tầng san sát hoành tráng. Thế nhưng, điều kỳ lạ với bất kỳ ai lần đầu đến ngôi làng này, đó là việc phải cẩn thận lái xe tránh ngôi mộ nằm chính giữa đường, ngay đoạn đầu đường vào làng.
Chuyện ngôi mộ nằm hiên ngang giữa đường thì thật kỳ lạ, và kỳ lạ hơn, đó là ngôi làng giàu có, sầm uất và nổi tiếng cả nước, cách thủ đô không xa.
Ngôi mộ nằm giữa đường làng Đồng Kỵ |
Đỗ xe từ xa, tôi khoác máy ảnh thong dong đi vào làng Đồng Kỵ như một du khách phương xa. Hàng ngày, chẳng thiếu gì du khách ra vào ngôi làng này, rồi con buôn, rồi người dân đi mua sắm đồ gỗ với xe cộ nườm nượp.
Thế nhưng, khi tôi đi mấy vòng quanh ngôi mộ, ngó nghiêng kỹ lưỡng, rồi hý hoáy chụp ảnh, thì có mấy người ló đầu ta khỏi nhà quan sát.
Đó là ngôi mộ thực sự, nhưng nhìn qua thì tưởng ngôi miếu. Ngôi mộ rộng chừng 2 mét vuông, cao 1,5 mét, lợp ngói mũi hài đỏ. Phía trước ngôi mộ có nầm mồ nhỏ, mang tính biểu tượng. Phía trước lăng mộ là tấm vải đỏ phủ kín, phất phơ trong gió.
Mỗi khi có cơn gió thổi qua, hoặc chiếc xe tải phóng vèo qua, mảnh vải lại phất lên, hở ra bát nhang với bia mộ bên trong.
Tôi dùng bước chân đo áng chừng, thấy con đường vào làng Đồng Kỵ rộng chừng 8m, và ngôi mộ nằm chính giữa con đường. Hai bên nhà cửa san sát, như một con phố.
Điều khá lạ, trong khi dọc con phố nhà cửa cao tầng san sát, làm ăn tấp nập, thì đoạn phố ngắn chỗ có ngôi mộ nhà cửa èo uột, lúp xúp, không khí buôn bán, làm ăn khá buồn tẻ.
Bên hữu có nhà làm cửa sắt, nhà bán đồ ăn, nhà buôn bán lặt vặt. Bên tả mấy nhà đóng cửa then cài, có vẻ không làm ăn gì cả, có nhà bán tạp hóa lặt vặt, nhưng cửa cánh mở cánh đóng, dường như chẳng có khách, hoặc làm cho có.
Đồng Kỵ nổi tiếng là ngôi làng giàu có. |
Thấy tôi loanh quanh bên ngôi mộ hồi lâu, một bà chừng 70 tuổi chạy ra kéo tôi vào nhà hỏi chuyện. Bà bảo tưởng tôi là cán bộ trên tỉnh về xem xét ngôi mộ, tìm cách di chuyển đi, hoặc cưỡng chế ngôi mộ khỏi con đường. Biết là nhà báo, bà… mừng hụt.
Theo bà, dù nhà báo có nói cũng chẳng ăn thua. Riêng cán bộ cấp phường, xã, đều đã bó tay, chào thua trước ngôi mộ này.
Bà bảo, con cháu nhà họ đều ngang như cua càng, bảo thủ hết cỡ, không chịu di chuyển ngôi mộ đi, mà chính quyền phường thì không đủ mạnh để làm, nên bao năm nay, những gia đình ở quanh ngôi mộ, trong đó có gia đình bà đều hứng chịu.
Sau khi thắc mắc và bức xúc chán, thì bà H. kể những câu chuyện rùng rợn quanh ngôi mộ. Bà H. đặt nghi vấn: “Có lẽ, ngôi mộ này thiêng lắm nên họ mới không di chuyển cháu ạ. Bác sống ở đây nhiều năm rồi, nên bác biết rõ mảnh đất này cũng như ngôi mộ. Ngôi mộ này thiêng từ xưa rồi cơ. Thiêng như thế, nên chẳng ai dại mà động vào. Chính quyền cũng không đủ dũng cảm để cưỡng chế đâu”.
