Cách mạng âm thầm ở Triều Tiên?

Thứ sáu, 16/01/2015, 13:57
Gần đây Triều Tiên đã có những bước thay đổi quan trọng trong việc nâng cao mức sống người dân. Liệu có phải chủ nghĩa tư bản đang phát triển tại đất nước này?

Cuộc cách mạng ầm ĩ mà chúng ta biết - là khi Hồng quân Liên Xô giành lại một nửa phía Bắc của bán đảo Triều Tiên khỏi sự kiểm soát của Nhật năm 1945. Kể từ đó, triều đại nhà Kim đã đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng giờ đây, thật ngạc nhiên khi chủ nghĩa tư bản lại đang dần phát triển trên đất nước này, dĩ nhiên là phát triển một cách âm thầm.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã học theo Trung Quốc và cho rằng các cải cách thị trường theo kiểu của người láng giềng có thể sẽ giữ nguyên cơ cấu hiện tại mà vẫn nâng cao được mức sống người dân.

Giai đoạn đầu là sự nhận thức về việc tăng sản lượng nông nghiệp sau nạn đói những năm 1990. Vì vậy, ông Kim Jong-il đã cho phép nông dân được giữ lại một phần nông sản từ đất của mình. Họ có thể lập đội và canh tác đất phục vụ lợi ích cá nhân, thu hoạch được gì thì sẽ giữ lấy cái đó.

Giai đoạn hai là thực hiện chiến dịch có tên “Các biện pháp 30/5” một cách âm thầm vào tháng 5 năm ngoái.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm một nhà máy sản xuất nấm mở ở Bình Nhưỡng.

Giáo sư Andrei Lankov của Đại học Kookmin, Seoul nói với phóng viên BBC rằng các doanh nghiệp hiện nay ở Triều Tiên trên thực tế đều là các nhà tư bản. Về cơ bản, họ là các doanh nghiệp quốc doanh nhưng trên thực tế, quản lý của những doanh nghiệp này là người tối đa hóa lợi nhuận và giữ phần lớn những gì họ kiếm được.

“Chính quyền chưa bao giờ chấp nhận những doanh nghiệp này. Họ không hề tồn tại chính thức dù thậm chí có nhiều doanh nghiệp tương đối lớn. Họ có các xí nghiệp tư nhân như xe bus, than đá và vàng”, giáo sư Lankov nhận xét.

Giáo sư còn lấy ví dụ về một doanh nghiệp than đá mà ông biết do một người quản lý. Người này tự thuê nhân công và vay mượn để bám vững trên thị trường. Khi hàng hóa được đem đi xuất khẩu (sang Trung Quốc), anh ta giữ lại một phần và đóng góp một phần cho nhà nước.

“Họ có một hãng quốc doanh được quyền bán than đá cho Trung Quốc nhưng hãng này không biết về việc khai thác hay cách thức tiến hành nên họ sẽ thỏa thuận với một người giàu ở địa phương - nhưng trong trường hợp này, người được tìm đến sẽ đầu tư tiền của mình cho doanh nghiệp”, theo giáo sư.

“Người quản lý sẽ thuê các thợ mỏ và kỹ sư, trả tiền cho trang thiết bị và khởi động chương trình khai thác. Than được xuất sang Trung Quốc và lợi nhuận phân chia giữa nhà nước - đơn vị cung cấp vỏ bọc hợp pháp (vì trên giấy tờ khu mỏ này thuộc sở hữu của nhà nước) và chủ thực. Đây có phải là một kiểu doanh nghiệp tư nhân? Theo tôi thì đúng là như vậy”, giáo sư Lankov nói thêm.

Ông cho rằng, chủ nghĩa tư bản ở Triều Tiên đang thực sự lớn mạnh: “Chính quyền Triều Tiên đang bắt đầu thừa nhận rằng không có con đường khác để có được một nền kinh tế hiệu quả mà không dựa vào các tổ chức cá nhân”.

Ông cũng cho biết, theo chiến dịch “Các biện pháp 30/5” bắt đầu từ năm nay, các nhà quản lý công nghiệp là công nhân viên chức sẽ được tạo điều kiện tự do như các quản lý tư nhân trong nền kinh tế thị trường tư bản ổn định.

“Họ sẽ được thu mua các nguyên liệu thô từ thị trường và được bán các sản phẩm của mình. Nghĩa vụ chính của họ là trả một khoản tiền nhất định. Điều này không quá khác so với việc nộp thuế thu nhập cá nhân hay thuế doanh nghiệp”, giáo sư nhận định.

Người có ảnh hưởng lớn nhất đến Triều Tiên trong tiến trình chuyển đổi sang thị trường tự do có lẽ là Trung Quốc. Mỗi năm, Triều Tiên thu hút khoảng 30.000 lượt du khách Trung Quốc đến tham quan và người dân Bình Nhưỡng có thể thấy sự giàu có của người hàng xóm đến mức nào.

Nhưng theo tính toán của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, việc tăng mức sống sẽ không đủ để kích thích mong muốn thay đổi. Vì với họ, đây vẫn còn là một canh bạc may rủi.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn