Ngón nghề tàn bạo của CIA

Thứ hai, 29/12/2014, 13:52
Chỉ là bản tóm tắt từ 6.700 trang kết quả cuộc điều tra kéo dài gần 4 năm về Chương trình Giam giữ và Thẩm vấn nghi can khủng bố của CIA song nội dung của nó khiến nền dân chủ Mỹ mất mặt với thế giới.

Kể từ ngày Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ (SIC) thông qua nội dung điều tra cho đến ngày công bố chính thức bản báo cáo tóm tắt dài 528 trang hôm 9/12, tài liệu được giữ bí mật suốt hai năm. Các thượng nghị sĩ Mỹ chỉ thông qua việc công bố bản báo cáo hồi tháng 4 vừa qua. Tài liệu được phép công bố gồm 20 kết luận và bản tóm tắt cuộc điều tra, trong đó những thông tin được cho là nhạy cảm đã bị xóa vì lý do an ninh.

Ghi điểm cho ông Obama

Sau sự kiện 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush khởi xướng “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu. Tháng 4/2004, truyền thông Mỹ tiết lộ Washington soạn thảo tài liệu đặt nền móng pháp lý cho phép Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) dùng các biện pháp tra tấn nghi phạm khủng bố.

Chủ nhiệm SIC Diane Feinstein báo cáo về cuộc điều tra Chương trình Giam giữ và Thẩm vấn nghi can khủng bố của CIA trước Thượng viện Mỹ Ảnh: Reuters

Chủ nhiệm SIC Diane Feinstein báo cáo về cuộc điều tra Chương trình Giam giữ và Thẩm vấn nghi can khủng bố của CIA trước Thượng viện Mỹ Ảnh: Reuters

Trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006, Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ đồng thời nắm luôn ghế chủ nhiệm SIC. Sau khi ông Barack Obama vào Nhà Trắng, SIC quyết định đưa ra ánh sáng Chương trình Giam giữ và Thẩm vấn nghi can khủng bố (DIP) của CIA.

SIC có 15 ủy viên, gồm bảy vị của Đảng Dân chủ, bảy thuộc Đảng Cộng hòa và một độc lập (vị này thường tán thành quan điểm của phe Dân chủ). Ngoài ra, SIC còn có bốn ủy viên luật - gồm hai Dân chủ, hai Cộng hòa. Chủ nhiệm SIC hiện nay là bà Diane Feinstein thuộc Đảng Dân chủ, phó chủ nhiệm là một người của Đảng Cộng hòa.

Từ năm 2009, SIC bắt đầu tra cứu 6 triệu tài liệu, tổng hợp thành một báo cáo dài 6.700 trang và từ đó tóm tắt lại còn 528 trang, hoàn thành vào năm 2012. Trong thời gian này, các giám đốc CIA như Leon Panetta, David Petraeus, John Brennan - đều do Tổng thống Obama bổ nhiệm - được xem trước bản báo cáo và đưa ra phản biện. CIA cũng có bản phân tích cuộc điều tra của SIC.

Đầu năm 2014, báo cáo của SIC và bản phân tích của CIA được chuyển đến Nhà Trắng để nơi này, với tư cách là trọng tài, phân định phần nào được công bố và phần nào phải lưu giữ như tài liệu mật nhà nước.

Theo truyền thông Mỹ, mục đích cuộc điều tra kéo dài gần 4 năm với chi phí hơn 40 triệu USD chủ yếu nhằm trả lời hai câu hỏi: Một, CIA có báo cáo đầy đủ cho quốc hội và chính phủ những kỹ thuật thẩm vấn bị can tình nghi là thành viên Al-Qaeda mà cơ quan này đã thực hiện hay không? Hai, kỹ thuật thẩm vấn có hiệu quả không, nói cách khác là có thu thập được thông tin hữu ích cho an ninh quốc gia không? Bản báo cáo của SIC kết luận rất dứt khoát: CIA đã nói dối quốc hội và chính phủ. Chương trình DIP không mang lại kết quả như mong đợi.

