Những ngày cuối năm 2014, trong tiết trời se se lạnh của Sài Gòn, nhiều mảnh đời đang lầm lũi mưu sinh bất ngờ nhận được món quà từ một nhóm thanh niên trẻ trao tặng trong đêm.
Trên lề đường An Dương Vương (quận 5) người đàn ông khoảng 60 tuổi đang say giấc trên chiếc xe xích lô bỗng một cô gái trẻ cùng người bạn trai đồng trang lứa ăn mặc lịch sự dừng xe máy tiến tới gần chiếc xích lô.
Bàn tay cô gái đập nhẹ nói: “Bác ơi, bác ơi…”. Người đàn ông tỉnh giấc. Cô gái nhỏ nhẹ nói: “Nhân dịp năm mới sắp đến, tụi con có chút quà biếu bác”. Nhận được quà gương mặt người đàn ông biểu lộ sự ngạc nhiên và biết ơn trước hai người trẻ tuổi chưa hề quen biết.
Đôi nam nữ sau khi trao quà nhanh chóng trở ra đường nhập đoàn với nhóm thanh niên đang đứng đợi. Mọi người tiếp tục lên đường đi về đường Hậu Giang, Hồng Bàng, Châu Văn Liêm.
Trên đường đi, nhìn thấy những cụ già bán vé số mưu sinh trong đêm, những phụ nữ nhặt rác hay những bác xích lô ngủ trên xe nhóm thanh niên đều tấp vào với cử chỉ lễ phép và giọng nói thiết tha: “Nhân dịp năm mới sắp đến, chúng con có món quà biếu cô, bác..”. Hết đôi thanh niên này đến đôi thanh niên khác đều ghé vào tặng quà những mảnh đời mưu sinh trong đêm.
Khi đến đường Lý Thường Kiệt (quận 10) nhiều bác xích lô đang nằm ngủ trên xe, cả nhóm lại phân công nhau đến bên cạnh từng chiếc xe lay nhẹ để tặng quà.
Ông Lê Tuấn Tùng (65 tuổi, quê Phú Yên) hành nghề đạp xích lô tại Sài Gòn đã 30 năm nay qua bất ngờ nhận được quà từ nhóm thanh niên nói: “Gia cảnh ngoài quê khó khăn, không có mảnh đất cắm dùi. Nhà lại neo người nên tôi vào đây đạp xe mưu sinh. Trong cái tiết trời Sài Gòn se lạnh những ngày cuối năm nhận được quà tôi mừng lắm. Cứ tưởng mình đang nằm mơ đó chứ”.
Cạnh đó, một phụ nữ khoảng 50 tuổi đang nhặt nhạnh những phế liệu vụn bỏ vào bao chất lên chiếc xe đạp cũ kỹ. Nhận được túi quà. Chị ấp úng nói cảm ơn. Chị cho biết quê ở Lạng Sơn, do nhà khó khăn, nên chị vào đây lượm ve chai mưu sinh có tiền gửi về quê nuôi gia đình và cho các con ăn học. Lấy tay gạt giọt mồ hôi trên trán chị cho biết: “Mỗi đêm cùng chiếc xe đạp, chị đều rong ruổi các con đường để nhặt ve chai. Đêm nào khá khá cũng được hơn 200.000 đồng.
Cũng trên các con đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ, 3 tháng 2 nhiều mảnh đời được nhóm thanh niên tìm đến trao túi quà cùng một chiếc phong bì. Cứ thế đến gần hai giờ sáng nhóm thanh niên đã dạo khắp các con đường khu vực quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Tân Bình để trao quà cho những có hoàn cảnh khó khăn.
Trời Sài Gòn về đêm gió se se lạnh những món quà của nhóm thanh niên tiếp tục được trao đến những mảnh đời khó khăn. Món quà tuy giá trị không nhiều nhưng nó đủ làm ấm lòng người. Còn nhiều mảnh đời lầm lũi mưu sinh trong đêm. Công việc của họ tuy lam lũ nhưng thật sự tinh khiết. Họ bán mồ hôi trong đêm khuya để đổi lấy bát cơm.
Có khoảng 40 người tham gia đi phát quà cho những người bất hạnh trong đêm những ngày cuối năm 2014. Họ là những thanh niên, lao động ở xí nghiệp, ở công sở và có cả sinh viên ở khắp vùng miền và họ tụ lại một điểm là dành tình thương cho những mảnh đời không may mắn.
Trời Sài Gòn về đêm se se lạnh những người đang bán mồ hôi để đổi lấy bát cơm trong đêm khuya bất ngờ nhận được quà. Niềm vui bất ngờ nhận được quà của một người đàn ông hành nghề xích lô.
Theo người đàn ông này phương tiện xích lô nay đã hết thời “thịnh vượng” nên khách đi cũng ít hơn so với 20 năm về trước. Đa số khách đi đều là những khách quen cũng có hoàn cảnh khó khăn nên tiền kiếm được cũng ít hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên nó vẫn là “cần câu cơm” của người đàn ông này. Cụ bà, em nhỏ đang mưu sinh trong đêm nhận được niềm vui những ngày cuối năm 2014. Ông Lê Tuấn Tùng (65 tuổi, quê Phú Yên) hành nghề đạp xích lô tại Sài Gòn đã 30 năm nay qua bất ngờ nhận được quà từ nhóm thanh niên nói: “Gia cảnh ngoài quê khó khăn, không có mảnh đất cắm dùi. Nhà lại neo người nên tôi vào đây đạp xe mưu sinh. Trong cái tiết trời Sài Gòn se lạnh những ngày cuối năm nhận được quà tôi mừng lắm. Cứ tưởng mình đang nằm mơ đó chứ”. Nhiều mảnh đời nhận được quà trong đêm khuya. Còn nhiều mảnh đời lầm lũi mưu sinh trong đêm. Công việc của họ tuy lam lũ nhưng thật sự tinh khiết. Họ bán mồ hôi trong đêm khuya để đổi lấy bát cơm. Trời Sài Gòn về đêm gió se se lạnh những món quà của nhóm thanh niên tiếp tục được trao đến những mảnh đời khó khăn. Món quà tuy giá trị không nhiều nhưng nó đủ làm ấm lòng người. |
Theo Dân Việt