Năm 2015: Các cơ quan không được mua xe công

Thứ hai, 29/12/2014, 15:16
Một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2015 là các bộ, cơ quan, địa phương không được mua xe công.

Sáng nay (29/12), tại "Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã công bố dự thảo Nghị quyết về "những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015".

Dự thảo Nghị quyết có nội dung: năm 2015, các bộ, cơ quan, địa phương không được mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ôtô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định.

 - 1

Việc mua sắm xe công của cơ quan ở trung ương phải được sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính và của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Trước đó, đầu tháng 9 năm nay, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Công văn hướng dẫn bổ sung việc thực hiện mua sắm xe ôtô phục vụ công tác chung.

Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành thực hiện mua sắm xe ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong hai trường hợp sau: Cơ quan, đơn vị thành lập mới; Do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe ôtô phục vụ công tác gồm: Xe bị tai nạn (bao gồm cả tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên gây ra như: bão, lũ, mưa đá, cây đổ…) dẫn đến hư hỏng không đủ điều kiện tham gia giao thông; Xe bị mất mà không tìm thấy trong các trường hợp.

Việc mua sắm xe công phải đảm bảo nguyên tắc: Sau khi rà soát, sắp xếp lại, sử dụng hiệu quả tối đa số xe hiện có trong phạm vi bộ, ngành, địa phương nhưng không đủ để bố trí cho cơ quan, đơn vị.

Việc mua sắm xe công của cơ quan ở trung ương phải được sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính và của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp đối với các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý.

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương không ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt (thiên tai bão lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...), Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, sẽ dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30/6/2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chủ trì không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế. Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Định kỳ công khai số thuế nợ đọng của từng địa phương, doanh nghiệp.

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2015 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn