Quán thịt dê thường đông khách vào những ngày đầu tháng. Ảnh: Chí Cường
Không sát sinh linh vật của năm
Không biết từ bao giờ, người Việt ta có quan niệm “Cuối năm ăn chó, đầu năm ăn dê”. Họ tin rằng ăn thịt dê đầu tháng, đầu năm sẽ mang đến điềm lành và sinh lộc. Đặc biệt, người gặp Kim lâu, sao Thái Bạch chiếu mệnh, ăn thịt dê đầu năm mới sẽ được giải xui, giải hạn. Bởi vậy, năm nay năm Ất Mùi, nhiều người dân càng tin rằng ăn thịt dê, cúng thịt dê sẽ rước lộc vào nhà.
Có những gia đình còn góp tiền mua dê về tập trung làm thịt, chọn đúng giao thừa dọn thịt dê ra ăn với hy vọng gặp may cả năm. Như gia đình anh Hoàng Văn Huy ở Hà Đông (Hà Nội) đã góp tiền cùng với mấy nhà hàng xóm đặt mua chung một con dê tận Ninh Bình về ăn Tết.
Anh Huy cho biết: “Bình thường tôi cũng thích ăn thịt dê vì bổ, tốt cho sức khỏe. Năm nay, nghe mọi người nói năm con dê cúng thịt dê, ăn thịt dê đầu năm may mắn nên tôi cũng tin, chung mua cùng mọi người. Cũng chưa biết thế nào nhưng hy vọng năm nay ăn thịt dê cả năm đi buôn bán gặp may”.
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm này tại một số nhà hàng chuyên bán thịt dê núi số lượng khách đặt mua thịt dê cũng tăng hơn mọi năm. Chủ một nhà hàng chuyên bán thịt dê núi ở đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thường đầu tháng khách ăn thịt dê đông. Tết đến, năm nào cũng có người nhờ quán đặt mua thịt dê về ăn Tết nhưng năm nay nhiều người mua hơn. Ít thì vài cân, người nhiều đặt cả con mua về bảo ăn mùng 1 Tết lấy lộc cả năm.
Sư thầy Trí Minh – trụ trì chùa Tế Cầu, Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết, mỗi năm có một vị quan làm chủ. Ví dụ như năm Ngọ là quan Tần vương làm chủ. Năm nay Ất Mùi, quan Tống Vương hành khiển. Nhiều người cho rằng, năm con gì cúng con đó mang ý nghĩa tiến thần sẽ may mắn nên năm nay con dê họ sẽ cúng thịt dê. Nhưng quan niệm như vậy theo Phật giáo là không đúng. Đầu năm không nên sát sinh con vật linh thiêng của năm. Thậm chí ngay trong dân gian có một chút kiêng kỵ “năm con gì kiêng cúng con đó” như năm Dậu (con gà) nhiều nơi không cúng gà trong đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết.
Trong mâm cỗ cúng của gia đình không nên có thịt dê. Mọi người cần tránh sát sinh hay ăn thịt con vật được hy vọng sẽ mang đến điều may mắn trong thời điểm đầu năm. Ngay cả ngày lễ ông Táo (23 tháng Chạp), mọi người cũng không nên cúng cá chép đã chế biến thành món ăn. Cá chép là vật linh trong ngày lễ ông Táo nên kiêng sát sinh cá chép trong ngày này. Người dân thường cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước để đưa ông Táo về trời. Cúng xong, cá sẽ được thả xuống ao, sông với ý nghĩa cá sẽ hóa rồng để ông Táo cưỡi lên chầu trời.
Bày mâm cỗ cúng giao thừa
Lễ giao thừa còn gọi là Lễ trừ tịch thực hiện vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới nhằm bỏ đi điều xấu của năm cũ để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới. Sư thầy Trí Minh cho hay, đức Phật có dạy “tùy duyên tùy hoàn cảnh”. Vì vậy, mâm cỗ cúng giao thừa lễ vật to nhỏ không quan trọng mà cái chính vẫn là sự thành kính. Mâm cao cỗ đầy hay lễ vật đơn sơ tùy thuộc vào gia cảnh. Nếu gia cảnh khó khăn chỉ có một nén hương, bát cháo thì không thể nói đó là không đầy đủ lễ nghĩa. Mâm cúng là nhằm tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội, cũng là dịp gia đình sum họp cùng nhau chào đón một năm mới với những hy vọng may mắn sẽ đến với các thành viên trong gia đình.
Mâm cỗ giao thừa mỗi miền được bày khác nhau. Người miền Bắc, lễ cúng giao thừa không thể thiếu gà luộc và xôi. Ngoài ra còn có bánh chưng vuông, bánh chưng dài (người miền Nam gọi là bánh tét), mứt, trầu cau, rượu, nước, vàng mã và cả hoa quả. Nhiều gia đình còn cúng quả trứng luộc, để chung với chút gạo, muối và một bát cháo trắng. Gà cúng giao thừa thường phải là gà trống. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là tượng trưng cho ông mặt trời.
Với miền Trung, mâm cỗ giao thừa cũng không thể thiếu gà, bánh chưng và bánh nếp. Có nhiều gia đình làm đơn giản hơn là mâm xôi và gà luộc cùng những chén rượu. Còn người miền Nam, mâm cỗ giao thừa đơn giản hơn với đĩa ngũ quả, hoa, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nếu đầy đủ, mâm lễ mặn phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè và bắp cải thảo…
Đối với mâm ngũ quả mỗi miền cũng có cách thể hiện khác nhau. Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa học (Đại học KHXH&NV TP.HCM) dù khác nhau nhưng nguồn gốc chung của mâm ngũ quả theo ngũ hành, các loại quả thể hiện 5 màu đen, đỏ, trắng, xanh, vàng. Đầu tiên là nải chuối thể hiện màu xanh to bè ra ôm chọn các loại quả khác. Quả Phật thủ màu vàng được đặt ở giữa, trong lòng nải chuối. Nếu không có Phật thủ có thể thay bằng quả bưởi màu vàng. Tiếp theo, ba loại quả khác có các màu đỏ, trắng, đen như cam quýt chín, hồng, hồng xiêm…
Miền Bắc thường chọn quả chuối và Phật thủ, bưởi, dưa hấu cầu mong sự no đủ, phồn thịnh… Người miền Nam thường bày các loại quả như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với ước mong năm mới “cầu sung vừa đủ xài”. Ngày nay, ngoài các loại quả truyền thống, mâm ngũ quả của người Việt còn có thêm nhiều loại hoa quả ngoại nhập tạo nên sự phong phú, đa dạng về màu sắc và hương vị. Mâm ngũ quả thường được bày ở vị trí trung tâm của ban thờ ngày Tết, hai bên là hai cặp bánh chưng xanh. Các loại bánh, mứt, rượu cũng được gia chủ dâng lên mời thần Phật, tổ tiên.
Sư thầy Trí Minh cho rằng, việc lựa chọn hoa quả trưng bày cũng cần lưu ý. Mâm ngũ quả ngày Tết thường để lâu hơn bình thường nên không chọn loại chín quá vì sẽ nhanh hỏng, nhưng cũng không được chọn quả quá xanh chỉ cốt để cho lâu. Nên nhớ rằng mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên cần chọn hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, cần phải hoa tươi, chứ không phải hoa giả, hoa nhựa. Hoa quả tươi mua về khi chưa bày mâm ngũ quả cũng cần để cẩn thận, trang trọng. Mọi người không nên cho vào tủ lạnh hay vứt lăn lóc ở góc bếp, rồi đến tối 30 mang ra bày sẽ không hay.
Theo Infonet