Nguyễn Tiến Luật, sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, (trái) trong lần dẫn tour giáp Tết 2015.
Ngược với bạn bè háo hức về quê ăn Tết, Nguyễn Thanh Lâm (quê Phú Yên, sinh viên năm 4 Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) ở lại làm thêm, kiếm tiền trang trải việc học hành và phụ giúp gia đình.
“Xuân này con không về”
Lâm sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, bố mẹ làm nông, nên cuộc sống gia đình khá khó khăn. Năm Lâm học lớp 12, bố Lâm qua đời. Lúc Lâm vào đại học, chị hai lấy chồng, một mình mẹ vất vả nuôi 5 anh em ăn học.
Thương mẹ, ngoài thời gian học, Lâm bắt đầu kiếm việc làm thêm để trang trải học hành. Những công việc Lâm thường làm là gia sư, phục vụ nhà hàng, cưới hỏi, làm bánh kẹo thủ công… Thời gian cứ trôi, đến Tết năm thứ nhất đại học, Lâm quyết định xin mẹ ở lại thành phố để làm thêm vì sợ về nhà tốn kém. Ban đầu, mẹ không cho, Lâm phải năn nỉ cả tháng trời mới được mẹ đồng ý.
Lâm nói với mẹ: “Nếu cả đi và về để ăn Tết với mẹ thì ít nhất cũng phải tốn gần 2 triệu tiền tàu xe. Rồi còn tiền vui chơi với bạn bè, lì xì mấy đứa em nữa”. Được mẹ đồng ý, Tết năm đó, Lâm xin làm việc ở Khu du lịch Suối Tiên với các công việc như bảo vệ, phục vụ nhà hàng, soát vé… Tổng cộng cả mùa Tết, Lâm kiếm được gần 2 triệu đồng để lo cho việc học.
Cũng trong lần đầu tiên đón Tết xa nhà đó, Lâm được Ban quản lý ký túc xá tổ chức đón giao thừa tập thể. Trong lúc vui chơi, ca hát, Lâm gọi điện về chúc Tết mẹ và mấy em. “Đó là lần đầu tiên xa nhà, vừa nghe tiếng mẹ trả lời là em nhớ ngay khuôn mặt mẹ. Hơn 10 phút nói chuyện mà chỉ hỏi được vài câu sức khỏe rồi hai mẹ con khóc sướt mướt qua điện thoại”, Lâm kể.
Năm nay, lại một lần nữa, Lâm không về quê đón Tết mà ở lại làm thêm. Lâm đang xin làm phục vụ trong một nhà hàng ở trung tâm thành phố với thu nhập khoảng 15-20.000 đồng/giờ. Trong khi đó Nguyễn Thị Bích Nga, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đang phụ bán quần áo ở chợ đêm, với mức lương 200.000 đồng.
Bốn năm đón Tết ở ký túc xá
Nguyễn Tiến Luật, quê Hà Tĩnh, sinh viên năm thứ năm Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, đã bốn năm không về quê ăn Tết. “Mỗi năm một lý do nhưng chính yếu vẫn là kinh tế khó khăn, một lần về nhà là một lần khó và gây tốn kém cho bố mẹ”, Luật nói.
Gia đình Luật có ba anh em, bố mẹ làm nông. Hai anh trai của Luật đều công tác xa, một anh làm giáo viên ở Đắk Lắk và một anh làm bộ đội, còn Luật học tại TP.HCM. “Tết nào cũng vậy, cả gia đình mong được đoàn viên nhưng khó lắm, ai cũng khó khăn, cũng công việc nên mỗi lần Tết là cả gia đình chỉ biết nhìn nhau qua ảnh, nghe giọng nhau qua điện thoại thôi”, Luật tâm sự.
Luật cho biết, công việc làm thêm của Luật những mùa Tết vừa qua chủ yếu là bảo vệ công trường xây dựng, phục vụ nhà hàng, tiệc cưới… Riêng năm nay, Luật xin được công việc hướng dẫn du lịch nên ít vất vả hơn so với những năm trước, thu nhập cũng cao hơn.
“Xin được công việc này mình vui lắm, vừa được đi đây đi đó lại được thu nhập tốt hơn”, Luật nói và cho biết mỗi ngày kiếm được 200.000-300.000 đồng.
“Là sinh viên đón Tết xa nhà, ai mà chả khóc khi nói chuyện với ba mẹ đêm giao thừa, nhưng ở lại mãi rồi cũng quen”, Luật kể.
Châu Ha Ri, quê An Giang, sinh viên năm ba Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng không về quê đón Tết và đang tất bật với công việc bảo vệ đường hoa. Ha Ri là con út trong gia đình nghèo có bảy anh chị em đều đã lập gia đình. Tuy nhà chỉ cách trường hơn 300 cây số nhưng hai năm nay, Ha Ri không về quê đón Tết cùng ba mẹ vì kinh tế khó khăn.
“Các anh chị thì có gia đình riêng, ai cũng khó khăn trong khi bố mẹ đã già nên em muốn ở lại kiếm tiền để phụ giúp bố mẹ, lo thêm việc học”, Ha Ri kể.
Năm nay, Ha Ri xin làm bảo vệ đường hoa ngày Tết, với mức thù lao từ 15-18.000 đồng/giờ. Chu Minh Huy (quê Bà Rịa - Vũng Tàu), bạn học cùng lớp, cùng phòng trọ cũng ở lại làm thêm không về quê đón Tết. Theo Huy, làm thêm dịp Tết một ngày bằng lương 3 ngày thường. “Họ trả cho em mỗi giờ 40.000 đồng cho công việc phát quà ở siêu thị”, Huy kể.
Theo Tiền Phong