Ngày 7/1, nước Pháp và cả thế giới rúng động khi tòa soạn tờ báo biếm họa chính trị nổi tiếng Charlie Hebdo đặt ngay giữa thủ đô Paris bị tấn công đẫm máu. Hai tên khủng bố Hồi giáo Siad và Chérif Kouachi, được trang bị súng tự động AK-47, đã ra tay thảm sát chín nhà báo và hai cảnh sát.
Đến ngày 9/1, cùng đường trước sự truy đuổi của lực lượng an ninh Pháp, hai anh em khủng bố cùng “cặp đôi tử thần” Amedy Couibaly và bạn gái Hayat Boumeddiene đã cùng lúc thực hiện hai vụ bắt cóc con tin tại Paris. Hậu quả, ba gã khủng bố đã bị bắn hạ, bốn con tin thiệt mạng tại khu phố Porte de Vincennes. Sau biến cố của nước Pháp, cả thế giới sẽ đồng lòng hành động để vượt qua khó khăn.
Cứu cánh cho cuộc chiến bế tắc của Mỹ
Ngay trước thềm cuộc tuần hành lịch sử của Paris và cả nước Pháp vào ngày 11/1 vừa qua, thu hút gần ba triệu dân Pháp tham gia cùng sự hưởng ứng tại nhiều quốc gia châu Âu khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố sẽ mời lãnh đạo các nước đến Nhà Trắng vào ngày 18/2 này để tham dự một hội nghị quốc tế về chống khủng bố.
Ngay giữa lúc những cuộc không kích chống IS tại Syria và Iraq đang dần thiếu hiệu quả, ngay khi Nhà Trắng mất đi sự ủng hộ của Quốc hội vì đã rơi vào tay đảng Cộng hòa và khi lòng tin của người dân ngày một suy giảm, cuộc khủng hoảng tại Paris sẽ là động lực giúp ông Obama tìm cách tháo gỡ những bế tắc của mình.
Tổ chức al-Qaeda họp mặt với các thành viên trung thành tại Yemen. Ảnh: New York Daily News (Ảnh minh họa)
Cơn ác mộng khủng bố tấn công ồ ạt ngay trên lãnh thổ các nước phương Tây đã được Washington cảnh báo từ ngay khi IS ngày một mở rộng lãnh thổ và thu hút các tín đồ Hồi giáo phương Tây tham gia thánh chiến.
Trong các phát biểu lên án IS của mình, ông Obama đã từng so sánh khủng bố Hồi giáo cực đoan như một “căn bệnh ung thư” nguy hiểm. Nó có khả năng lan tràn và làm tổn thương xã hội. Ông kêu gọi sự hợp tác tích cực hơn của các quốc gia phương Tây và cả các nhà nước Hồi giáo đồng minh nhanh chóng chặn đứng sự phát triển của các tổ chức khủng bố.
Thế nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chiếm đại đa số lực lượng tham gia chiến dịch không kích IS, trong khi sự tham gia của các quốc gia khác vẫn còn nhiều hạn chế do e sợ tốn kém. Và giờ đây, theo cách gọi của báo chí khủng bố, các “tế bào khủng bố” đã bắt đầu tỉnh giấc và lan rộng ngay giữa châu Âu.
Theo tờ International Bussiness Times (Mỹ), trong hội nghị chống khủng bố quốc tế sắp đến, đại diện từ nhiều thành phố của Mỹ như Boston, Los Angeles và Minneapolis trình bày các chính sách an ninh của mình làm hình mẫu chống khủng bố cho các nước khác. Nước Mỹ sẽ lại một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây cũng là cơ hội rất lớn để chính quyền Mỹ một lần nữa thổi bùng lại ngọn lửa chiến tranh chống khủng bố đang dần nguội lịm, tìm kiếm thêm sự hợp tác quốc tế và để ông Obama đáp lại những hoài nghi về khả năng lãnh đạo của mình.
Liều thuốc “kích thích” người Pháp
Cuộc thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo làm rúng động cả nước Pháp, bởi vụ việc đẫm máu này xảy ra giữa ban ngày, ở một khu phố đông đúc, ngay tại thủ đô Paris và đánh thẳng vào giá trị “tự do ngôn luận” mà quốc gia này luôn lấy làm tự hào. Những tên khủng bố đã mang bầu không khí chết chóc đến “kinh đô ánh sáng” của châu Âu.
Thế nhưng, trước sự tàn bạo của bọn khủng bố thách thức những giá trị cốt lõi của xã hội phương Tây, “bản năng tự vệ” đã thúc đẩy người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung đoàn kết lại với nhau hơn bao giờ hết.
Cuộc tuần hành với hơn hai triệu người tham gia tại Paris. Ảnh: The Telegraph (Ảnh minh họa)
Ngày 11/1, gần ba triệu người Pháp xuống đường tuần hành “Đoàn kết” tại thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn khác trên nước Pháp. Tại các quốc gia châu Âu khác cũng đồng loạt diễn ra nhiều cuộc tụ tập, tuần hành hưởng ứng sự kiện tại nước Pháp.
Hãng tin AFP dẫn lại nhận định của kênh truyền hình quốc gia Pháp khẳng định: Kể từ sau ngày giải phóng Paris khỏi phát xít Đức vào năm 1944 đến nay, chưa từng có sự kiện nào đạt được quy mô và không khí sánh bằng cuộc tuần hành ngày 11/1 vừa qua. Trong bài phát biểu trước thềm cuộc tuần hành, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã mạnh mẽ khẳng định: “Đất nước này sẽ trỗi dậy thêm một lần nữa”.
Nước Pháp cần một cú hích với tầm mức lịch sử như thế này để vượt qua những khó khăn chồng chất mà đất nước hình lục lăng đang phải hằng ngày đối mặt. Xã hội Pháp rối bời, còn kinh tế thì bị trì hoãn với liên miên những cuộc đình công, đến mức mà ở Bussiness Insider phải gọi Pháp là “quốc gia của đình công”.
Theo Viện Liên đoàn Thương mại châu Âu, Pháp đứng đầu châu Âu về số lượng các cuộc biểu tình từ năm 2001 đến năm 2010. Những cuộc biểu tình liên miên phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm trợ cấp, tăng thuế,… đang làm nước Pháp hao tốn hơn 35 giờ lao động mỗi tuần - “một thảm họa đối với kinh doanh”.
Tờ The Telegraph còn khẳng định sau nước Đức, giờ đây đến lượt nước Anh chuẩn bị vượt mặt Pháp trên diễn đàn kinh tế thế giới.
Theo giáo sư Costas Lapavitsas, hiện đang giảng dạy về kinh tế tại ĐH London (Anh), Pháp không những đang điên đầu xử lý tác động của cuộc khủng hoảng Khu vực đồng Euro mà chính quyền Pháp còn đang liên tục bị thách thức bởi các đảng phái chính trị cực hữu của quốc gia này. Theo một bài bình luận trên tờ Bussiness Insider (Mỹ) hồi tháng 10/2014, nước Pháp đang cùng lúc bế tắc trong ba cuộc khủng hoảng là “kinh tế, chính trị và đạo đức”.
Hậu thảm sát Charlie Hebdo, người dân Pháp như được bơm thuốc tê quên đi những món nợ kinh tế khổng lồ, quên đi tỉ lệ thất nghiệp cao chất ngất, quên luôn cả một nền chính trị đang bên bờ đánh mất vị thế lãnh đạo vào tay Berlin. Paris một lần nữa lại trở thành thủ đô của châu Âu.
Đua nhau khủng bố để thu hút tài trợ Kẻ hưởng lợi theo hướng tiêu cực sau mọi cuộc khủng bố đẫm máu luôn là những tổ chức và cá nhân chủ mưu “đạo diễn” tổ chức cuộc tấn công. Theo Steve Emerson, Giám đốc điều hành Dự án Điều tra Khủng Bố (Mỹ), tội ác càng đẫm máu, những giá trị của đối phương càng bị phá hoại nặng nề thì tổ chức khủng bố chủ mưu mới trở nên nổi bật hơn các tổ chức khủng bố còn lại. Chúng thu hút được nguồn tiền tài trợ để duy trì hoạt động. Khủng bố cũng như một “cuộc đua đẫm máu” giữa các đối thủ mà trong trường hợp này là tổ chức al-Qaeda và “cờ đen mới nổi” Nhà nước Hồi giáo (IS). Kể từ khi IS nổi lên với hàng loạt vụ chặt đầu công dân phương Tây, đánh chiếm những vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq, tổ chức al-Qaeda dần bị chính “đứa con” của mình che lấp. Al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS, đã bắt đầu dòm ngó đến Yemen - lãnh thổ truyền thống trước nay của al-Qaeda. Đã có những cuộc đụng độ đầu tiên giữa IS với quân đội và người Shiite tại Yemen. Cuối năm 2014, IS còn ra thông báo ca ngợi cái chết của tên khủng bố Humam Al-Ta’zi là “liệt sĩ” đầu tiên của chúng tại Yemen. Nhưng sau cuộc thảm sát tại tòa soạn Charie Hebdo ngày 7/1 ngay giữa thủ đô Paris của Pháp, chi nhánh tại Yemen của al-Qaeda đã nhận trách nhiệm chỉ đạo anh em khủng bố nhà Kouachi ra tay tàn độc. Hãng Fox News của Mỹ lập tức nhận định, al-Qaeda đã vượt mặt IS, “ghi điểm” trong mắt các nhà tài trợ Hồi giáo cuồng tín. Sau hơn nửa năm hoạt động, IS dẫu được đánh giá thành công hơn bất kỳ tổ chức khủng bố nào trong lịch sử, tổ chức này vẫn chỉ mãi loanh quanh ở khu vực Trung Đông. Làn sóng IS “xâm lược” đã bị chặn lại tại Kobani, thành phố sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngõ bước vào châu Âu. Trong khi đó, al-Qaeda đã một lần nữa chứng minh “phong cách riêng” của mình: Mang cuộc chiến đến cửa nhà phương Tây. Không những thế, khác với những vụ đánh bom liều chết giữa London (Anh) hay Madrid (Tây Ban Nha) - vốn dễ bị bại lộ do quy mô quá lớn - hình thức khủng bố mới đang tạo nên một cảm giác bất an cho người dân châu Âu vì nó dễ thực hiện hơn rất nhiều. Cuộc thảm sát lần này tại Paris là lực đẩy cần thiết cho al-Qaeda trong cuộc đua chứng tỏ vị thế “anh cả” trong thế giới khủng bố. |
Theo Pháp luật TP.HCM