Tranh cãi Nga - NATO
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51 ngày 6/2 đã khai mạc tại Đức với sự tham dự của hơn 400 quan chức, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng khoảng 60 bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng các nước.
Tình hình chiến sự tại Ukraine trở thành nội dung bao trùm chương trình nghị sự của hội nghị và tiếp tục là lý do để các bên đổ lỗi cho nhau.
Hội nghị an ninh Munich |
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, khối này không theo đuổi chính sách đối đầu với Nga và ngay từ đầu NATO đã không có hành động nào mang tính gây hấn với Nga. Theo ông Stoltenberg, trong tình hình căng thẳng hiện nay, Nga nên có những điều chỉnh chính sách trong vấn đề Ukraine.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng có lý do để lạc quan về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng chỉ trích việc ngày càng có nhiều ý kiến ở phương Tây nên "cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine" nhưng quan điểm như vậy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm "tấn bi kịch ở Ukraine".
Nội bộ lục đục
NATO đã cho thấy nội bộ lục đục, chia rẽ tại Hội nghị An ninh Munich khi các bên tiếp tục tranh cãi về việc có hay không cung cấp vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Ukraine Poroshenko.
Trong chuyến thăm Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận việc chính quyền của Tổng thống Obama sẽ sớm quyết định thời điểm cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo đó, chính phủ Mỹ đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Ukraine một số loại vũ khí sát thương có tổng trị giá 3 tỷ USD gồm tên lửa chống tăng, xe bọc thép Humvees, trực thăng tấn công không người lái, radar...
Sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố, Washington mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine nhưng nhấn mạnh thêm rằng Kiev có quyền tự vệ trước Nga và Mỹ sẽ cung cấp các công cụ để Ukraine làm điều này.
Phản ứng trước thông tin này, Nga cho rằng, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ khiến xung đột leo thang ở miền Đông Ukraine mà còn đe dọa an ninh của Nga.
Bản thân trong nội bộ NATO cũng đang có sự chia rẽ về vấn đề này. Tại Hội nghị của NATO diễn ra ngày 5/2, một số Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho quân đội chính phủ Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ có thể có sự rạn nứt giữa 2 bờ Đại Tây Dương nếu Mỹ quyết định thúc đẩy kế hoạch này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng, đổ thêm vũ khí vào miền Đông Ukraine sẽ không đem lại một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
“Chúng ta cần phải đặt thật nhiều áp lực cho phe đối lập ở miền Đông Ukraine cũng như Nga về mặt kinh tế và chính trị để tìm một giải pháp trên bàn đàm phán thay vì trên chiến trường bởi vì tạo điều kiện cho căng thẳng leo thang không phải là một giải pháp tốt. Chúng ta cần một giải pháp chính trị cho khu vực này”, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert cũng nhất trí với quan điểm của người đồng cấp Đức. Bà Plasschaert khẳng định, phần lớn các nước châu Âu, cụ thể là Hà Lan, sẽ chỉ hỗ trợ phi sát thương cho chính phủ Ukraine.
Phát biểu trước phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich ngày 7/2, Tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove tuyên bố Phương Tây sẽ không loại trừ lựa chọn quân sự cho vấn đề Ukraine, đồng thời ám chỉ tới khả năng cung cấp vũ khí và trang bị quân sự cho Kiev hơn là điều binh lính tới nước này.
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho quân đội Ukraine hay không, ông Breedlove nói: “Tôi không nghĩ chúng ta nên loại bỏ khả năng sử dụng lựa chọn quân sự. (Tuy nhiên), chúng ta vẫn chưa đề cập tới việc đưa quân tới thực địa".
Đức lạc lõng giữa NATO?
Liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, một bước đi được cho là mang tính xây dựng là cuộc gặp 3 bên giữa Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande để bàn thảo một đề xuất hòa bình do Đức vào Pháp soạn thảo.
Tuy nhiên, cuộc gặp ba bên được kỳ vọng này đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Phát biểu một ngày sau cuộc gặp, Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định Berlin muốn tạo lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga.
Theo bà, không ai muốn một lần nữa chia cắt châu Âu, đồng thời bác bỏ khả năng giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp quân sự.
Những tuyên bố của nhà lãnh đạo Đức khiến các chính trị gia Mỹ chỉ trích Berlin đã quay lưng lại với đồng minh đang trong cảnh khốn khó. Thậm chí giờ đây, bà Merkel còn bị rơi vào thế bí sau khi Tổng thống Putin ngỏ lời mời bà đến Moscow dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đức Quốc xã.
Do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhiều nước EU đã từ chối tới Moscow tham dự sự kiện trên.. Tuy nhiên, với vai trò trung gian hòa giải chính và là người vận động tích cực cho một giải pháp ngoại giao trong vấn đề Ukraine, lời mời này đã đẩy bà Merkel vào thế khó xử.
Cho tới nay, các nước khu vực Baltic đều đã khước từ lời mời tới thủ đô của Nga, trong khi Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cũng sẽ không tới Moskva tham dự sự kiện trên.
Hiện chưa rõ Thủ tướng Merkel sẽ nhận lời mới tới Moskva tham dự sự kiện trên trong bối cảnh tình hình căng thẳng hiện nay ở Ukraine.
Năm 2010, Thủ tướng Merkel cũng đã tới Moscow tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Theo Đất Việt