Theo bà H., ngày xưa, con phố có tên Thanh Nhàn này là cánh đồng. Xưa kia, người dân Đồng Kỵ làm nghề ở sâu trong làng, chứ chưa mở rộng ra phía ngoài.
Cánh đồng này trũng, cấy hái không ăn thua, nên bỏ hoang. Hợp tác xã lấy đất đóng gạch, tạo thành các ao hồ sâu hoắm. Chỗ gò đất có mấy ngôi mộ cổ của các dòng họ thì không ai dám đào.
Cổng làng Đồng Kỵ |
Đường làng Đồng Kỵ ngày đó vòng ở phía Tây, nhưng người dân vẫn đi tắt đường cánh đồng và qua mấy ngôi mộ cổ này. Cũng chỗ gò đất, cách mấy ngôi mộ cổ không xa có một cây đa rất lớn. Có thể ngày xưa, dưới gốc đa có ngôi miếu nhỏ, nhưng phá từ năm nào thì không ai rõ.
Mặc dù con đường tắt qua cánh đồng rất gần, nhưng chỉ ban ngày người dân Đồng Kỵ mới dám đi, còn ban đêm thì không ai dám đi lối đó, dù là người gan dạ nhất.
Theo bà H., từ khi con đường mở qua, các ngôi mộ được chuyển đi, còn lại mỗi ngôi mộ này, thì sự linh thiêng, rùng rợn cũng mất đi vài phần. Người dân đông đúc, đèn sáng choang, đi lại nườm nượp, nên khung cảnh không u tịch, lạnh lẽo như ngày xưa nữa.
Hôm tôi đến, cả đoạn đường có ngôi mộ nhà nào cũng cửa đóng then cài. Duy nhất nhà anh Nguyễn Văn Doanh mở cửa làm việc. Ngôi mộ nằm đúng cửa nhà anh Doanh. Đó là ngôi nhà ống, cửa trổ thẳng ra đường, nên hễ mở cửa là nhìn trọn ngôi mộ.
Ngôi mộ nằm chính giữa đường |
Anh Doanh vừa ốm trở dậy, đang ăn cháo. Dưới nền nhà, hai người thợ đang đục đẽo gỗ. So với ngôi làng toàn tỷ phú này, thì gia cảnh nhà anh Doanh có vẻ kém hơn, bởi chỉ có ngôi nhà tạm mặt đường.
Tôi hỏi: “Ngôi mộ hiện diện ngay trước cửa nhà thế này có hãi không anh?”. Anh Doanh bảo: “Quả thực là những ngày đầu, gia đình mới chuyển ra đây ở cũng hãi thật. Ngôi mộ to tướng, lù lù trước nhà như thế, ai mà không thấy ghê.
Tôi thì còn đỡ, chứ vợ con thì sợ lắm, đêm hôm không dám ra ngoài, cứ đóng kín cửa. Tuy nhiên, nhìn mãi rồi cũng quen, giờ không thấy sợ gì nữa”.
Trước đây, gia đình anh Doanh ở trong làng. Năm đó, gia đình anh Doanh cùng mấy chục hộ gia đình thương binh, liệt sĩ được mua một suất đất ở khu vực này với giá ưu đãi.
Lúc san lấp mặt bằng, ba dòng họ đã chuyển mộ của tổ tiên đi ngay, chỉ còn lại mộ tổ của họ Dương và họ Nguyễn.
Anh Doanh kể: “Lúc đó, tôi nghĩ rằng, đã làm dường, lập khu dân cư, thì mồ mả cũng sẽ phải chuyển đi, nên tôi vui vẻ nhận mảnh đất được phân chia.
Tôi cũng không ngờ rằng, đến giờ, dù đã 17 năm trôi qua, họ vẫn không chịu chuyển mồ mả đi. Nếu biết thế này, tôi đã chẳng rước mảnh đất này làm gì. Dù mảnh đất có ở mặt đường, ở đầu làng, thì có bán cũng chẳng ai mua, làm ăn thì có vẻ chẳng thuận lợi lắm”.
Còn tiếp…
Theo VTCnews