Những tấm biển cầu cứu, ta thán của người dân. Ảnh nguồn: Pháp luật TP.HCM
Đây được xem như giọt nước tràn ly và phản ứng của người dân đã có hiệu ứng tích cực từ phía chính quyền. Ngay trong ngày 13/1, lãnh đạo UBND tỉnh đã họp khẩn để chấn chỉnh nhà đầu tư, giải quyết khó khăn về vốn cho họ.
Cũng tại Bình Phước, dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 14 cũng gây nhiều phiền toái cho người dân chẳng kém gì dự án quốc lộ 13. Dự án này cũng gây khổ sở cho người dân trong nhiều năm qua. Mãi đến đầu năm 2014, khi dự án quốc lộ 14 được chuyển giao về Bộ GTVT thì tiến độ có khá hơn, đồng nghĩa với người dân đỡ cực hơn, bớt chịu cảnh nắng hít bụi, mưa lội bùn.
Chia sẻ với chúng tôi, có lần một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Phước từng phải thốt lên: “Nhiều nhà đầu tư không có năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cầu đường nhưng lại được trúng thầu, phải chăng có sự ưu ái trong đó? Nếu những nhà đầu tư kém bị loại ngay thì hậu quả sẽ không xảy ra”. Và quả thật, những nhà đầu tư kém năng lực đã bắt người dân gánh chịu hậu quả qua hai dự án quốc lộ 14, quốc lộ 13.
Chuyện các dự án chậm tiến độ cũng đã làm Chính phủ sốt ruột: Nó không chỉ làm người dân trực tiếp sống hai bên đường chịu khổ mà còn làm chậm việc giao thương giữa Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên. Nó làm ngại ngùng bước chân của các nhà đầu tư vào Bình Phước vì đường sá quá tệ, không biết bao giờ mới xong.
Vì thế, tháng 12/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chỉ đạo dự án chậm tiến độ; có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ thi công nhưng dự án vẫn chậm.
Trở lại chuyện phản ứng “mạnh” của người dân thị xã Bình Long vào ngày 12/1 đã đem lại một sắc thái mới cho việc thi công dự án quốc lộ 13, dù bất đắc dĩ họ mới phản ứng như vậy. Và người dân cũng mong rằng từ cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngày 13/1, lời hứa với dân tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh trong năm năm qua sẽ được thực hiện chứ không chỉ là hứa suông!
Theo Pháp luật TP.HCM