Xe rác, đời người
Trong ánh đèn tráng lệ chốn Sài Thành, đêm đêm, ông Phan Văn Vân (SN 1957, quê Quảng Ngãi) trong dáng bộ gầy gò, đen đúa già hơn cái tuổi 56 vẫn đều đặn đẩy chiếc xe thùng cà tàng rảo khắp đường cùng, ngõ hẻm ở các quận Tân Bình, 3, 1... lượm ve chai.
Ông Vân phải quần quật lượm ve chai suốt đêm.
Thường thì 10 đến 11 giờ 30 hàng ngày, vợ chồng ông bắt đầu đẩy xe đi mua, kiêm lượm ve chai. Cuối ngày, họ gom lại. Một người trông giữ xe, người còn lại đem bán cho các vựa. Buổi tối, họ ăn tạm ổ bánh mì, dĩa cơm rẻ tiền, có lúc người ta thấy thương thì cho ăn miễn phí, nghỉ một lát rồi tiếp tục đẩy xe đi lượm cho tới sáng hôm sau mới về. Buồn ngủ, ông tấp xe vào một gốc nào đó chợp mắt.
Thời gian đầu mới vào chưa quen đường, chưa có điện thoại di động nên vợ chồng ông bị lạc hoài. Đêm 26/12/2014, chúng tôi đẩy xe theo chân ông. Được một đoạn, ông lại cặm cụi dùng đôi tay trần lục lọi trong từng thùng, bịch rác.
Chúng tôi hỏi: “Sao chú không đeo khẩu trang, mang bao tay?”. Ông đáp tỉnh queo: “Mang bao tay vướng víu khó chịu lắm! Với lại, mình đẩy xe đi suốt đêm, đeo khẩu trang rất khó thở”.
Theo ông Vân, không mang bao tay, đeo khẩu trang, tuy có vài cái lợi nhưng cũng lắm cái hại. Nghề của ông thường xuyên tiếp xúc với rác thải, chất độc hại, miểng sành... Chỉ sau vài năm lượm ve chai, ông bị viêm xoang, phổi, chân tay ngứa ngáy, bệnh ngoài da. Nguy hiểm nhất là lúc trúng kim tiêm. Lành, dữ thế nào không biết nhưng phải lập tức đi xét nghiệm. Tiền khám, tiền thuốc mất hơn hai triệu đồng, coi như mất toi một tháng tiền công còng lưng đi lượm. Có lúc gặp bọn ma cô, xì ke, say rượu hăm dọa cũng hồn xiêu phách lạc.
Lượm ve chai cùng ông, thi thoảng chúng tôi lại gặp “đồng nghiệp” của ông. Người đạp xe đạp, kẻ đẩy xe thùng, họ lầm lũi nhặt nhạnh trên từng con đường góc phố. Chị Hồ Thị Xuân (quê Vĩnh Phúc) kể: “Trông nó bẩn vậy thôi chứ nhờ nó mà gia đình tôi có cái ăn, cái mặc”.
“Cày” đêm ở "phố tẩm quất"
Tuy không nặng nề, nhưng tẩm quất không phải là nghề nhàn hạ. Ngoài những người đạp xe tẩm quất dạo, dọc Quốc lộ 1A, thi thoảng chúng tôi lại gặp một vài nhóm đàn ông trải chiếu bên vỉa hè. Dụng cụ hành nghề của họ chỉ có vài ba manh chiếu, một bộ giác hơi gồm vài chục lọ thủy tinh, dầu gió, cồn xoa bóp. Khách tẩm quất khá đa dạng. Giá của một lần tẩm quất từ 40 đến 50 ngàn đồng/30 phút.
Thấy khách ghé vào, anh Trường (quê Vĩnh Phúc) đang tẩm quất trước kho bia Sài Gòn trung tâm (Q12) vội lấy khăn lau chỗ nằm, đon đả: “Làm cuốc tẩm quất, giác hơi cho khỏe đi chú em”. Khách vừa nằm xuống, anh thoăn thoắt xoa dầu, bóp vai, nắn gân, đấm lưng. Sau màn “dạo đầu” đả thông huyết mạch, anh đốt lửa “lạc” sơ qua các lọ thủy tinh rồi úp trên lưng hút khí độc. Anh dùng đóm lửa “lạc” lại vài lần trên lưng khách rồi tiếp tục đấm bóp. Tẩm quất được hơn chục phút, mồ hôi bắt đầu lấm tấm trên mặt anh. “Nếu gặp khách to con, mình phải đấm bóp nhiều hơn, có lúc tay mỏi rã rời”, nghỉ tay “bắn” hơi thuốc lào, anh Trường cho hay.