Tại sao chính quyền ông Obama quyết định công bố tài liệu của SIC? Theo các nhà phân tích, khi đó, Đảng Cộng hòa trong vòng hai tuần nữa sẽ nắm quyền kiểm soát thượng viện và nắm luôn SIC. Đây là thời điểm để thượng viện của Đảng Dân chủ ghi điểm cho chính quyền Tổng thống Obama.

Ngay từ đầu, SIC gặp rất nhiều khó khăn vì CIA bất hợp tác. Phải mất nhiều tháng và nhờ Nhà Trắng làm trọng tài, SIC mới thuyết phục được CIA cung cấp 6.700 trang tài liệu mật và 38.000 ghi chép về DIP.

Vượt tầm kiểm soát

Ngay từ đầu, Đảng Cộng hòa đã phản đối kịch liệt việc công bố tài liệu của SIC. Họ cho rằng bản báo cáo có thể gây hại cho phái bộ ngoại giao và nhân viên quân sự Mỹ, đặc biệt ở những nước có công dân bị CIA bắt và tra tấn.

Riêng ông Dick Cheney, Phó Tổng thống thời ông Bush, bảo vệ mạnh mẽ các biện pháp tra khảo tù nhân khủng bố của CIA, cho rằng nhờ đó mà chiến dịch chống khủng bố toàn cầu của Mỹ đạt thắng lợi, nước Mỹ được bảo vệ tốt hơn. Trong Đảng Cộng hòa, chỉ có Thượng nghị sĩ John McCain đồng tình với việc làm của SIC mặc dù “nói thật đôi khi khó chấp nhận”.

Thừa nhận “một số sai sót” khi thực hiện thẩm vấn nghi phạm do “yếu kém nghiệp vụ” nhưng đương kim Giám đốc CIA Brennan vẫn nhấn mạnh rằng DIP mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Le Monde, bản báo cáo của SIC đã bẻ gãy lập luận của CIA vốn cho rằng chương trình DIP là hữu ích.

Phân tích hơn 6 triệu tài liệu mà SIC nắm được, bản báo cáo cho thấy không có thông tin quan trọng nào chứng minh “những cuộc thẩm vấn nâng cao” giúp tránh được âm mưu tấn công khủng bố hay tìm và diệt những nhân vật chủ chốt của Al-Qaeda, kể cả Osama Bin Laden. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng cấp độ tàn bạo được dùng để tra khảo và điều kiện giam giữ nghi can tồi tệ hơn những gì CIA báo cáo dưới trào Tổng thống Bush.

Bản báo cáo còn cho biết sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát của CIA khi thuê mướn hai tiến sĩ tâm lý lâm sàng tổ chức và thực hiện DIP. Điều lạ lùng nhất, theo SIC, hai người này lại không hiểu biết gì về Al-Qaeda, không có chuyên môn kỹ thuật thẩm vấn hay kiến thức chống khủng bố nhưng vẫn được CIA trả công 81 triệu USD cho “sáng kiến” gọi là “thẩm vấn nâng cao”.

Kỳ tới: Quỷ đội lốt nhà khoa học

Lừa cả Quốc hội và Tổng thống

Giai đoạn “rực rỡ” nhất của chương trình DIP diễn ra dưới thời Giám đốc CIA George Tenet và Porter Goss. Biết quốc hội và Nhà Trắng khó lòng chấp nhận kiểu làm của mình, CIA thường xuyên tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của hai thế lực này.

Cách né tránh thường xuyên là xóa hết băng ghi âm những cuộc thẩm vấn của CIA và chỉ báo cáo miệng với Tổng thống Bush những chi tiết có thể gây tranh cãi hồi tháng 4/2006 - vài tuần trước khi Tòa án Tối cao hủy bỏ một sắc lệnh của Tổng thống (có hiệu lực từ tháng 2/2002), theo đó CIA được phép tra hỏi tù nhân là thành viên của Al-Qaeda mà không cần tuân thủ Công ước Geneva.

CIA còn dùng chiêu “rò rỉ” thông tin mật cho truyền thông nhằm ca ngợi hiệu quả của DIP. Trong những thông tin này, CIA luôn cường điệu kết quả thẩm vấn để bên hành pháp yên lòng.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn