Thực hư thông tin cầu Long Biên có nguy cơ sập cục bộ

Thứ sáu, 16/01/2015, 13:22
Cho đến thời điểm hiện nay, cầu Long Biên vẫn đảm bảo an toàn để phương tiện lưu thông qua cầu, không đúng như một số báo đưa tin rằng cầu có nguy cơ sập cục bộ.

Thực hư thông tin cầu Long Biên có nguy cơ sập cục bộ - Ảnh 1

Hàng ngày vẫn có bốn tuyến tàu chạy qua cầu Long Biên được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Thời gian gần đây xuất hiện một số thông tin cho rằng cầu Long Biên có nguy cơ sập cục bộ, không đủ kinh phí để duy tu, bảo trì... Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PV đã trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Đường sắt Hà Hải - đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, duy tu, bảo trì cầu Long Biên.

Trao đổi với PV, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Tình trạng cầu Long Biên đã có thời gian hỏng và xuống cấp. Chính vì vậy công tác quản lý, bảo trì rất vất vả. Nhìn tổng thể thì hiện nay cây cầu rất xấu, đã xuống cấp nhiều. Tuy nhiên công tác quản lý kỹ thuật luôn bảo đảm tuyệt đối cho hoạt động lưu thông qua cầu”.

Thực hư thông tin cầu Long Biên có nguy cơ sập cục bộ - Ảnh 2

Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

“Từ năm 1995 đến 2010 có hai dự án sửa chữa, khắc phục vị trí hư hỏng để đảm bảo an toàn kỹ thuật chạy tầu và hoạt động giao thông qua lại. Cho đến hiện nay hai dự án đó vẫn đang phát huy tác dụng”, ông Hưng cho biết thêm.

Trước những thông tin liên quan đến khoản phí để duy tu, bảo trì cấp hằng năm không đủ, vị lãnh đạo này chia sẻ: “Nếu sử dụng tiêu chí dùng thực trạng cầu cũ làm tiêu chuẩn để áp cho việc duy tu, bảo trì cầu mới thì rất thuận lợi để các công ty thực hiện. Nhưng hiện nay chúng ta đang thực hiện ngược lại là áp mức phí duy tu, bảo trì cầu mới cho cây cầu tồn tại cách đây hơn 100 năm thì quả là khó khăn cho các đơn vị thực hiện duy tu, bảo trì.

Khó khăn này là tổng thể nhưng về mặt chi tiết kỹ thuật, chúng tôi khẳng định là an toàn tuyệt đối. Không phải vì khó khăn đó mà không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Nhưng tại một thời điểm nhất định, chúng tôi đã đánh giá được nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng nên phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã từng bước báo cáo lên các bộ, ngành tiếp tục có dự án sửa chữa đến năm 2020”.

Song song việc duy tu cây cầu cũ mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động chạy tàu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cho phép chỉ định thầu cấp bách để triển khai gia cố, sửa chữa cầu Long Biên với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; kế hoạch dự án sẽ khởi công trước tháng 2/2015.

Theo phương án thì giai đoạn một của dự án cây cầu sẽ được gia cố để đảm bảo an toàn, phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020. Giai đoạn hai của dự án, cây cầu được khôi phục, cải tạo làm đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội hoàn thành.

Thực hư thông tin cầu Long Biên có nguy cơ sập cục bộ - Ảnh 3

Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Hải.

Tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, duy tu, bảo trì cầu Long Biên.

Ông Long khẳng định: “Cho đến thời điểm hiện nay, cầu Long Biên vẫn đảm bảo an toàn để phương tiện lưu thông qua cầu, không đúng như thông tin rằng cầu có nguy cơ sập cục bộ. Nếu không an toàn thì chúng tôi không thể đánh đổi tính mạng của mọi người khi tiếp tục để cho người và phương tiện lưu thông qua cầu như vậy”.

“Cầu tồn tại hơn 100 năm rồi nên cầu xuống cấp là đương nhiên, nhưng mục tiêu đầu tiên chúng tôi đề cập đến là phải bảo đảm an toàn hoạt động lưu thông qua cầu”, ông Long cho biết thêm.

Cũng theo vị Phó Giám đốc này, hiện nay, cầu Long Biên vẫn có kinh phí duy tu, bảo trì cầu 7 tỷ mỗi năm; ngoài phí duy tu, bảo trì thì có những đợt được Bộ Giao thông Vận tải bổ sung thêm kinh phí để xử lý điểm mất an toàn. Cầu Long Biên luôn được Công ty tiến hành kiểm tra, rà soát phát hiện những điểm mất an toàn và được sửa chữa kịp thời.

Từ năm 2005 cầu Long Biên không chỉ phục vụ riêng cho đường sắt mà đã cho phương tiện như xe mô tô, xe thô sơ qua lại giúp giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương. Đồng thời đảm bảo lưu thông cho 5 tuyến tàu là: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Hải Phòng hằng ngày chạy qua cây cầu Long Biên an toàn tuyệt đối.

Theo ĐS&PL

Các tin cũ hơn