“Phố tẩm quất” đêm ở Q12.
Cũng như anh Trường, cách đây gần chục năm, anh Nguyễn Xuân Hải và nhiều người khác cùng quê Vĩnh Phúc vào miền Nam hành nghề tẩm quất. “Ngoài quê ruộng ít, mất mùa, giá phân bón, giống má ngày một tăng trong khi giá nông sản lại thất thường, cuộc sống rất bấp bênh”, anh Hải tâm sự. Mấy năm trước, đêm nào anh cũng xếp đồ nghề, đạp xe rảo khắp các con phố tẩm quất dạo. Có hôm đạp rã cả chân vẫn không được “cuốc” nào. Khoảng bốn năm trở lại đây, anh em tập trung ở khu vực này đón khách nên cũng đỡ vất vả.
Anh và “đồng nghiệp” ngồi ở đây từ chập tối đến một, hai giờ sáng hôm sau. Hôm nào may mắn anh kiếm được vài trăm ngàn, gặp hôm trời mưa chỉ đủ tiền trà, thuốc.
“Tẩm quất dạo, ngại nhất là gặp những phụ nữ sồn sồn. Mình tẩm quất lành mạnh nhưng đôi khi họ “dở chứng” yêu cầu đủ điều, rồi đưa ra những lời khiếm nhã, nếu mình không có bản lĩnh dễ bị sa ngã, dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình. Gặp người say xỉn, họ nói năng, quát tháo rất khó nghe, có khi nôn ẹo lung tung, thậm chí không ít trường hợp tẩm quất xong họ nói “cho nợ” nhưng có bao giờ quay lại trả tiền đâu”, anh Hải giọng chua chát.
Tương tự, không ít lần anh Vũ Hoàng Kiên (quê Vĩnh Phúc) tẩm quất “chùa” cho mấy thằng thích “giở quẻ”. Anh Kiên giọng nửa đùa: “Mình đạp xe đi đấm dạo suốt buổi tối, bỗng được đám choai choai gọi vào con hẻm để tẩm quất. Tưởng “trúng quả” bù lại công cả tối, ai dè, đấm toát mồ hôi cho bốn, năm thằng xong, tụi nó lôi kim tiêm ra phán câu lạnh ngắt: “Dạo này vã quá, anh hai có tiền không cho em xin vài đồng?”. Không chỉ bị tụi nó “xù kèo”, có lúc mình còn bị chúng “xin” luôn cái xe đạp. Chưa kể gặp những khách hàng “nửa chị nửa anh”. Họ cứ õng ẹo, sờ nắn lung tung”.
Nhọc nhằn đời phu chợ
Không rảo bước trên khắp nẻo đường Sài Gòn, nhưng để có đồng tiền, cánh cửu vạn, phu xe ở chợ nông sản Thủ Đức (NSTĐ) thuộc Q.Thủ Đức phải è cổ, oằn lưng lao động thâu đêm suốt sáng.
Đêm xuống, chợ NSTĐ tấp nập xe tải, container chở rau, củ quả khắp nơi như Đà Lạt, Khánh Hòa, Đà Nẵng... đổ về. Chợ náo nhiệt từ nhá nhem tối đến sáng hôm sau với tiếng ôtô, xe cút kít hòa với tiếng cười nói, gọi nhau í ới của hàng ngàn người miệt mài mưu sinh. Tùy theo loại rau, củ quả, người ta trả cho họ từ 70 đến 86 ngàn đồng/tấn; tiền bồi dưỡng từ 15 đến 20 ngàn đồng/tấn.
Cửu vạn đêm ở chợ đầu mối.
Khoảng 19 giờ, chiếc xe tải chở rau từ Đà Lạt đỗ xịch dưới cột đèn trước khu B. Không ai bảo ai, từng tốp người nhổm dậy choàng vội tấm áo, mang theo xe kéo... tất bật chạy tới. Ba người đàn ông khỏe mạnh nhảy tót lên thùng xe tháo tấm bạt che rồi đẩy hàng ra phía đuôi. Bên dưới, gần chục cửu vạn ghé vai vác từng bao tải hàng đặt lên xe cút kít để những phu xe như chúng tôi chuyển đến từng ki-ốt trong chợ.
