Cụ thể, đến tháng 12/2014, có 27/28 điểm đen của năm 2013 được xóa do không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), cộng thêm 8 điểm phát sinh năm 2014.
Trong đó, hai điểm đen “cực nóng” được TP ưu tiên bố trí vốn xây hầm chui, nút giao thông khác với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng là ngã tư An Sương (quận 12) và vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2).
Sơ suất là mất mạng
Sáng 6/1, chúng tôi trở lại điểm đen vòng xoay An Sương, vẫn là hình ảnh xe tải, xe container, xe khách và xe máy ùn ùn qua lại, từ 7 giờ đến 10 giờ luôn xảy ra xung đột ngay vòng xoay vì cả 4 hướng từ Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Trường Chinh phương tiện không lúc nào ngớt. Những chiếc xe máy phải cập sát nách xe container, xe tải chen nhau chạy, nhiều người chạy xe máy chở hàng hóa cồng kềnh đôi lúc loạng choạng tay lái.
Vị trí các điểm đen tại TP.HCM. (Hình do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cung cấp)
Ông Bùi Ngọc Oánh (quận 12), chạy xe ôm khu vực này 17 năm, cho biết ngoài quá tải phương tiện, tai nạn còn do ý thức người đi đường. “Trừ góc đường tôi đứng (đường Trường Chinh), ba góc còn lại đều có người chết vì TNGT. Ở đây, chỉ cần sơ suất là mất mạng; chưa kể nhiều người ý thức rất kém như đi ngược chiều, chạy nhanh, lạng lách ngay khi vào vòng xoay” - ông Oánh nói.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), năng lực thông hành của vòng xoay này đã vượt ngưỡng thiết kế ban đầu, tổng lưu lượng xe đi thẳng trục Trường Chinh - Quốc lộ 22 chiếm 52% lưu lượng qua lại, nếu quy đổi lượng xe máy sang xe con (hệ số 0,3) thì chiếm 60%-70% tổng lưu lượng xe.
Tương tự, tại điểm nóng thứ hai là vòng xoay Mỹ Thủy (điểm giao cắt giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định và Vành đai Đông, quận 2), theo thống kê của UBND quận 2, mỗi ngày có 16.000 - 17.000 lượt phương tiện qua lại.
Vào giờ cao điểm, giao thông ở khu vực này hết sức hỗn loạn và thường xuyên ùn tắc. Xe máy luồn lách ngay trước đầu ô tô để lưu thông nên chỉ cần va chạm nhỏ là xảy ra tai nạn.
Quan sát trên cầu Kỳ Hà 2 (đường Vành đai Đông), các xe hướng từ quận 7 đi qua phải đổ dốc cầu để ra vòng xoay khiến nguy cơ tai nạn rất cao. Anh Lê Văn Bình, chủ một tiệm sửa xe nằm đối diện vòng xoay, cho biết những vụ va quệt giao thông tại khu vực này xảy ra như cơm bữa, trong đó có nhiều vụ gây chết người.
Trong khi đó, điểm đen nút giao thông Thủ Đức (giao lộ Quốc lộ 1 - đường nhánh R4 từ Quốc lộ 1 rẽ phải về xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức) khiến nhiều người đi đường ám ảnh. Bất cập ở đoạn đường này là khoảng 500m từ Trường ĐH Nông Lâm về tuyến đường nhánh rẽ vào Làng ĐHQG TP.HCM (khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có nhiều người lưu thông ngược chiều, trong đó chủ yếu là sinh viên.
Ngoài ra, các xe đi từ cầu vượt Thủ Đức ra Quốc lộ 1 hướng về quận 12 khi đổ dốc cầu lại xảy ra xung đột với dòng xe đi từ hướng Khu Du lịch Suối Tiên qua do không có đèn tín hiệu giao thông. Vào giờ cao điểm, nút giao thông này cũng thường xuyên ùn tắc và gây mất an toàn.
Đen hay không đều xử lý
Để giải quyết các điểm đen trên, chiều 6/1, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã có buổi làm việc với nhiều sở, ngành để bàn các giải pháp. Ông Tín yêu cầu Sở GTVT, Công an TP, Ban An toàn giao thông rà soát lại tất cả các nguyên nhân và giải pháp đề ra, không đưa ra nguyên nhân chung chung và giải pháp tổng quát, cho dù điểm đen hay không đen (có nguy cơ TNGT) thì các quận - huyện vẫn phải thống kê, đề xuất lên TP giải quyết, không phải đợi có tai nạn chết người mới thực hiện.
Ông Tín tiếp tục nhắc lại biện pháp xử lý xe quá tải mà ngành công an và thanh tra giao thông kêu “khó” vì không có bãi hạ tải, không thể buộc chủ hàng hạ tải cũng như sợ chủ hàng quy trách nhiệm về bảo quản hàng hóa.
Theo ông Tín, Công an TP cần mạnh dạn theo quy định pháp luật mà xử lý, phát hiện xe quá tải thì yêu cầu tài xế di chuyển đến nơi gần nhất để tránh ùn ứ giao thông, sau đó yêu cầu chủ phương tiện hạ tải xong mới cho đi.
Liên quan đến đề xuất của Sở GTVT về xây hầm chui và nút giao thông khác mức tại vòng xoay An Sương và nút giao Mỹ Thủy, ông Tín lưu ý cần khảo sát kỹ thực tế để tránh lãng phí.
Theo Sở GTVT, quý I/2015 sẽ phê duyệt dự án xây hầm chui đôi An Sương theo hướng trục Trường Chinh - Quốc lộ 22 (mỗi hướng một hầm), dự kiến kinh phí 450 tỷ đồng, nhu cầu vốn năm 2015 là 50 tỷ đồng, sau khi hoàn thành có thể giảm tải 50% lượng xe.
Riêng xây dựng nút giao thông khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy dự kiến đầu tư giai đoạn 1 là 500 tỷ đồng, nhu cầu vốn năm 2015 là 20 tỷ đồng cũng đã được TP bố trí vốn trong năm 2014.
Tranh cãi về khái niệm điểm đen Tại cuộc họp, Công an TP không đồng tình với thống kê số điểm đen của Sở GTVT. Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP, cho rằng nên phân loại nguyên nhân tai nạn, nếu do đường sá, hạ tầng, thiên nhiên, triều cường thì liệt vào điểm đen còn do ý thức con người thì không nên liệt vào điểm đen. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, khái niệm điểm đen do Bộ GTVT quy định vẫn không rõ ràng. Tuy nhiên, không phải chờ đến khi tai nạn xảy ra, chết người mới gọi là điểm đen mà chỉ cần có nguy cơ thì quận - huyện phải rà soát và đề xuất giải pháp xử lý ngay. |
Theo NLĐ