Anh Tuấn, một phu xe có thâm niên 11 năm trong nghề, dặn: “Mỗi lần cửu vạn xuống hàng, phu xe phải giữ càng xe thật chặt. Lỏng tay nhả càng ra, chiếc xe bật ngược trở lại, đập vào người phía trước vỡ mặt như chơi, hoặc chỉ cần lơ đễnh một chút, hàng rớt xuống chân mình rất nguy hiểm. Đứng giữ càng xe, hai chân phải hơi khép lại, lỡ hàng có rớt cũng không trúng chân. Khó nhất của phu xe là lúc kéo lên dốc. Mình phải biết thế để kéo làm sao cho chiếc xe có trớn chạy lên, nếu không chiếc xe sẽ ì lại, rất nặng”.
Xe đầy hàng, chúng tôi được người tổ phó giao mảnh giấy ghi tên và loại hàng cần bỏ của các vựa. Tuy nhiên, chợ NSTĐ có hàng trăm sạp, để nhớ thứ tự, vị trí các ô sạp không phải chuyện dễ.
Sau năm, bảy tua “cõng”, kéo hàng, ai nấy đều thở hổn hển, mồ hôi túa ra mặn chát chảy ròng ròng trên từng khuôn mặt khắc khổ. Một số cửu vạn, phu xe vốn là sinh viên, dân công tử không trụ nổi đành lấy xe máy trở về, người khỏe mạnh thì tiếp tục công việc. Khoảng 23 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau, xe đổ về chợ đông nhất nên cánh cu ly chúng tôi làm việc không ngớt tay.
“Hàng tháng, vào những ngày 13, 14, 30 âm lịch, người ta thờ cúng nên hàng về nhiều gấp đôi, gấp ba bình thường. Làm những ngày này rất mệt nhưng bù lại tiền nhiều hơn”, ông Đỗ Văn Dũng (ngụ Q.Thủ Đức, có thâm niên 20 năm làm nghề kéo xe) cho biết.
Chúng tôi chưa kịp nghỉ ngơi thì chiếc xe thứ hai lù lù tiến tới. Nếu có hàng, trung bình mỗi đêm một phu xe kéo tầm bảy đến tám tấn.
Hai tay kéo nỗi nhọc nhằn.
Có thức cùng cánh phu xe, cửu vạn, chúng tôi mới thấm thía nỗi khổ của họ. Những gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, đôi chân rã rời vẫn cố lê từng bước, đôi tay họ vẫn kéo những thùng hàng nặng trĩu và cồng kềnh... Có người vừa kéo vừa ngáp, lại có người gục trên những chiếc xe cút kít trong khi chờ chất hàng. Những lúc như thế, trà, cà phê, thuốc lá đôi lúc cũng chẳng giúp nổi họ chống chọi với cơn buồn ngủ.
Đối với đàn ông, kéo xe, bốc vác là công việc nặng nhọc không phải ai cũng làm được nhưng ở chợ NSTĐ, xen lẫn cánh đàn ông sức dài vai rộng vẫn có những người phụ nữ chân yếu tay mềm cũng trắng đêm oằn lưng bốc vác, kéo hàng. Họ được mệnh danh là nữ “kéo thủ” trong chợ này. Phần lớn nữ phu xe kỳ cựu trước đây là phu xe ở chợ Cầu Muối. Nhấc từng thùng trái cây vài chục ký chất lên xe, chị Đặng Hương Tâm (SN 1974, quê Tây Ninh) gồng người đẩy hàng trên nền đất ghồ ghề trơn trượt có thể té bất cứ lúc nào. Chuyến này xong, chị lại quay vào đẩy chuyến hàng khác.
Sáu giờ sáng, chợ NSTĐ bắt đầu vãn khách cũng là lúc những đội ngũ kéo xe ra về. Một ngày mới lại bắt đầu với nhiều người lao động khác, nhưng với những người làm nghề kéo xe thì lại bắt đầu với giấc ngủ sau một đêm dài làm việc mệt nhọc. Cũng có không ít người chỉ cho phép mình được ngủ qua loa rồi lại tìm kiếm những công việc làm thêm khác. Cuộc sống mưu sinh của họ cứ thế xoay vòng theo năm tháng.
(còn tiếp)
Theo Công an TP.HCM